Ngày 22.8, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Lê Minh Ngân đã ký quyết định số 2533/QĐ-UBND thu hồi 212.870 m2 đất của Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương (Hà Nội) tại xã Kim Thủy với lý do thực hiện dự án chậm tiến độ trên 24 tháng so với tiến độ ghi trong giấy phép đầu tư dự án kể từ ngày nhận bàn giao đất trên thực địa.
|
Đây là dự án đầy tai tiếng của công ty này vì đã làm hủy hoại môi trường tự nhiên, bức tử dòng suối Bang.
|
Suối Bang, dòng suối độc đáo bởi có nhiệt độ sôi lên đến 105 độ C. Nơi phát nguồn con suối có nhiều điểm nước sôi sùng sục trào lên từ lòng đất vô cùng thú vị, tạo nên những luồng khói sương mờ ảo len lỏi qua các tán cây xanh tươi như chốn bồng lai tiên cảnh.
Trong thời kỳ chiến tranh cứu nước, sống và chiến đấu nơi rừng thiêng nước độc, dòng suối chính là nơi tắm rửa và trị liệu bệnh tật cho bộ đội, TNXP. Sau này, du khách và người dân cũng thường xuyên đến suối tắm bất kể nắng mưa. Đây là món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất này. Ai đã từng biết, từng đến đều yêu quý con suối vô cùng.
|
Trong bài hát cùng tên, tác giả đã miêu tả dòng suối với những ca từ, nhịp điệu ngọt ngào: Sương trắng đàn đàn rủ nhau trôi/Nước sôi vạn kỷ hãy còn sôi/Kìa ai vén áo thiên nhiên thế/Cho đất phô bày giọt sữa tươi/... Chỉ một lần thôi suối Bang ơi/Mà yêu thêm gió nhớ thêm trời/Chén nước uống xong kỳ diệu quá/Như là môi đã chạm vào môi.
Nhưng từ khi có “nhà đầu tư” nhúng tay vào, số phận con suối bị thay đổi, rơi vào cảnh thê lương. Liên quan đến các dự án tàn phá dòng suối độc đáo này, Thanh Niên đã nhiều lần có bài phản ánh.
Theo đó, đầu những năm 2000, Công ty du lịch và nước khoáng Cosevco vào đầu tư Khu du lịch sinh thái và điều dưỡng suối Bang. Sau mấy năm, sản phẩm của công ty này chỉ là những công trình manh mún, dang dở khiến khu vực suối Bang rơi vào cảnh hoang phế.
|
Tháng 9.2007, UBND tỉnh Quảng Bình cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng, phục hồi chức năng suối nước nóng Bang với tổng số vốn đầu tư gần 200 tỉ đồng, tiến độ thực hiện 4 năm. Đầu năm 2008, công ty này bắt đầu “phá” dòng suối khi cho ngăn dòng nước, biến bãi sôi tự nhiên thành bãi ngâm gỗ rừng do công ty chặt hạ.
Phát hiện sự việc, Thanh Niên tiếp tục có bài phản ánh thực trạng đau xót trên nhưng đến cuối tháng 9 năm đó, lễ khởi công vẫn diễn ra. Để xóa dấu vết, công ty này đã cho đổ đất san lấp khu vực các điểm sôi. Chuyện gì đến phải đến, việc thi công ì ạch, kéo dài khiến báo chí và UBND tỉnh tốn nhiều giấy mực, công sức. Cho đến nay vẫn không có hạng mục nào hoàn thành và việc thi công đã ngưng từ nhiều năm.
Điều đáng nói, tỉnh Quảng Bình đã không sớm cương quyết thu hồi mà thậm chí còn có hỗ trợ cho công ty khi hiện trạng bết bát hiện hữu khiến dòng suối bị hủy diệt, tiềm năng lớn của địa phương trở thành con số âm.
Từ trước đến nay, Quảng Bình luôn xác định suối Bang là một trong những điểm nhấn, địa chỉ đỏ du lịch kết nối vùng phía nam của tỉnh nhưng cái kết của gần 20 năm đầu tư là sự hủy diệt. Suối Bang đã từng dính “dớp” Công ty du lịch và nước khoáng Cosevco nhưng tỉnh lại để rơi vào tay một nhà đầu tư tệ hại hơn. Có thể có những lý do khách quan, trục trặc ngoài ý muốn nhưng nói gì đi nữa thì sự cân nhắc, soát xét, lựa chọn nhà đầu tư không bao giờ thừa.
Ngay khi mới đặt tay vào dòng suối Bang, Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương đã phơi bày sự hủy hoại. Nếu lắng nghe dư luận, lắng nghe báo chí thì có lẽ chuyện đã có chiều hướng khác. Suối Bang là bài học quá đắt mà không bao giờ có thể lấy lại. Giờ đây, với quyết định thu hồi trên, không biết nên vui hay buồn bởi số phận, tương lai suối Bang còn mù mịt phía trước. Đúng là, chỉ một lần thôi suối Bang ơi...
Bình luận (0)