Không thấy con Phốc đâu.
Chúng tôi ngồi khuất trong góc vườn. Nắng sớm nhẹ, nhưng rộng khắp phía.
Ngoài hàng rào chè tàu, một chiếc xe tải loại một tấn phóng vù, bốc lên làn bụi đỏ. Mắt tôi vừa cong theo đường cánh cung hàng rào vừa trượt theo chiếc xe tải. Thấy đám bụi đỏ không tràn vào tới đây, nơi chúng tôi đang ngồi. Nhưng cũng không chắc.
Kỷ tặc lưỡi, không biết con Phốc phóng đâu, rồi đưa mắt như đuổi theo chiếc xe tải, giờ chỉ còn tiếng động cơ vọng lại. Kỷ có vẻ đã tìm thấy một đường nối trong ý nghĩ, nên quay lại nói, đó là xe chở hàng của hãng cà phê H - một thương hiệu cà phê nổi tiếng miền Trung, còn cà phê mà mình đang uống đây là cà phê vườn, chế biến kiểu thủ công tùy tiện tự ý.
“Không đường?” - Kỷ hỏi. Tôi gật đầu.
Mùi cà phê thơm nhẹ. Tôi sực nhớ là đã quên mang theo loại thuốc lá mình thích. Tôi lấy một điếu Con ngựa của Kỷ gắn lên môi, châm lửa. Khói thuốc bay lên tàn cây. Kỷ cũng phà khói, ngước mắt nhìn bâng quơ trên đó. Tôi nhìn Kỷ, một vết thẹo dát mỏng trên thái dương bên phải, sần màu huyết ứ, hai gò má hơi hóp lại, râu cằm lởm chởm, khiến gương mặt hắn có nét dữ và buồn.
Minh họa: Văn Nguyễn |
“Một người đàn ông bốn mươi mốt tuổi rủ hai người dân địa phương (một thằng mười bảy tuổi và một ông năm mốt tuổi) vào rừng đi săn, sau khi bắn hạ được một con linh trưởng, thấy bụi cây gần đó khẽ động, ông bốn mốt giương nòng súng bắn hú họa, không ngờ trúng ông năm mốt. Ông năm mốt bị bắn xuyên cổ họng, nhưng không chết. Người đàn ông bốn mốt bị tạm giam, công an điều tra nếu như đó là súng quân dụng thì sẽ bị phạt nặng”...
Đó là những thông tin mà các nhật báo đồng loạt đưa trong một ngày của mùa hè năm ngoái. Người đàn ông bốn mốt tuổi đó chính là Kỷ, bạn tôi. Từ mùa hè năm ngoái đến mùa hè năm nay tôi mới ra thăm Kỷ bởi suốt trong thời gian đó, tôi bị bệnh trĩ rất nặng, phải bỏ hết công việc tập trung chữa trị. Suốt một năm, phải dịch chuyển trong thành phố với một hậu môn đau nhói hằng ngày, là một cảm giác khó diễn đạt, nếu gọi là nhục nhã thì cũng không sai. Cũng may, căn bệnh đã được cắt đứt.
“Con Phốc đâu rồi không biết?” - Kỷ lại nhắc. Tôi hỏi.
“Cuộc đi săn năm ngoái có con Phốc không?”.
“Có chứ. Nó là giống chó săn mà. Khi ông Đống (tên ông năm mốt) bị tôi bắn trúng cổ, máu chảy ồng ộc, nó nhào tới dùng miệng liếm, tôi sợ nó ngoạm cổ, nên lôi nó ra. Bây giờ nghĩ lại còn thấy sợ”.
“Bắn trúng cổ mà không chết, hy hữu thật” - tôi nói. Đây là câu tôi đã từng nói, nhiều người khác cũng nói vậy, nhưng nguyên văn có thể khác nhau.
