Là chuyên gia khoa học lâu năm về khí quyển đang làm việc tại Bộ Môi trường và di sản tiểu bang New South Wales (Úc), TS Nguyễn Đức Hiệp có những chia sẻ về tình trạng ô nhiễm không khí tại các thành phố (TP) lớn ở Việt Nam.
* Theo thông tin mà báo chí phản ánh gần đây thì tại Hà Nội và TP.HCM, chỉ số bụi PM 2,5 đã vượt ngưỡng an toàn theo quy chuẩn của Việt Nam. Là chuyên gia khoa học lâu năm về khí quyển ở Bộ Môi trường và di sản tiểu bang New South Wales (Úc), ông đánh giá thế nào về mật độ ô nhiễm không khí ở Việt Nam?- TS Nguyễn Đức Hiệp: Mật độ ô nhiễm bụi siêu vi PM2.5 (Particulate Matter, hạt bụi 2.5 micromét đường kính) đã vượt tiêu chuẩn Việt Nam và tổ chức Y tế thế giới (WHO) từ nhiều năm nay chứ không phải gần đây. Tiêu chuẩn Việt Nam là nồng độ bụi PM2.5 trung bình trong năm không được vượt quá 25 µg/m3 (25 micrograms/m3) và tiêu chuẩn WHO là 10 µg/m3 trung bình trong năm. Nồng độ bụi trung bình trong năm 2018 vừa qua ở Hà Nội là 40,8 µg/m3 và năm 2017 là 45,8µg/m3.
Theo bản báo cáo của WHO thì năm 2016 nồng độ bụi PM2.5 là 47,9 µg/m3. Tức trung bình các năm qua nồng độ bụi siêu vi ở Hà Nội cao gần gấp đôi tiêu chuẩn Việt Nam và hơn 4 lần tiêu chuẩn WHO. Ở Đông Nam Á, Hà Nội đứng thứ 2, sau Jakarta (Indonesia) về mật độ ô nhiễm bụi siêu vi.
Cũng trong báo cáo của WHO năm 2016 thì trong năm 2016, ô nhiễm không khí đã gây ra hơn 60.000 người chết sớm hơn bình thường. Riêng TP.HCM, nồng độ bụi PM2.5 năm 2018 là 26,9 µg/m3 và năm 2017 là 23,6 µg/m3, ít hơn Hà Nội nhiều nhưng ở ngưỡng cửa của tiêu chuẩn Việt Nam và gấp 2 lần tiêu chuẩn WHO. Bụi PM2.5 nguy hiểm hơn bụi PM10 (bụi đường kính 10 micromét) vì đủ nhỏ để khi hít vào phổi thì qua đó bụi vào trong máu di chuyển trong cơ thể.
|
* Ông có thể cung cấp một số thông tin về mật độ ô nhiễm không khí ở một số nước trên thế giới có thể gọi là nguy hiểm đến sức khỏe của con người?
- Thống kê năm 2018 vừa được công bố của Greenpeace và AirVisual liệt kê các TP trên thế giới ô nhiễm nhất thì Hà Nội được xếp hạng thứ 209 về mật độ ô nhiễm bụi PM2.5 (40,8 µg/m3) sau Jakarta thứ 160 (45,3 µg/m3). Hầu hết các TP ô nhiễm bụi PM2.5 nhất trên thế giới là ở Ấn độ, Trung Quốc và Pakistan: Gurugram, Ấn độ (thứ 1), Hotan, Trung Quốc (8), Lahore, Pakistan (10), Delhi, Ấn độ (11). Các TP này có mật độ PM2.5 trung bình năm là trên 100µg/m3.
Các TP lớn khác ở Á Châu: Bắc Kinh (thứ 122, 50,9µg/m3), Thiên Tân (118, 52,3µg/m3), Abu Dhabi (136, 48,8µg/m3) đều cao hơn Jakarta (160, 45,3µg/m3) và Hà Nội (209, 40,8µg/m3). Thượng Hải (286, 36µg/m3) cao hơn TP.HCM (452, 26,9µg/m3) và Bangkok (498, 25,2µg/m3). Tấc cả các TP này có độ ô nhiễm bụi PM2.5 trên tiêu chuẩn 25µg/m3.
* Có ý kiến cho rằng, chỉ số bụi mịn PM 2.5, nghĩa là chỉ ảnh hưởng nhẹ đến nhóm người nhạy cảm. Theo ông điều này có chuẩn xác không?
- Điều này không đúng, bụi siêu vi PM2.5 mới được đo trong các năm qua và công nghệ đo nồng độ bụi PM2.5 khá phổ biến hơn trước do giá thành xuống và bụi PM2.5 có ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều đến cộng đồng so với các chất ô nhiễm khác trong không khí. Bụi PM2.5 (cũng như PM10) ảnh hưởng đến tất cả mọi người từ tử vong sớm, bệnh đường phổi, tim mạch mà nhiều nghiên cứu ở các nơi trên thế giới từ nhiều năm qua đã được công bố trên các tập san khoa học. Riêng đối với trẻ em và người lớn tuổi thì ảnh hưởng cao hơn các tuổi khác.
* Việc TP.HCM và Hà Nội gần đây xuất hiện liên tục những mảng màu trắng đục trong không khí như sương mù. Đó có phải là hiện tượng báo động về mật độ ô nhiễm không khí?
