Theo ông Đặng Chí Hùng, Giám đốc kinh doanh Công ty nhôm - inox Kim Hằng, nếu so cùng kỳ năm trước doanh số bán hàng giảm đến khoảng 20%. Ở Công ty TNHH Huỳnh Gia Huynh Đệ, con số tương tự là 10 - 15%, theo ông Châu Nhựt Trung - Tổng giám đốc công ty. Lĩnh vực thời trang cũng không thoát cảnh trì trệ này. Bà Đặng Quỳnh Đoan - Giám đốc Công ty thời trang Việt Thy - phân tích rằng nếu so với cùng kỳ năm trước thì sức mua hiện giảm khoảng 10%. Có thể năm nay mức tiêu thụ còn thấp hơn cả năm 2012.
|
Lĩnh vực vật liệu xây dựng còn tệ hơn. Giám đốc một doanh nghiệp (DN) ngành tôn thép tại TP.HCM cho biết thói quen kinh doanh của người Việt là đầu năm DN xả hàng đến cuối năm mới thu nợ. Chẳng hạn, đại lý truyền thống mua 10 tỉ đồng, thì cho nợ 50% theo hình thức gối đầu. Nhưng năm nay, cách làm này hầu như không còn, nếu có thì khoản nợ kéo giảm xuống chỉ còn 30%. Vì thế, đại lý không lấy được hàng nhiều, chỉ có thể lấy hàng trong khoảng 3 tỉ đồng được phép nợ đấy mà thôi.
|
Theo đại diện Công ty xi măng Vincem Hà Tiên, sức tiêu thụ chung của ngành xi măng từ sau tết đến nay giảm khoảng 7% so với cùng kỳ năm 2012. Dự báo, mức tiêu thụ cho cả năm 2013 sẽ tăng khoảng 3% so với năm 2012. Tuy nhiên tình trạng khá căng thẳng sau hơn 2 tháng đầu năm khiến công ty phải thay đổi dự báo của mình, chỉ cố gắng duy trì sản lượng bán ra tương đương như năm 2012 với khoảng 4,2 triệu tấn.
Bà Đặng Quỳnh Đoan nhận định năm nay công ty sẽ phải giảm bớt lượng sản xuất từ 15 - 20% vì dự báo mức tiêu thụ chưa thể khả quan. "DN ngày càng khó khăn do gánh nặng chi phí đầu vào nên cũng không thể tiết giảm được chi phí hơn nữa. Chỉ riêng phí bảo hiểm cho nhân viên nếu lương cơ bản tăng thì phải tăng theo cũng là một khoản chi phí không nhỏ đang đè nặng lên đầu DN”, bà Đặng Quỳnh Đoan nói. Trong khi đó, Công ty xi măng Vincem Hà Tiên đã thực hiện nhiều giải pháp để tiết giảm chi phí đầu vào như tìm kiếm các nguồn cung cấp nguyên vật liệu với giá thấp hơn; tiết kiệm tối đa chi phí bán hàng, cắt giảm hội họp… Nhờ sự nỗ lực đó mà công ty này đưa ra giá bán đến tay người tiêu dùng giảm được 40.000 đồng/tấn so với cuối năm 2012. Các DN thực phẩm, hàng tiêu dùng thì vẫn tăng cường khuyến mãi, tìm mọi cách giảm chi phí hoạt động, chi phí bán hàng đến mức tối đa. Thế nhưng, dù đã cố đẩy bằng nhiều cách nhưng sức mua hằng tháng vẫn cứ giảm. Lý giải cho khó khăn hàng sản xuất ra không bán được, các doanh nghiệp đều có chung câu trả lời, là người dân không có tiền mua sắm!
Thị trường nội địa tiêu thụ yếu ớt khiến các DN phải vất vả trong việc tìm kiếm nguồn cầu ở bên ngoài. Hiện nay, các DN ngành tôn thép đang bán hàng khá chạy ở các nước trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia và Thái Lan, để lấp khoảng trống thị trường nội địa. Có DN, sản lượng xuất khẩu đến nay đã chiếm tới 70%, dù những năm trước chỉ dừng ở mức 20 - 30%. Tuy nhiên, việc xuất khẩu không phải dễ dàng vì luôn luôn đối diện với nguy cơ bị đánh thuế chống bán phá giá hay các biện pháp phòng vệ của các nước để bảo vệ DN sở tại.
Mai Phương - Hoàng Việt
>> Khách mua sắm tại siêu thị tăng mạnh
>> Mua sắm trên đảo Guam
>> Kinh nghiệm mua sắm ở nhiều nước
>> Mua sắm giá rẻ mỗi ngày trên Thanh Niên
Bình luận (0)