“Ừ. Bệnh viện ở đây cùi bắp lắm, nhưng dịp đó thì trở nên nổi tiếng. Còn ông Đống bây giờ thì lừng danh rồi, đi tới đâu cũng chỉ vết thẹo ở cổ, giọng nghẹt nghẹt, ê nhìn đi, đạn bay từ bên này qua bên kia mà không chết đó nghen. Giờ thì nhậu trời sợ, khi say, dù không ai gây chuyện gì cũng chìa cái cổ gừ gừ: mày dám chơi tao không? Dám cắt cổ tao không, tao thách?”…
Tôi cười. Kỷ hớp ngụm cà phê cuối cùng rồi đứng phắt lên nói, ông ngồi đây chơi hoặc muốn dạo đâu thì lấy xe đi, tôi ra trồng mấy bụi chuối cho xong, chút trưa mình ra quán Hòn ngồi lai rai. Nói rồi Kỷ bỏ đi. Tôi đốt thêm một điếu thuốc. Sau đó tôi đi ra sau nhà phụ Kỷ trồng chuối. Có mười hai cây chuối, nhưng phải mất ba ngày mới trồng xong. Kỷ bảo, sao giờ không thể tập trung làm một việc gì từ đầu đến cuối và cũng không thấy có việc gì là quan trọng. Tôi giữ thân cây chuối cho Kỷ lấp đất. Hồi nhỏ, tôi thích ngồi một mình trong vườn chuối. Tuổi hai mươi, tôi thích đấm đá và ôm thân cây chuối. Còn bây giờ tôi không biết mình muốn gì. Óc tôi chỉ nghĩ đến thế này: hàng chuối này, vài năm sau sẽ sinh sôi thành vườn chuối.
***
Khi chúng tôi rời khỏi nhà, con Phốc vẫn chưa về.
Chắc là nó đang theo một con cái nào đó, Kỷ nói, khi chúng tôi gần tới Hòn. Câu nói của Kỷ, thoạt đầu tôi nghe không hiểu, vì lúc đó óc tôi đang nghĩ chuyện khác. Một chuyện gì tôi cũng không nhớ, vì nó vừa bị lấp bởi câu nói của Kỷ, thay vào đó là hình ảnh con Phốc đang chạy đâu đó.
Trên Hòn có mấy quán nhậu hải sản. Chúng tôi ngồi quán có cây bàng to, nhìn ra ngoài biển. Nơi đây vốn có tên gọi là Hòn Yến, vì ngoài biển có một hòn đảo nhỏ, nghe nói hồi xưa chim yến rất nhiều, nhưng sau không còn con yến nào, nên dân chỉ gọi gọn là Hòn. Một hòn không biết hòn gì. Có lần Kỷ đã nói đùa như vậy. Nhiều người cũng nói đùa vậy, nhưng nguyên văn thì có thể khác nhau. Một hòn không biết hòn chi. Tôi cũng đã ngồi đây nhậu dăm bảy lần. Nhìn ra một hòn đảo trơ trụi, khi ngoài biển sáng, thấy những vệt đất đỏ, như một bàn tay cào trầy xước trên vách dựng đứng.
“Cá hồng biển nướng?” - Kỷ hỏi tôi. Tôi gật. Kỷ ngồi tại chỗ kêu to, nướng cho mấy con hồng biển, quấn lá chuối, đừng để cháy. Chủ quán “Dạ”.
“Ông thích uống bia hay rượu?” - Kỷ lại hỏi.
“Bia đi. Có bia lạnh không?”.
“Hên xui. Nếu có đá. Để tôi kêu nó lắc xê” - Kỷ lại kêu to, Sài Gòn đỏ nghen, kiếm cái xô, bỏ đá nhiều, cho nó nhanh lạnh. Mà, có đá không?”. Chủ quán “Dạ”.
Trong cái miếu hoang cách chỗ chúng tôi ngồi chừng chục mét, có một đám trẻ đang bày thức ăn ngồi nhậu. Những anh chàng trẻ măng mặc quần jeans hàng chợ, áo sơ mi phanh ngực, hoặc cởi mình trần, nách loe hoe lông, vai gầy, bụng lép kẹp. Nhưng nhìn họ rất đẹp, tràn năng lượng. Mấy cô gái toàn mặc quần jeans và áo thun, mặt đỏ lựng vì bị bạn trai ép uống rượu. Một cậu con trai mình trần ôm choàng lấy cô bạn gái, rồi hôn cô giữa đám đông. Cô gái đẩy anh bạn ra một cái thật mạnh, anh chàng giả bộ lăn quay mấy vòng rớt ra ngoài miếu. Cả bọn cười sặc sụa.
Chợt gió thổi rất mạnh. Lá bàng rụng ào ào. Một cô gái vụt dậy, sải chân trần ra cát, lượm lên một chiếc lá bàng, rồi đi vào ngồi xuống cạnh bạn. Cô gái đẹp, có cặp chân mày đậm đen, khi cười phô hàm răng trắng. Cô gái xoay xoay chiếc lá bàng trong tay, mắt nhìn ra phía ngoài Hòn. Ngoài đó mây đang phủ.