- Từ khoa học “haze” là diễn tả màn trắng đục trong bầu trời do các hạt bụi trong không khí nhiễm xạ, phát tán khi ánh sang chiếu vào bụi. Nồng độ PM2.5 càng cao thì màn trắng đục càng khó nhìn xuyên qua, tức độ quan sát (visibility) càng giảm. Trong điều kiện khí hậu có độ ẩm cao, sự hạn chế tầm nhìn càng giảm thêm. Bụi trắng đục (haze) hay sương bụi như vậy rất có hại cho sức khỏe.
* Nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm không khí trên thế giới và ở Việt Nam theo ông là gì?
- Các khí và bụi phát thải từ nguồn xe cộ động cơ đốt nhiên liệu là nguồn chính gây ô nhiễm ở các TP trên thế giới. Ở Việt Nam thì mật độ xe gắn máy rất lớn và tiêu chuẩn phát thải không được áp dụng đúng mức nên ô nhiễm không khí rất lớn. Ngoài ra bụi từ kỷ nghệ như các nhà máy nhiệt điện than và bụi từ đốt rơm, rác trong mùa khô ở nông thôn, chung quanh TP ở Đông Nam Á và Trung Quốc cũng gây ô nhiễm không khí đến các vùng phụ cận và xuyên quốc gia. Ở Hà Nội và TP.HCM thì phát thải ô nhiễm từ nguồn xe gắn máy là cao nhất.
* Giải pháp tình thế để hạn chế việc ô nhiễm không khí ở Việt Nam theo tiến sĩ cần làm gì?
- Vì nguồn chính của bụi PM2.5 ở các TP Việt Nam là từ xe cộ. Nhất là ở các điểm kẹt xe, nồng độ ô nhiễm rất cao. Có một số biện pháp có thể áp dụng được như hạn chế lưu lượng xe cộ nhất là xe gắn máy ở các khu trung tâm hay huyết mạch bằng biện pháp kinh tế, điều lệ mà một số TP đã áp dụng thành công, hạn chế đăng ký số lượng xe, đặt ra tiêu chuẩn phát thải và kiểm xét khi đăng ký hàng năm, tăng cường phát triển hệ thống di chuyển công cộng như metro.
* Còn giải pháp lâu dài để cải thiện không khí ở Việt Nam theo ông cần xem xét đến yếu tố nào và có những biện pháp nào để phát huy hiệu quả?
- Để cải thiện chất lượng không khí ở Việt Nam, vì nhu cầu năng lượng và di chuyển rất cao trong sự phát triển kinh tế, nói chung các nhà máy phát điện bằng than đốt không nên đặt gần vùng cư dân cao và có công nghệ xử lý bụi tro xỉ và tốt hơn là tăng sử dụng năng lượng tái tạo trong chính sách và đề án phát triển trong mùa khô, ô nhiễm bụi xuyên quốc gia.
Quản lý đô thị tránh ùn tắc giao thông, giao thông công cộng qua các công trình metro, subway được thúc đẩy trong nội thành và mạng lưới metro trải rộng. Kiểm tra sự phát thải từ xe cộ được thực hiện hàng năm qua một số tiêu chuẩn tối thiểu, các ống bô phát thải hướng xuống dưới đất thay vì lên cao ảnh hưởng trực tiếp đến người phía sau. Quan trắc chất lượng không khí ở các điểm ô nhiễn khói bụi cao và thông báo trực tuyến như một số nơi đã được làm và truyền thông đến được với công chúng qua cảnh báo được hiệu quả hơn. Trong tương lai, công nghệ động cơ nổ (combustion engine) sẽ không còn là công nghệ chủ đạo trong chuyên chở mà là động cơ điện, lúc đó ô nhiễm sẽ được cải thiện trên toàn thế giới. Nhưng đây là tương lai trong vài chục năm tới.
* Nếu tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam vượt chuẩn an toàn là có thật, thì theo kinh nghiệm của ông, người dân phải làm gì để bảo vệ sức khỏe?
- Cư dân ở các TP có độ ô nhiễm cao như Hà Nội và TP.HCM nên tránh những địa điểm giao thông có mật độ ô nhiễm PM2.5 cao và như nhiều người đã làm là mang khẩu trang nhưng cũng không tránh khỏi tác động ô nhiễm. Các dân cư chung quanh nên có thiết bị lọc không khí trong nhà vì bụi mịn có thời gian ẩn (residential time) trong không khí cao.
Đầu tháng 3 vừa qua, Trung tâm phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN (VUSTA) công bố báo cáo của Tổ chức Hòa bình xanh (GreenPeace) về “Hiện trạng chất lượng không khí toàn cầu năm 2018”.
Theo báo cáo này, Hà Nội đứng thứ 2 còn TP.HCM đứng thứ 15 về mức độ ô nhiễm không khí ở khu vực Đông Nam Á.Bình luận về thông tin trên tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cho rằng báo cáo trên chỉ theo dõi chất lượng không khí của 20 TP ở 4 nước (Indonesia, Thái Lan, Philippines và VN - PV) nên không đủ cơ sở để nói Hà Nội ô nhiễm không khí thứ 2 khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, ông Nhân cũng thừa nhận: Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội và đặc biệt tại một số thời điểm diễn biến rất phức tạp. Tại Hà Nội, các thông số đo đạc được từ các trạm quan trắc cho thấy chỉ số bụi PM 2,5 vượt ngưỡng an toàn theo Quy chuẩn của VN, đặc biệt là trong 3 tháng đầu năm 2019.
|
* Xin cảm ơn ông!
Bình luận (0)