Sức sống mới ở làng cổ Hội Kỳ

03/08/2022 11:33 GMT+7

Làng cổ Hội Kỳ nằm bên dòng Ô Lâu thuộc xã Hải Chánh (H.Hải Lăng, Quảng Trị ), dẫu không vang danh như ngôi làng Phước Tích bên kia sông nhưng vẫn vẹn nguyên niềm kiêu hãnh và tràn đầy sức sống.

Nếp nhà trăm năm

Nhiều du khách, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước khi đặt chân tới làng Hội Kỳ đã không ngớt trầm trồ về những ngôi nhà cổ. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, dường như bom đạn không làm suy suyển những ngôi nhà cổ nơi này. Làng còn 25 nhà cổ làm bằng gỗ quý, niên đại hàng trăm năm. Dân làng kể, từng có ngôi nhà cổ được bán với giá hơn 10.000 đồng tiền miền Bắc (quy ra thời giá khoảng 20 cây vàng).

Ông Dương Văn Mạnh và ngôi nhà cổ Tích Khánh Đường

THANH LỘC

Các ngôi nhà rường cổ có kiến trúc nghệ thuật đặc trưng. Những người thợ mộc tài hoa đã chạm trổ hoa văn tinh xảo trên hệ thống cột, kèo… Gắn bó cả cuộc đời mình với Hội Kỳ, bà Dương Thị Hường những tưởng chiến tranh đã “bỏ quên” ngôi làng này. “Hàng chục năm qua, làng của tôi vẫn thế, rất bình yên. Từ sau hòa bình, Hội Kỳ càng yên bình. Dân làng Hội Kỳ có thể không giàu có, nhưng luôn tự hào về nơi chốn của mình”, bà Hường nói.

Hội Kỳ không chỉ có sự trầm mặc bởi cảnh quan, sự cổ kính đến từ nhà cửa vườn tược. Con người nơi đây cũng giữ nhiều phần cốt cách thanh tao của lớp người cũ. Trừ phi phải đi đâu xa, còn thường ngày dân làng ít dùng đến phương tiện cơ giới, chỉ đi bộ nên chẳng mấy khi nghe tiếng động cơ. Ông Dương Văn Mạnh, một người được mệnh danh là nhà “Hội Kỳ học” và đang trông giữ Tích Khánh Đường, thậm chí còn thách vui người viết thử… đi tìm quán xá ăn uống ở quanh làng. “Ẩu đả, đánh nhau ở làng này là chuyện xưa nay hiếm. Tình hình an ninh trật tự của làng cũng tốt bậc nhất. Có trộm cắp thì cũng do người ngoài vào làng lẻn vào...”, ông Mạnh tự hào.

Chuyển mình với du lịch

Trước năm 1975, Hội Kỳ là ngôi làng nhỏ ven dòng Ô Lâu, giờ đây ngôi làng vẫn “vóc dáng” ấy, với trầm tích văn hóa xưa cũ. Nhưng sức sống mới dường như đã len lỏi khắp thôn làng. Ông Dương Văn Mạnh cho biết ngày nay dân làng đã “nghĩ khác”, mở toang cửa đón nhận những điều hay lẽ phải từ bên ngoài chứ không còn dè dặt như xưa, miễn là tự mình vẫn giữ được cốt cách của làng.

Người dân Hội Kỳ đang lưu giữ nếp nhà trăm năm

THANH LỘC

Hội Kỳ chỉ là làng thuần nông, không có nhiều nghề như những ngôi làng cổ khác (làm mộc, làm gốm). Nhưng một vài năm trở lại đây, dân làng Hội Kỳ đã bắt đầu biết làm du lịch. “Chúng tôi cũng đâu có kém cạnh gì làng Phước Tích ở bên kia sông. Chúng tôi làm du lịch không hẳn vì tiền, mà là vì sự tự hào về quê hương bản quán, muốn mọi người biết đến Hội Kỳ nhiều hơn”, ông Dương Văn Bách, một vị cao niên ở làng, cảm thán.

Ông Bách có lý do để tự tin. Hồi năm 2019, đoàn du khách người Hàn Quốc đến tham quan làng Hội Kỳ, đến một ngôi nhà cổ ngắm nghía, một du khách đã thốt lên: “Báu vật!”. Chính du khách Hàn này đã nằng nặc xin ở lại căn nhà một đêm, từ đó “gợi ý” về mô hình lưu trú tại nhà dân (homestay) ở Hội Kỳ. Cũng từ đó, làng đặt ra phương châm “mỗi người dân là một đại sứ du lịch”, nụ cười luôn nở trên môi mỗi khi đón khách lạ. “Có thể dân làng một chữ tiếng Ty bẻ đôi cũng không biết, nhưng nụ cười chào đón sẽ khiến nhiều du khách nhớ mãi”, hướng dẫn viên du lịch Hồ Trọng Hoàng (đến từ Thừa Thiên - Huế) nhận xét.

Ông Bùi Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hải Chánh, cho biết chính quyền xã đang phối hợp với Phòng VH-TT H.Hải Lăng xây dựng đề án kết nối tour du lịch sinh thái Thác Chờn - làng cổ Hội Kỳ. “Hy vọng du lịch phát triển sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, giúp bà con trùng tu, sửa chữa và bảo vệ cũng như góp phần quảng bá nét đẹp của làng cổ Hội Kỳ đến với du khách gần xa”, ông Sinh nói. Ngành chức năng cũng đang nghiên cứu lập hồ sơ công nhận làng cổ Hội Kỳ là di tích cấp quốc gia, từ đó tạo thêm cơ hội phát triển du lịch cộng đồng và trùng tu nhà rường cổ.

Dân gian từng có câu “Nhìn sang Phước Tích, tủi thân Hội Kỳ”. Nhưng ngày nay, với sự chuyển mình với du lịch cộng đồng, người dân Hội Kỳ tin rằng rồi mọi thứ sẽ khác…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.