Chúng tôi cụng ly bia đầu tiên. Bia chưa đủ lạnh. Nhưng tôi khát, uống cạn.
“Nhìn bọn trẻ kia, mới thấy là mình đã già” - Kỷ đặt cạch ly xuống bàn, chà lòng bàn tay vào cằm râu, rồi đập khẽ xuống đầu gối.
“Ừ. Bọn con gái xinh quá. Nhưng nếu tán, chúng sẽ kêu mình bằng chú” - tôi đùa.
Kỷ khoắng tay vào thùng đá, lựa chai bia lạnh, khui bằng nắp một chai khác. Tôi chưa bao giờ thử khui bằng cách này. Nhưng tôi từng khui bia bằng răng. Óc tôi đang nghĩ đến những cái răng trong miệng.
“Uống đi. Ông ở Sài Gòn thì thiếu gì gái trẻ” - Kỷ vừa hớp vừa nói. Tôi cười.
“Ừ không thiếu. Sài Gòn thì không thiếu thứ gì. Việt Nam chỉ có Sài Gòn là dui mà”.
Một thằng trong đám trẻ, mặc quần jeans đen thủng lỗ chỗ hai đầu gối, mình trần, tóc dài phủ nửa gương mặt, đi về phía bàn chúng tôi.
“Chú Kỷ” - thằng tóc dài lên tiếng, nó vừa nói vừa lắc đầu hất mái tóc lên. Kỷ nhìn thằng nhóc. Tôi nhìn nó, thấy một cái bớt đỏ bằng ngón tay út trên ngực.
“Ủa. Hào. Mày nhậu với tụi kia hả? Tao không thấy. Ngồi đây làm ly”.
Thằng nhóc tên Hào ngồi xuống. Kỷ đưa ly của mình cho nó, rồi cầm ly của tôi, giơ lên cụng. Thằng Hào uống cạn ly bia, một ít bia chảy xuống ngực nó, loang lên chỗ cái bớt. Kỷ nói.
“Đây là thằng Hào. Nó tham gia chuyến đi săn với tôi năm ngoái”.
Tôi khẽ à, rót bia, cụng với Hào. Hào uống cạn ly bia, lại để một ít chảy xuống ngực. Xong nó đứng lên, tay chắp lại, như xá.
“Dạ. Hai chú ngồi chơi. Cháu lại tụi bạn”.
Kỷ gật. Thằng Hào bước nhanh lại chỗ đám bạn. Tôi nhìn theo, thấy nó sà xuống cạnh chỗ cô gái tay cầm lá bàng. Chân hai đứa cạ vào nhau.
“Hôm nào mình đi săn đi. Khẩu súng ông còn không?” - Tôi chợt nói, điều tôi nói có vẻ chẳng ăn nhập gì tới điều óc tôi đang nghĩ. Tôi nhìn thằng con trai tóc dài tên Hào chồm tới giựt chiếc lá bàng của cô gái. Cô gái làm động tác giật mình, hai bàn tay úp vào ngực, khuôn mặt cô đỏ lựng, cặp chân mày đen nổi bật. Trời đứng gió. Hòn đang chang nắng. Một đám mây che mù vùng nước biển cạnh Hòn.
“Súng đâu còn” - Kỷ nói - “Súng của tôi không phải là súng quân dụng, mà là súng trường thể thao do Czech sản xuất. Nhưng họ cũng tịch thu rồi. Tôi cũng không muốn rắc rối. Ông muốn đi săn hả?”.
“Ừ. Muốn. Nhưng tôi chưa bao giờ cầm trong tay một khẩu súng, chưa bắn cái gì bao giờ” - tôi nói. Kỷ cười, tay khẽ đập đập xuống gối. Tôi nói thêm: “Tôi muốn vào rừng, theo ông chơi. Mình có thể kêu thằng Hào đi cùng”.
“Thằng Hào, nó bỏ học luôn từ cuộc đi săn năm ngoái, không biết vì chuyện gì. Tai nạn chỉ xảy ra với ông Đống, đâu có liên quan gì tới nó. Nhưng nó bỏ đi Sài Gòn, nghe nói đi bỏ mối nước đá cho mấy quán cà phê, rồi trở về đây, cà nhổng, không học hành, không làm gì hết, tôi kêu nó vô làm lò gạch nó cũng không màng” - Kỷ vừa nói vừa đưa mắt nhìn về phía thằng Hào. Thằng Hào chốc chốc liếc nhìn về phía chúng tôi và tiếp tục chọc ghẹo đứa con gái.
