Súng lậu và tội ác ở Đông Nam Á

13/08/2013 11:00 GMT+7

Sự bùng phát hành động bắn giết nhau gần đây ở Malaysia gây ra quan ngại lớn về vấn đề kiểm soát súng cá nhân.

Chỉ trong 2 tuần qua, trên bán đảo Malaysia tiếp tục xảy ra 14 vụ bắn nhau khiến 6 người chết và nhiều người bị thương. Tội ác nối tiếp tội ác mỗi ngày khiến trang nhất website của tờ báo tiếng Anh lớn nhất Malaysia The Star đầy rẫy tin bắn giết. Nhiều chuyên gia cho rằng để ngăn chặn làn sóng tội ác, một trong những biện pháp cần thực hiện ngay là siết chặt quản lý súng, nhất là súng lậu trên thị trường.

Theo báo The Straits Times (Singapore), quy định sở hữu súng cá nhân ở Malaysia thuộc diện khắt khe trên thế giới. Người có nguyện vọng phải xin giấy phép từ sở cảnh sát, có khi mất đến 2 năm đồng thời phải vượt qua các cuộc kiểm tra thể chất và kỹ năng bắn súng hằng năm. Người sở hữu hoặc mang súng trái phép có thể bị tù đến 7 năm, phạt 10.000 ringgit (65 triệu đồng) và bị đánh roi.


Một cửa hàng súng ở thủ đô Bangkok của Thái Lan - Ảnh: Reuters 

Tuy nhiên, để có một khẩu súng lậu trong tay ở Malaysia không quá khó nếu có quen biết trong giới “chợ đen”. Theo website GunPolicy.org của Đại học Sydney, Malaysia có khoảng 370.000 khẩu súng do tư nhân sở hữu, tức khoảng 1,5 súng cá nhân/100 người dân. Trong đó chỉ 142.000 khẩu có giấy phép hợp lệ. Chưa hết, gần đây còn xuất hiện dịch vụ cho thuê súng. “Chỉ cần 300 ringgit, bạn đã có thể có một khẩu súng trong vài giờ. Đạn thì chỉ 80 xu (5.000 đồng) một viên”, chuyên gia Gobi Krishnan cho biết.

“Gửi súng ở ngoài cửa”

Sự bùng nổ tội phạm ở Malaysia cũng gây lo lắng cho đảo quốc láng giềng Singapore. Nhiều người Singapore gần đây trở thành nạn nhân các vụ cướp, bắt cóc, thậm chí giết người ở bang Johor, miền nam Malaysia. Báo The Straits Times đăng nguyên trang nội dung điều tra hiện trạng quản lý súng cá nhân ở một số nước Đông Nam Á như Philippines, Thái Lan, Indonesia và Malaysia.

So với Malaysia, Thái Lan cũng có quy định khá khắt khe về mặt lý thuyết. Xin giấy phép sở hữu súng phải mất đến 2 tháng sau khi được kiểm tra cơ bản và lấy dấu vân tay. Thường dân chỉ được sở hữu súng bán tự động, không được mua súng tự động. Bất chấp giá súng đắt bằng 2-3 lần ở Mỹ, tỷ lệ sở hữu súng cá nhân ở Thái Lan vẫn rất cao, 1 súng/100 dân. Theo cảnh sát Thái, cả nước có 6,2 triệu khẩu súng tư nhân có đăng ký, trong đó 3,7 triệu là súng ngắn. Tuy nhiên, theo GunPolicy.com, Thái Lan có cả thảy khoảng 100 triệu khẩu súng tư nhân và tỷ lệ tội phạm dùng súng ở đây cũng cao nhất trong khu vực.

Còn ở Indonesia, súng lậu là vấn đề nan giải từ nhiều năm qua. Theo luật, để có thể sở hữu súng, cá nhân không chỉ có thể chất tốt mà cả tâm lý tốt, không nóng nảy, chưa từng có tiền án tiền sự và phải có nhu cầu sở hữu súng chính đáng. Tuy nhiên, theo Tổ chức Police Watch ở Indonesia, riêng thủ đô Jakarta có khoảng 8.000 súng lậu, cả nước chừng gấp đôi. Từ năm 2005, chính phủ ra lệnh cấm nhập khẩu súng cá nhân nhưng do đường biên giới đảo quá dài và lỏng lẻo nên rất khó kiểm soát súng nhập lậu, phát ngôn viên lực lượng cảnh sát Agus Rianto thừa nhận. Bên cạnh đó, súng tự chế của những nhóm khủng bố và cướp giật cũng là bài toán khó.

Trong khi đó, ở Philippines, “văn hóa mang súng bên người đã ăn sâu” đến mức các tòa nhà văn phòng, nhà hàng, khu mua sắm thường treo bảng yêu cầu khách gửi súng ở ngoài cửa, The Straits Times nhận định. Dù thủ tục sở hữu súng cá nhân không phải đơn giản, quốc gia này cũng có đến 1,8 triệu khẩu súng cá nhân có đăng ký, trong đó 1/3 đã hết phép. Ngoài ra, số lượng súng trái phép cũng ở tầm 2 triệu khẩu, theo GunPolicy.com. Một khảo sát gần đây tại Philippines của Pulse Asia cho thấy 67% số người được hỏi tin rằng súng cá nhân là nguyên nhân bạo lực và tội phạm trong nước.

Trong khi đó, Singapore quản lý súng rất chặt. Để sở hữu súng, cá nhân phải chứng minh được bản thân đang bị “đe dọa tính mạng mà không thể vượt qua hay triệt tiêu nguy cơ”, bên cạnh một loạt kiểm tra thể chất, tinh thần, lý lịch tư pháp, cũng như kỹ năng sử dụng súng. Vì vậy, tỷ lệ sở hữu súng cá nhân của Singapore rất thấp, khoảng 0,5 súng/100 dân, theo nghiên cứu của một tổ chức ở Thụy Sĩ.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

>> Súng lại nổ ở biên giới Ấn Độ - Pakistan
>> Thực khách có súng
>> Phát hiện súng thần công gần 200 tuổi
>> Phát hiện nhiều súng bắn điện không nguồn gốc
>> Hỗn chiến bằng súng, 1 người trọng thương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.