Sùng A Lùng kể chuyện đời mình sau ‘cánh cửa’ tại liên hoan nghệ thuật Krossing Over

28/03/2019 07:38 GMT+7

‘Cánh cửa’ là vở múa đương đại của biên đạo Nguyễn Phúc Hùng, nghệ sĩ Sùng A Lùng cùng nghệ sĩ thị giác Sandrine Llouquet, sẽ được trình diễn trong Liên hoan nghệ thuật Krossing Over vào tháng 4 tới tại TP.HCM và Hà Nội.

Cánh cửa là vở múa đương đại, một lần nữa, được phát triển từ vở Ru đêm (tác phẩm tự biên đạo và thể hiện của nghệ sĩ người H’Mông Sùng A Lùng, đoạt Huy chương vàng tại cuộc thi Tài năng biên đạo trẻ toàn quốc 2016). Vở sẽ tham gia Liên hoan nghệ thuật Krossing Over tại TP.HCM  vào tháng 4 tới.
Ru đêm sau khi đoạt giải đã được hai biên đạo tài năng của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM Nguyễn Phúc Hải, Nguyễn Phúc Hùng khai thác sâu hơn, với những mảng màu sắc cảm xúc mạnh mẽ hơn, tình yêu đồng giới đặt cạnh tình yêu nam nữ với những đối chọi, thách thức cao trào hơn, đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt khi ra mắt vào năm 2017, cũng như được tái diễn khá nhiều lần tại Nhà hát Thành phố. Và lần này, những cảm xúc mới mẻ, mãnh liệt ấy sẽ tiếp tục được "khai quật" bởi nhà thôi miên Giang Kate.
Hình ảnh trong vở múa đương đại Ru đêm ẢNH: HBSO
Và nay, Ru đêm sẽ mang cái tên mới - Cánh cửa khi đến với Liên hoan nghệ thuật Krossing Over, đánh dấu sự hợp tác giữa biên đạo Nguyễn Phúc Hùng, nghệ sĩ múa Sùng A Lùng và nghệ sĩ thị giác Sandrine Llouquet. Sùng A Lùng cho biết: “Ý tưởng đổi tên này là của chú Hùng (Nguyễn Phúc Hùng), vì trong lúc tôi dịch câu chuyện của vở múa từ tiếng Việt sang tiếng H’Mông và đọc thì có chữ "Lub Qhov Rooj" (cánh cửa) cứ lặp lại, chú Hùng bảo nếu chắc chắn đó là cánh cửa thì hãy đặt tên vở là Lub Qhov Rooj - Cánh cửa".
Hình ảnh được giới thiệu trong vở múa Cánh cửa tại Liên hoan nghệ thuật Krossing Over ẢNH: NSCC
Vì sao “cánh cửa” lại xuất hiện trong suy nghĩ của chàng trai người H’Mông đam mê nghệ thuật múa này, để trở thành cái tên cho “chiếc áo mới” phát triển từ Ru đêm? Theo Sùng A Lùng: “Cánh cửa đầu tiên là của ngôi nhà ở trên vùng cao - Lai Châu của tôi, khi mở cửa ra thì sẽ thấy thế giới rộng lớn ngoài kia tuyệt vời và xinh đẹp. Cánh cửa này cũng chính là nơi chứng kiến những bước chân đầu tiên của tôi, cho đến khi gặp được chính mình, một cô gái mang thân hình một người con trai...”.
 Và “cánh cửa” thứ hai, anh chia sẻ, chính là cánh cửa trong chính bản thân mình, trong mỗi chúng ta. “Đừng giam mình, giam những ước muốn, hãy mở cánh cửa trong chính chúng ta ra để thỏa sức là chính mình, để những ước muốn ấy được sống và thực hiện. Vì thế mà trong vở diễn sẽ có một vài câu nói : Tạo hoá sinh ra vạn vật... Ông trời tạo ra con người. Bố mẹ sinh ra tôi... Còn có điều gì đó là sai hay là đúng? ... Tôi là con trai. Nhưng tôi là con gái... Bạn có biết không? Tôi đến từ nơi người ta không hiểu tôi là gì? Cánh cửa, bạn có hiểu không?", diễn viên múa sinh năm 1993 thổ lộ.
"Tôi là con trai. Nhưng tôi là con gái... Cánh cửa, bạn có hiểu không?" ẢNH: HÙNG ĐÌNH
Sùng A Lùng bảo rằng cánh cửa như người bạn cùng anh lớn lên, cùng khóc cười và chứng kiến mỗi bước chân trên đường thực hiện những ước mơ của cuộc đời mình. “Trên sân khấu, mỗi diễn viên sẽ đại diện cho tôi, cho một bản nam, một bản nữ, cho ước mơ điên rồ nhất của mình. Vở diễn như một lời nhắn nhủ với bản thân, và có thể là với nhiều người nữa rằng: hãy bước qua khỏi "cánh cửa" của bản thân đi, sống là chính mình, thả cho những ước mơ điên rồ nhất được sống và bay cao”, Lùng nói.
“Người quyết định có làm được khán giả đau cùng nỗi niềm của mình hay không, khi xem Cánh cửa, chính là tôi”, Sùng A Lùng nói ẢNH: HUỲNH NGỌI LỜI
Hỏi Sùng A Lùng việc mang câu chuyện về giới tính thứ 3 đến với Liên hoan nghệ thuật Krossing Over, cũng như trước đó có không ít vở múa đương đại đề cập đến vấn đề đồng tính và những dằn xé nội tâm, có khiến khán giả nghĩ rằng cứ múa đương đại thì gần như có chuyện kể của người đồng tính? Sùng A Lùng bảo rằng có lẽ những vở múa về vấn đề đồng tính mang đến nhiều xúc cảm cho khán giả, và có hiệu ứng nhất định nào đó nên có tính lan tỏa lẫn tạo ấn tượng sâu.
Theo Lùng, “Múa đương đại có rất nhiều nội dung để biên đạo khai thác, phát triển, nam - nữ, nam - nam, nữ - nữ, và tất cả những gì cuộc sống có, rất đa dạng về nội dung cũng như cách truyền tải ý nghĩa. Hoặc có thể cùng một nội dung nhưng mỗi biên đạo sẽ có cách cảm nhận, dàn dựng khác nhau. Cái chính là tác phẩm truyền tải đến cho khán giả điều gì, họ cảm nhận vở diễn như thế nào, thậm chí khán giả có thể tha hồ vẽ nên một cậu chuyện của riêng mình. Ví như trong "Cánh cửa", cũng có điều gì đó rất sâu về tôi, bản nam, bản nữ, về “nó” (cái ảo mộng điên rồ nhất), không có yêu đương trong vở diễn mà tất cả chỉ là sự phức hợp những tâm sự điên rồ của chính mình”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.