***
Con Phốc mừng rỡ khi thấy chúng tôi về. Nó chạy vòng quanh chiếc xe, khi Kỷ chạy vào sân. Tôi nhìn thấy chân và đuôi con Phốc lấm lem bùn nước.
Kỷ như không để ý tới con Phốc, hắn vẫn ngồi trên xe, kêu tôi vào nhà nằm nghỉ. “Ông nghỉ đi. Tôi chạy ra đây chút” - Kỷ nói rồi quay đầu xe chạy đi. Con Phốc định phóng theo Kỷ, nhưng rồi quay trở vô, lủi ra phía sau nhà. Tôi vào nhà, để nguyên quần áo, lăn lên tấm phản cạnh cửa sổ. Tôi định ngủ một giấc, nhưng chỉ nhắm mắt mà không ngủ được. Tôi lấy một cuốn sách mình mang theo, mở toang cửa sổ ra nằm đọc. Tôi đọc hết một truyện ngắn, nhưng không nhớ truyện viết gì, không phải vì truyện dở, mà bởi chỉ mắt thấy, còn óc không tiếp nhận. Tôi vứt cuốn sách sang một bên.
Tôi ra ngoài hè ngồi, định gọi con Phốc, nhưng không thấy nó đâu.
Kỷ đi đâu, không nói, tôi cũng không biết. Tôi muốn gọi cho đứa con nhỏ đang ở nhà ngoại, nhưng rồi lại thôi. Gọi thì thế nào nó cũng hỏi ba đang ở đâu, khách sạn hay nhà bạn ba, bạn ba tên gì? Nếu tôi nói tên Kỷ, nó sẽ hỏi tới, chú Kỷ nào ba, sao con không biết chú đó?
Con tôi không biết Kỷ. Kỷ là bạn học lớp đại học với tôi. Khi ra trường, chúng tôi cùng làm cho một công ty sách chuyên sản xuất truyện vụ án, để kiếm thêm tôi cũng viết nhái truyện cướp giết, nhưng Kỷ thì chỉ chuyên chú biên tập và đọc sách sử Việt Nam. Ngày thì theo chân thám tử bắt cướp, tối theo dấu tiền nhân. Tôi vẫn đùa Kỷ như thế. Vậy mà thoắt cái hết bảy năm. Bảy năm là một chu kỳ của đời người. Tôi không làm cho công ty sách nữa, mà ra quán cà phê ngồi rờ đầu gối viết lăng nhăng. Kỷ thì quay trở về quê nhà, ban đầu làm biên tập cho một tờ báo trung ương có văn phòng ở tỉnh, nhưng làm được bốn năm thì bỏ. Mọi người thắc mắc vì sao bỏ việc, Kỷ chỉ cười: “Làm chẳng để làm gì”. Với tôi thì Kỷ nói: “Làm đéo gì, ngày nào cũng cặm cụi mà lương chỉ đủ ăn. Chỉ giải quyết chuyện ăn. Làm vậy làm đéo gì”. Sau khi ba má Kỷ lần lượt qua đời, hắn được thừa hưởng căn nhà và coi ngó từ đường. Việc cúng giỗ hương khói thì anh hai Kỷ lo liệu. Ba má Kỷ khi sống có một cái lò gạch ngói, Kỷ được bàn giao quản lý, nhưng Kỷ chỉ làm một thời gian rồi thuê một người khác làm, còn Kỷ ở nhà làm vườn, đi chơi, câu cá, săn thú. Kỷ cứ sống vậy, không vợ con gì. Tôi để ý Kỷ có khác gì từ sau vụ đi săn mùa hè năm ngoái, nhưng thấy hắn vẫn vậy, ngoại trừ việc không xài điện thoại di động. Chắc Kỷ không muốn phiền toái? Kỷ trả lời thắc mắc này của tôi, bằng một nụ cười: “Ông thử liệng cái điện thoại di động đi. Liệng vô bờ rào đi. Rồi ông sẽ thấy hay lắm”. Óc tôi dành nửa giờ chỉ để nghĩ về cái di động. Tôi thấy nó đúng là một vật quái đản.
