Thành phố tiên phong, đón đầu xu thế thời đại
Sài Gòn - TP.HCM xứng danh là thành phố anh hùng, anh hùng trong 30 năm kháng chiến, anh hùng trong thời kỳ hòa bình, xây dựng đất nước.
Phát huy lợi thế, tiềm năng phát triển, khai thác tốt cơ chế đặc thù, với tinh thần "vì cả nước, cùng cả nước", TP.HCM đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát huy hơn nữa vai trò đầu tàu và kết nối các địa phương trong vùng.
Ngày 2.7.1976, Sài Gòn - Gia Định được vinh dự mang tên Bác Hồ kính yêu. Thành phố nơi tiễn Người ra đi năm 1911, không được đón Bác ngày trở lại nhưng vinh dự được mang tên Người mãi mãi. Đó là niềm tin, là trọng trách, là sức mạnh đi lên của thành phố rực rỡ tên vàng.
Là một đô thị lớn, có lịch sử hình thành và phát triển gắn với đô thị hóa, công nghiệp hóa và kinh tế thị trường, ở thời kỳ nào, thành phố cũng thể hiện sự tiên phong, năng động, với vai trò của một trung tâm kinh tế, đón đầu các xu thế của thời đại.
Có thể nói đây là thành phố của những người nhập cư. Họ được thu hút về đây luôn có khát khao vươn lên, có văn hóa lập nghiệp và sống chan hòa cùng nhau. Đây cũng là nơi nhận được nguồn đầu tư lớn để triển khai các hạ tầng quan trọng nhằm phát triển kinh tế, phát triển công nghiệp, dịch vụ…
Từ "Hòn ngọc Viễn Đông" dưới thời Pháp thuộc, với một thành phố được quy hoạch thành đô thị công nghiệp hiện đại, có hạ tầng đường sắt, cảng biển, sân bay và các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục…, Sài Gòn - TP.HCM đã đạt được nhiều thành tựu, nhất là trong giai đoạn đổi mới của đất nước.
Về kinh tế, TP.HCM đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 2 con số trong nhiều năm (1996 - 2010), thể hiện vị thế của một đô thị phát triển sôi động nhất cả nước. Đây chính là giai đoạn TP.HCM gia tăng tốc độ phát triển kinh tế, khẳng định vị thế và vai trò đầu tàu kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước.
Hiện nay, TP.HCM vẫn đang là đầu tàu kinh tế cả nước về quy mô nền kinh tế và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Xu hướng chuyển dịch từ công nghiệp sang dịch vụ của TP.HCM được đánh giá là tương đồng với các quốc gia ASEAN với một số nhóm ngành tương tự. Trong đó dịch vụ tài chính là lĩnh vực TP.HCM đứng đầu cả nước và là lĩnh vực có đóng góp quan trọng trong kinh tế thành phố. Quy mô kinh tế TP.HCM hiện chiếm 17% GDP cả nước và là nơi có mật độ doanh nghiệp/1.000 dân dẫn đầu cả nước với 27,6 doanh nghiệp/1.000 dân, vượt xa mức bình quân cả nước ở mức 8,3 doanh nghiệp/1.000 dân. GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) bình quân đầu người đạt ở tốp cao.
TP.HCM là nơi có lao động qua đào tạo chiếm 87,7%, cũng là nơi có năng suất lao động cao gấp 1,8 lần bình quân cả nước. Văn hóa, giáo dục, y tế phát triển khá. An ninh quốc phòng luôn được giữ vững. Đây cũng là nơi có nhiều thành công trong xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ người nghèo theo chuẩn đa chiều còn 0,33% hộ dân và chuẩn nghèo về thu nhập luôn được nâng lên (hiện là 46 triệu đồng).
Sau gần 50 năm thống nhất đất nước, gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và gần 4 năm thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, TP.HCM đã khẳng định được vai trò, vị thế của một đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế văn hóa, xã hội hàng đầu của cả nước.
Hướng tới điểm đến hấp dẫn toàn cầu
Là địa phương luôn tiên phong đi đầu trong công cuộc đổi mới toàn diện với tư duy phát triển năng động, sáng tạo, có những cách làm mới và nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế của cả nước.
TP.HCM được biết đến là thành phố đẹp, có nhiều sông rạch - hệ thống sông ngòi, kênh rạch khá dày đặc, khoảng 2.000 km, tạo nên diện mạo đặc trưng và cảnh quan khác biệt. Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch gắn với văn hóa sông nước… Đây là thành phố nhộn nhịp, sôi động, là điểm đến của nhiều cơ hội cho học hành, sinh sống, làm ăn, khởi nghiệp, sáng tạo… Nơi được cho là dễ sống, dễ dung nạp, rất hào hiệp, nghĩa tình và bao dung.
Tuy nhiên, thành phố cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và những điểm nghẽn cần được tiếp tục tháo gỡ. Thành phố cũng đang khẩn trương giải quyết những bài toán khó nhằm đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới (giao thông kết nối, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng cường mảng xanh…).
Phát huy lợi thế, tiềm năng phát triển, khai thác tốt cơ chế đặc thù, với tinh thần "vì cả nước, cùng cả nước", TP.HCM đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát huy hơn nữa vai trò đầu tàu và kết nối các địa phương trong vùng.
Mục tiêu đến năm 2030, TP.HCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu kinh tế số, xã hội số; trung tâm kinh tế tài chính; thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị trí nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.
Tầm nhìn đến năm 2045, TP.HCM phát triển ngang tầm các đô thị trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc; người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của Vùng TP.HCM và Vùng Đông Nam bộ, cực tăng trưởng của cả nước; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế.
Trước mắt, thành phố sẽ đẩy nhanh xây dựng các mô hình thành phố thông minh, thành phố xanh, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị, phát triển không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
Để hiện thực hóa mục tiêu, tầm nhìn, khát vọng phát triển, Đảng bộ, chính quyền, người dân TP.HCM sẽ đoàn kết phấn đấu, phát huy truyền thống anh hùng, năng động, sáng tạo, luôn xứng đáng với niềm tự hào lớn, trọng trách lớn được mang tên Bác kính yêu.
Bình luận (0)