Sưng phồng ở khẩu cái cứng, đi khám phát hiện nang xương hàm

13/12/2023 12:54 GMT+7

Bệnh nhân T.V.C (nam, 58 tuổi, Long An), nhập viện vì khối sưng phồng ở khẩu cái cứng chảy dịch đục tái đi tái lại gần 1 năm.

Bệnh nhân cho biết đã điều trị khá nhiều chỗ từ phòng mạch tư, phòng khám đa khoa và bệnh viện nhưng không dứt hẳn.

Ngày 13.12, bác sĩ chuyên khoa 1 Võ Bá Thạch, Trưởng khoa Liên chuyên khoa, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Long An, cho biết sau khi thăm khám, các bác sĩ ghi nhận khối phồng phía trước khẩu cái cứng bệnh nhân khoảng 2x2 cm, có lỗ rỉ dịch loãng đục, vùng sàn mũi phải bệnh nhân cũng bị đẩy phồng lên. Nghi ngờ đây là một nang xương hàm trên, các bác sĩ cho chụp CT-scan. Kết quả đây là một nang xương hàm trên 2x3 cm, có hủy phần xương hàm thông lên mũi. Bệnh nhân được tư vấn phẫu thuật bóc nang và xét nghiệm giải phẫu bệnh.

Ca mổ tiến hành trong một giờ với phương pháp mê nội khí quản và tiếp cận bằng đường trong miệng qua rãnh lợi môi trên, nhờ đó không để lại sẹo trên vùng mũi mặt. Các bác sĩ đã lấy trọn nang ra ngoài. Sau phẫu thuật, bệnh nhân nhẹ hẳn vùng mặt mũi, vết thương lành nhanh chóng sau 1 tuần.

Sưng phồng ở khẩu cái cứng đi khám bác sĩ phát hiện nang xương hàm - Ảnh 1.

Khối nang sau khi được bóc tách đưa ra ngoài

BSCC

Tương tự, bệnh nhân nữ L.L.P (62 tuổi, Long An) đến khám sức khỏe tổng quát được nội soi mũi, các bác sĩ phát hiện vùng cửa mũi trước bệnh nhân (ngay sau lỗ mũi ngoài) bên phải có khối phồng dạng nang có hình ảnh dịch vàng bên trong che 1/2 đường kính lỗ mũi bệnh nhân.

Nghi ngờ đây là nang mũi má, bác sĩ cho chụp CT-scan và kết quả như dự đoán. Nang kích thước 1x2 cm, nằm vùng mũi má phải. Bệnh nhân được phẫu thuật bóc nang theo đường miệng, lấy trọn khối nang. Sau mổ, bệnh nhân ổn định và giải phẫu bệnh cho kết quả nang lành tính.

Bác sĩ Thạch cho biết, nang xương hàm là khối u lành tính có vỏ bao rõ và bên trong chứa dịch, thường được phân loại thành nang do răng và nang không do răng. Nang thường phát triển âm thầm, triệu chứng không rõ ràng cho đến khi đủ to sẽ biểu hiện như: khối phồng vùng môi trên, khối phồng trong mũi, hoặc khẩu cái cứng, rỉ dịch bất thường ở vùng mũi môi hoặc sưng đau khi bội nhiễm. Nang do răng thường liên quan đến sâu răng, sót răng…

Điều trị các nang xương hàm trên đa phần là phẫu thuật lấy trọn nang và vỏ bao để ngăn tái phát. Theo bác sĩ Thạch, vì tính chất âm thầm, ít triệu chứng ban đầu cho tới khi nang đủ to mới gây các biểu hiện lân cận, vì vậy để phát hiện sớm các nang xương hàm trên, người dân nên kiểm tra răng miệng định kỳ tại các cơ sở y tế có chuyên khoa răng hàm mặt uy tín. Ngoài ra, nên đi khám sớm khi phát hiện các biểu hiện bất thường ở vùng hàm mặt và tai mũi họng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.