Tôi thích ngôi nhà này của Kỷ. Mỗi ngày ở Sài Gòn, lúc chạy xe ngoài đường, trong óc tôi là hình ảnh ngôi nhà này. Những đêm Sài Gòn, ngồi quán bia bờ kè, trong óc tôi là hình ảnh khu vườn này. Một ngôi nhà có vườn, nằm ở ngoại ô thị xã, cách biển hai cây số và cách núi chừng chục cây số. Óc lại nghĩ tới chuyến đi săn. Tôi lấy điện thoại 3G ra, vào Google gõ hai chữ súng săn. Hình ảnh cho súng săn rất nhiều. Tôi không biết loại nào là loại nào. Tôi thấy một khẩu dài có ống ngắm, được mô tả: cỡ nòng 4,5 mm; số rãnh xoắn trong nòng súng: 10; chiều dài: 1.160 mm; nòng dài: 530 mm; đường ngắm cơ bản: 500 mm; nặng: 3,1 kg; hơi nén: tối đa 100 newton = 10 kg hơi; sơ tốc đầu đạn: 170 m/giây; lực kéo cò: 3-10 newton; khoảng cách thông thường đến mục tiêu: 30 m… Khẩu này gọi là Slavia 631 của Cộng hòa Czech. Không biết có giống khẩu của Kỷ đã bị tịch thu hay không. Tôi lấy giấy và bút ghi lại, thấy buồn cười vì mình đã từng viết truyện vụ án suốt nhiều năm trời.
Kỷ về. Hóa ra hắn đi chợ. Một túm thịt cá gì đó không biết, hắn mang cất tủ lạnh, rồi mang ra sân một miếng thịt bò tươi. Con Phốc liền xuất hiện. Kỷ vứt miếng thịt bò ra sân cho con Phốc, rồi ngồi chồm hổm nhìn nó ăn. Kỷ quay lại nhìn tôi: “Sáng giờ nó đi quần con cái nào đó, nên phải bồi dưỡng cho nó. Con đực mà mất sức, xuống phong độ là mất mặt lắm”.
Con Phốc ăn thong thả. Tôi cũng ra ngồi chồm hổm nhìn nó. Đôi mắt con Phốc rất sáng, có thể dùng hai chữ tinh anh. Tôi chợt thấy người nhẹ hẫng, thoải mái, như chưa từng có bữa bia trưa. Óc tôi không nghĩ gì, chỉ cảm thấy vui khi nhìn vào đôi mắt con Phốc.
Có người chạy xe vào ngõ. Con Phốc vẫn thong thả ăn. Kỷ quay ra nhìn. Tôi đứng dậy. Một gã đàn ông lùn tịt, khoác áo gió, đi giày Adidas cáu bẩn, đội mũ bảo hiểm màu đỏ, dựng xe, bước lại chỗ chúng tôi. Kỷ đứng lên nói nhỏ vào tai tôi: “Tay công an phường”.
Ông công an phường vẫn đội mũ bảo hiểm, rút thuốc lá ra châm lửa. Con Phốc vẫn ăn thong thả. Kỷ lên tiếng.
“Ghé chơi hay có chuyện gì anh Bảy?”.
“À… ừ… tiện đường tạt qua chút… À… nhà còn rượu không, cái rượu mật nhân đó” - ông công an phường vừa phà khói vừa nói.
“Mật nhân hả? Hình như còn một ít. Chờ tôi chút”.
Kỷ bước vào nhà. Ông công an phường rít thuốc nhìn con Phốc, rồi nhìn tôi, nhưng không nói gì. Tôi định bắt chuyện, định nói gì đó về con Phốc, nhưng rồi cũng im. Kỷ ra ngay, tay cầm một chai rượu màu xanh, đưa cho ông công an: “Còn chừng này thôi”. Ông công an cầm lấy chai rượu giơ lên ngắm, cười phà khói: “Cảm ơn”. Nói rồi ông quay trở ra, nổ máy xe phóng đi. Kỷ giải thích:
“Ở đây đang có phong trào uống rượu mật nhân”.
Tôi ngạc nhiên: “Mật người à?”.
Kỷ cười: “Đâu có. Mật nhân là cây rừng, còn gọi là cây bá bệnh, vì trị được nhiều bệnh, nên người ta lấy rễ của nó ngâm rượu uống. Nhưng mấy ông này uống không phải để trị bệnh mà để cường dương”.
