Sức quyến rũ của cổ phong

10/01/2021 07:37 GMT+7

2 năm trước, tại Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM, sự kiện trình diễn lễ phục triều Nguyễn Bách niên y lễ chỉ có sự tham gia của 2 đơn vị/nhóm nghiên cứu lịch sử.

Nay, Ngày hội Việt phục Tóc xanh, vạt áo tổ chức tại đây thu hút tới 12 đơn vị trên toàn quốc.
“Sự mở rộng quy mô của chương trình Việt phục này, sự phong phú về trang phục, mẫu mã, chất lượng được nâng cao trong khi giá thành hạ xuống, đã cho thấy phong trào tìm về nét đẹp cổ phong (nếp xưa, phong cách cổ) có sự chuyển biến, phát triển trong thời gian qua”, anh Tôn Thất Minh Khôi, sáng lập Thiên Nam Lịch đại Hậu phi (một trong những đơn vị tham gia tổ chức Ngày hội Việt phục), nhìn nhận.

Đa dạng sản phẩm, hình thức

Trong vài năm gần đây, hàng loạt dự án cổ phong đã, đang được thực hiện tạo nên sự chú ý, xây dựng nên một cộng đồng quan tâm đến văn hóa xưa ngày càng lớn mạnh. Có thể kể đến như: bản ghi hình phỏng lại lối phục sức của người Việt trong 1.000 năm, từ triều Lý (thế kỷ 11) đến triều Nguyễn (thế kỷ 20); phim Phượng khấu (chuẩn bị thực hiện phần 2); phim dã sử diễn họa Bình Ngô đại chiến vừa công chiếu; sách về cổ phục thời Lê sơ Dệt nên triều đại; artbook Lam Dũ tổng hợp các nghiên cứu về trang phục, tập tục, quân sự, chính trị... thời Lý - Trần - Lê, trong đó lấy nhà Trần làm chủ đạo; truyện tranh Long thần tướng có bản ebook tiếng Anh và phát hành trên Amazon, được mua bản quyền dịch sang tiếng Tây Ban Nha và phát hành trong khu vực Mỹ Latin; dự án khôi phục hoa văn cổ của người Việt - Hoa văn Đại Việt; game sưu tập thẻ bài huyền sử Việt Nam - Sử Hộ Vương; dự án truyện tranh/game nhân hóa các binh khí nước Việt lấy cảm hứng từ lịch sử - Nam binh thần khí; dự án Việt Nam cổ phục hay MV Không thể cùng nhau suốt kiếp của Hòa Minzy (tái hiện mối tình giữa Nam Phương hoàng hậu và vị vua cuối cùng triều đại phong kiến Việt Nam: Bảo Đại)...
Như thế, người trẻ hiện giờ không chỉ quan tâm tới trang phục của người Việt xưa, các dự án, sản phẩm lấy cảm hứng từ lịch sử và nét đẹp văn hóa Việt xưa đều phát triển. Tinh thần dám nghĩ dám làm, nhiệt huyết cùng sự nghiên cứu bài bản của họ đã thu hút được nhiều đơn vị cùng đam mê chung tay thực hiện dự án.
Anh Nguyễn Ngọc Phương Đông, thành viên đồng sáng lập Tổ chức Vietnam Centre (tổ chức phi lợi nhuận hoạt động với sứ mệnh quảng bá văn hóa và hình ảnh của Việt Nam ra toàn cầu), cho biết: “Qua quan sát chủ quan của chúng tôi, sự chuyển biến thể hiện rõ khi những tên gọi áo quần xưa như áo Giao Lĩnh, áo Nhật Bình... đã không còn xa lạ với nhiều người dân, người làm sáng tạo và giới truyền thông. Nhớ lại, 7 năm trước khi cuốn sách Ngàn năm áo mũ (Trần Quang Đức) mới ra đời, hầu như không mấy ai biết những cái tên đó là gì, kể cả những người quan tâm và yêu thích văn hóa cổ”.
“Rõ ràng việc một số bạn trẻ lan tỏa nét đẹp cổ phong đã có tác động tích cực với xã hội: làm hình thành phong trào cổ phong - chưa gọi là bùng nổ hay lớn mạnh - có sức hút nhất định với giới trẻ, để từ đó các bạn trẻ khác chủ động tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa, lịch sử của dân tộc mình”, Tôn Thất Minh Khôi nói.

Cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa

Một nhân vật khá nổi bật trong giới nghiên cứu cổ phong là biên kịch Phạm Vĩnh Lộc. Ban đầu anh tham gia vào phong trào này với tư cách cá nhân, chỉ nghĩ đơn giản rằng những mẩu chuyện mình sáng tác hay những ghi chép về các chuyến đi của mình có thể truyền cảm hứng cho bạn bè. Không ngờ các mẩu chuyện này lại nhận được hiệu ứng tích cực để rồi Lộc cùng với những người bạn đồng chí hướng lần lượt cho ra đời các kênh Hùng ca sử ViệtViệt sử kiêu hùng. Với hàng triệu lượt xem từ các series chính như Tử chiến thành Đa Bang, Lý Thường Kiệt... và đặc biệt Bình Ngô đại chiến đạt top 15 trending trên YouTube, có thể nói nhóm Đuốc Mồi đã thành công trong việc thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước trong người xem.
Để phát huy tối đa nội lực của phong trào khôi phục văn hóa hiện nay, theo Phương Đông: “Cần có sự quan tâm hơn nữa của giới truyền thông để đông đảo người Việt biết tới, đồng thời cần có sự quan tâm của các doanh nghiệp để khai thác các giá trị văn hóa đó vào thương hiệu, sản phẩm của họ, để các nét đẹp văn hóa đã được khôi phục có cơ hội tồn tại trong xã hội ngày nay”. Còn với Minh Khôi: “Tụi mình vẫn cần sự quan tâm và động viên từ những cơ quan, ban ngành liên quan. Và việc ngày hội Tóc xanh, vạt áo có sự quan tâm lớn từ Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM - đơn vị đồng hành tổ chức, cho thấy “người lớn” luôn sẵn sàng ủng hộ, đồng hành nếu các chương trình, sản phẩm mang ý nghĩa tích cực đối với lịch sử, văn hóa nước nhà”.
Ngày hội Việt Phục Tóc xanh, vạt áo do 12 đơn vị cổ phong trên cả nước phối hợp cùng Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM tổ chức, diễn ra vào ngày 10.1, mở cửa tự do cho tất cả mọi người và khuyến khích mặc cổ phục Việt khi tham dự. Cùng với các gian hàng từ những đơn vị tham gia sẽ là những sự kiện: Hành trình phục dựng mũ miện triều Nguyễn (10 giờ), Đối thoại những thương hiệu áo dài cổ truyền (14 giờ), Đưa văn hóa dân gian Việt Nam ra thế giới (16 giờ 30), Đêm gala (18 giờ).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.