Tôi hỏi: “Cường không?”.
Kỷ cười.
“Chẳng biết. Hên xui thôi. Trong nhà tôi thứ gì cũng có, nhưng chủ yếu là để tiếp khách. Rượu mật nhân còn nhiều, nhưng chỉ cho ông ấy một chai thôi”.
Con Phốc đã thanh toán xong miếng thịt bò, nó nhìn Kỷ vẻ biết ơn rồi đi ra sau nhà. Kỷ đi vào nhà, tôi cũng vào theo. Kỷ pha bình trà. Chúng tôi ngồi uống trà. Bóng tối đang đi vào ngôi nhà. Kỷ nói.
“Tối nay ra thị xã chơi, tiện thể tôi hỏi mượn khẩu súng săn” - rồi Kỷ lại nói: “Tay công an lúc nãy là người đã tịch thu khẩu súng săn của tôi”.
***
Chúng tôi ngồi uống bia trong sân của trụ sở Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh. Sân bê tông rất rộng, nhưng cũng rất ồn ào. Người tiếp bia hai chúng tôi là Vịnh. “Anh Vịnh là nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng thị xã này” - Kỷ giới thiệu. Vịnh lớn hơn chúng tôi khoảng vài tuổi, nhưng đầu đã hói, bụng phệ, lưng hơi vẹo. Cả người trông chỉ được bộ ria mép cắt tỉa rất khéo. Vịnh uống bia khỏe, nói liên tục, hai tay hết khoát lại dứ như múa võ. Vịnh có một bộ ảnh chim đại bàng khá nổi tiếng. Anh ta mở iPad khoe hàng. Tôi thấy cũng khá ấn tượng. Kỷ hỏi.
“Dạo này anh còn đi săn không?”.
Vịnh vuốt râu:
“Cả năm nay mình có vào rừng đâu, lưng đau quá, già mẹ nó rồi” - Vịnh thở dài đánh sượt nhưng lại cười.
“Vậy khẩu súng săn, anh còn giữ chứ?” - Kỷ hỏi, vẻ sốt ruột. Vịnh lại vuốt râu.
“Còn đâu. Mình đã đổi cho một ông dân tộc để lấy cái gạc nai rồi”.
Kỷ nháy mắt với tôi. Chúng tôi uống thêm chai bia rồi rút. Vịnh nằng nặc đòi trả tiền, Kỷ đành phải nhường cho anh ta. Chúng tôi về rồi, Vịnh còn ngồi đó, uống một mình, hay kêu thêm ai tới không biết.
Kỷ chở tôi đến một quán em út. “Toàn thị xã này chỉ có chỗ này sạch sẽ, mà quán này cũng chỉ có hai em coi được, biết chiều chuộng xoa dịu đàn ông” - Kỷ nói vậy. “Xui quá vậy. Hai bé vừa đi về quê ăn đám cưới chiều nay rồi. Em gọi hai bé khác cho hai anh được không?” - bà chủ quán thông báo vậy. Kỷ lắc đầu quay ra ngay. Hai cô cave được nhất của thị xã vừa về quê ăn đám cưới. Trong óc tôi hình ảnh một đám cưới quê, có hai em cave rất xinh đẹp rất khêu gợi, ngồi cười suốt không ăn uống gì. Tôi lại nhớ mấy năm trước, trên một chuyến xe đò, đứa con nhỏ của tôi bị say xe, khóc vật vã, bỗng có hai cô gái trẻ đứng lên nhường ghế cho con tôi nằm. Đó là hai em cave khá xinh. Họ đứng suốt chuyến đi, nói chuyện rì rầm, cười rích rích.
Chúng tôi về nhà. Vừa tắm xong thì nghe ồn ào ngoài ngõ. Con Phốc sủa to từng tiếng. Tôi bước ra ngoài, thấy có ánh đèn, nhưng không phải đèn pin, mà đèn của một máy quay. Kỷ bước sau, níu vai tôi, rồi dấn lên phía trước. Đứng sau lưng Kỷ, tôi thấy một cảnh quen quen, có lần đã thấy trên ti vi. Một cô gái trẻ, cũng có thể nói là đẹp, mặc quần jeans áo thun, khoác ba lô sau lưng; hai anh quay phim đứng ngay phía sau, phía sau nữa là một anh đang đứng dang tay ra hiệu ngăn đám đông tò mò tới gần. Cô gái mỉm cười cúi chào Kỷ.
“Dạ… chào chú! Cháu là… Dạ, là vầy… cháu đang tham gia chương trình truyền hình thực tế… Đây là thử thách của cháu… Chú có thể giúp cháu bằng cách cho cháu tá túc qua đêm ở nhà chú được không ạ?”.
Trong khi cô gái nói, máy quay chĩa vào mặt cô, rồi quay sang Kỷ. Tôi thấy Kỷ mím môi vẻ suy nghĩ, hay đang kìm tiếng cười? Cô gái lại liến thoắng.
‘‘Dạ, cháu hứa sẽ không làm phiền gia đình đâu ạ! Dạ, chú có thể cho cháu gặp cô được không ạ!’’.
Kỷ phẩy tay, tránh nhìn vào ống kính, dợm đi vào, nhưng ngoái lại, nói oang oang.
‘‘Nhà này không có đàn bà cô ơi. Chỉ có hai thằng đàn ông, cô có dám ngủ chung không?’’.
Tôi thấy anh quay phim suýt bật cười. Cô gái chưng hửng, cô xốc lại ba lô, đưa tay quệt trán đẫm mồ hôi, lí nhí nói gì đó trong miệng, rồi quay ra đi tiếp. Nhóm người của đài truyền hình kiên nhẫn bám theo. Sau họ là một toán người tò mò.
Kỷ vào nhà lấy ra hai chai bia Sài Gòn đỏ đã ướp thật lạnh. Chúng tôi ngồi ngoài sân nhâm nhi từng ngụm bia. Bầu trời rất nhiều sao sáng. Tôi chợt nhớ, lâu lắm rồi không nhìn thấy bầy đom đóm, chúng đi đâu cả rồi? Kỷ ngồi xoạc chân, đầu chúi xuống, khẽ lắc lư, miệng ư ư, rồi cất tiếng hát: Cuộc tình anh dành cho em/Đam mê đắm say kiếp kiếp/Em ơi tìm đâu xa nữa, em ơi/Cuộc đời không đẹp như mơ/Đau thương dối gian từng giờ/Yêu đương thoáng như làn mây bay qua… Kỷ có giọng hát trầm ấm khá hay. Đang hát, Kỷ bỗng dừng bặt, ngửa mặt lên trời hét to: “A… a… a… a”… Rồi Kỷ đứng lên vung tay ném chai bia bay vào khoảng đêm. Tôi nghe tiếng chai bia va vào cành cây, rồi rớt xuống đất kêu choảng.
***
Tôi thức dậy muộn, không thấy Kỷ đâu, hắn rời nhà từ khuya hay mờ sáng tôi không biết. Ông Hai, tức anh hai của Kỷ đến từ sớm, đang ngồi hút thuốc uống cà phê ngoài vườn. Ông vừa đi Sài Gòn mổ mắt về, thấy cảnh vật trong vườn bừng sáng lung linh. Ông Hai mang đến bánh hỏi lòng heo cho chúng tôi ăn sáng. Chúng tôi cùng ngồi ngoài vườn. Lát sau Kỷ về, dựng xe đi thẳng vào nhà tắm rửa rồi ra ngồi ăn sáng uống cà phê, tỉnh táo, vui vẻ.
Hồi đêm, tôi chìm vào một giấc mơ dài, và chắp nối lộn xộn. Ban đầu tôi mơ thấy tôi, Kỷ và thằng Hào cùng vào rừng đi săn. Kỷ cầm súng, tôi đi theo sau Kỷ, còn thằng Hào lúc vọt lên trước lúc tụt phía sau. Chặp sau tôi lại thấy tôi với Kỷ đang đi trong rừng thì gặp thằng Hào đang ôm cô bạn gái của nó bên bờ suối. Chặp sau nữa lại thấy chúng tôi đi ba người, không có cô gái, đang đi thì ông Đống chạy theo phía sau đòi đi cùng, Kỷ đuổi về nhưng ông vẫn chạy theo, Kỷ điên tiết giương súng bắn bùm bùm dưới chân ông Đống, đất bung lên, ông Đống nhảy tưng tưng thối lui như trong phim cao bồi. Tôi lại mơ thấy cô nàng tham gia chương trình truyền hình thực tế ngủ trong ngôi nhà của Kỷ, nửa đêm tôi thức dậy thì thấy cô và Kỷ đang làm tình với nhau. Tôi lại thấy cô nàng đó theo chúng tôi vào rừng đi săn, cô cũng vác một khẩu súng, tôi không có khẩu súng nào, tôi lẽo đẽo đi theo cô. Tôi lại mơ thấy tôi đi vào rừng một mình, tay cầm khẩu súng, tôi tìm một con thú để bắn, nhưng không thấy một con gì, chỉ có một con đại bàng bay trên trời cao vút. Tôi lại mơ thấy tôi giật cô gái trẻ từ tay của thằng Hào, tôi đấm vào mặt nó một phát, thằng Hào quơ lấy khẩu súng bắn vào ngực tôi…
Chiếc xe tải của hãng cà phê H. dừng lại ngoài hàng rào chè tàu. Tôi hơi ngạc nhiên. Chặp sau thấy một người bước vào ngõ. Đó có lẽ là thằng lái xe, tướng tá mập ú, mắt một mí híp lại, miệng cười toe toét. Kỷ khẽ reo: “A, Hồng mập. Thằng này có thể kiếm được khẩu súng săn đây”.
Thằng Hồng bước lại chỗ chúng tôi, tay giơ lên một cái bao tải nhỏ, miệng lại toe ra, mắt híp lại.
“Chào đại ca. Em có con nhím tươi, ghé đại ca, làm thịt nhậu chơi. Đại ca rảnh không?”.
Kỷ đứng lên, đi lại cầm cái bao từ tay Hồng.
“Rảnh chứ làm gì đâu. Cảm ơn chú. Ngồi chơi đi. Vụ này để anh làm cho”. Hồng híp mắt.
“Để em phụ đại ca một tay. Nhím vừa bẫy đại ca à”.
Trong khi chúng tôi đang làm thịt con nhím thì thằng Hào chạy xe tới báo một tin không vui. Mới sáng ra ông Đống đã say rượu đánh vợ, để tự vệ, bà vợ cầm con dao lên dọa, nhưng ông Đống cứ nhào vô. ‘‘Rồi sao?’’ - Kỷ hỏi. Thằng Hào nói: ‘‘Cháu nghe nói là bị đâm lủng bụng, đang chở đi bệnh viện tỉnh cấp cứu’’. Kỷ chửi thề. Không biết Kỷ chửi ai, chửi vì cái gì.
Tôi trở về Sài Gòn ngay tối hôm đó. Vợ nhắn tòa đã gọi. Tôi muốn chấm dứt nhanh vụ này. Kỷ chở tôi ra ga. Con Phốc chạy theo một đoạn đường dài, rồi dừng lại, tôi ngoái lại cho đến khi khuất hẳn. Con chó làm tim tôi nghẹn. Tôi và Kỷ không nói gì suốt đoạn đường đi. Kỷ mua một cái vé tiễn, nhưng vừa mua xong thì có cuộc gọi tới. Kỷ bắt tay tôi: ‘‘Xin lỗi, tôi không tiễn ông được, có việc gấp phải đi rồi’’. Tôi gật đầu cười: ‘‘Ông về đi’’. Tôi thực sự không thích cảnh tiễn đưa. Kỷ quay lưng, đi như chạy. Không rõ có việc gì gấp vậy.
Khi tàu chạy, tôi trực nhớ mảnh giấy ghi thông số khẩu súng săn Slavia còn nằm trong túi, tôi vẫn chưa đưa cho Kỷ để hỏi có giống với khẩu đã bị tịch thu hay không. Nhưng giống hay không để làm gì, có quan trọng gì. Mảnh giấy vẫn còn nằm trong túi, nhưng óc tôi không còn nhớ bất kỳ một thông số nào, không còn nhớ khẩu đó có thể hạ gục được loài nào. Lúc này, tất cả những gì tôi muốn là một khẩu súng và nắn nó trong tay.
Quy Nhơn - Sài Gòn
Những chiều mưa mùa hè 2012
T.N.T
>> Mùi" của Trần Nhã Thụy như thế nào?
>> Những kẻ câu đêm - Truyện ngắn của Trần Nhã Thụy
>> Nhà văn Trần Nhã Thụy ra tập truyện ngắn mới "Chàng trẻ măng ở phố treo đầu
>> Xảy ra ở Thị trấn thứ ba - Truyện ngắn Trần Nhã Thụy
Bình luận (0)