Vui vẻ làm việc giúp người
Khoảng 10 giờ sáng, trong khuôn viên nhà thờ Cha Tam (P.14, Q.5, TP.HCM), những suất ăn được đóng hộp cẩn thận, sạch sẽ chờ người dân đến nhận. Một vài nhân viên tình nguyện của bếp đứng sẵn hướng dẫn hoặc mang trao tận tay người khó khăn. Bữa trưa gồm có cơm, đồ mặn và canh…
Chia sẻ với Thanh Niên, bà Teresa Nguyễn Phương Loan (55 tuổi, bếp trưởng) cho hay bếp ăn tình thương ở nhà thờ có từ hơn 10 năm trước. Trước đây, bà là mạnh thường quân nhưng hơn một năm nay bà tiếp quản do người tiền nhiệm qua đời vì dịch Covid-19.
Bếp ăn được lập ra để gửi tặng những suất cơm ngon đến người nghèo, người cơ nhỡ… Thời gian đầu, nơi này nấu đồ ăn sáng nhưng sau chuyển qua chuẩn bị phần ăn trưa để đáp ứng nhu cầu của nhiều người hơn. Bếp hoạt động từ thứ hai đến thứ bảy, mỗi ngày nấu khoảng 150 phần.
"Không kể chuyện lớn hay chuyện nhỏ, tôi và mọi người ở bếp thấy rất vui và ý nghĩa khi giúp đỡ được những hoàn cảnh khó khăn. Nhiều người ủng hộ thực phẩm nên thực đơn được đổi mỗi ngày, có khi đến 2 tuần các món không giống nhau", bà Loan cho biết.
Cũng theo bếp trưởng, các nhân viên tham gia với tinh thần tự nguyện, vui vẻ. Mỗi ngày, họ dậy sớm khoảng 5 - 6 giờ để nấu cơm, chế biến các món kịp bữa trưa cho người nghèo. Các nhà hảo tâm đóng góp, ủng hộ chi phí của bếp. Trước đây, nhà thờ có chuẩn bị các bàn ăn để mọi người đến dùng bữa. Nhưng từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, bếp ăn chuyển sang phát đồ ăn mang đi.
Sự ủng hộ ấm áp đối với những người lớn tuổi
Các nhân viên ở bếp thường bắt chuyện với những người đến nhận và thông cảm với cuộc sống và việc lao động mưu sinh của những người bán vé số, người khuyết tật, người bị bệnh… Khi vào bếp, ai nấy đều cố gắng nấu nhanh, chỉn chu để người nhận không đợi lâu. Những người đến nhận cũng từ tốn, lịch sự.
Linh mục Toma Huỳnh Bửu Dư, chánh xứ nhà thờ Cha Tam, cho biết cha về tiếp quản nhà thờ này gần một năm nhưng bếp ăn tình thương đã có từ lâu. Bếp ăn hoạt động với với mục đích bác ái, chia sẻ yêu thương đến những người nghèo khó, neo đơn.
"Bếp ăn tình thương là một trong những hoạt động bác ái của nhà thờ. Chúng tôi muốn tập trung bếp ăn để duy trì lâu dài" , vị linh mục nói. Ông cho biết rất cảm kích trước tấm lòng của những mạnh thường quân. Không chỉ những người có điều kiện, những tiểu thương xung quanh nhà thờ cũng nhiệt tình ủng hộ tiền, trứng, rau củ…
"Những người không theo đạo cũng đóng góp vào bếp ăn này. Tôi mong những phần ăn yêu thương sẽ đến với những người thực sự cần", linh mục Toma Huỳnh Bửu Dư bày tỏ.
Gần trưa, ông Lê Văn Tư (87 tuổi, ở Q.5) đạp xe đến nhà thờ nhận cơm. "Tôi làm nghề bơm xe, thu nhập không nhiều. Tôi biết ở nhà thờ có những phần ăn trưa miễn phí từ lâu, hàng xóm tôi nấu ăn ở đây nên giới thiệu đến. Mỗi ngày tôi đạp xe đến nhận để đỡ tiền ăn trưa, nếu không có phải tốn thêm 50.000 đồng. Đây là sự ủng hộ ấm áp đối với những người khó khăn, lớn tuổi như tôi", ông tâm sự.
Cũng đến nhà thờ nhận cơm trưa, bà Vũ Thị Thu (67 tuổi) cho biết bà hiện sống ở Q.5 và làm nghề bán vé số. Bà chia sẻ: "Tôi thấy cơm ở nhà thờ rất ngon, mọi người rất nhiệt tình hỗ trợ. Hy vọng sẽ có nhiều người giúp đỡ để những người khó khăn như tôi có những bữa trưa ngon miệng".
Nhận xét về bếp ăn, bà Dương Thị Như Ngọc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN P.14, Q.5, TP.HCM, cho biết: "Bếp ăn trao những phần ăn miễn phí cho các hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài địa bàn phường. Phường cũng có phối hợp với nhà thờ và các cơ sở tôn giáo khác tổ chức, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các hộ khó khăn".
Người mẹ mở bếp ăn 0 đồng: Xúc động câu chuyện viết tiếp nguyện ước của con
Bình luận (0)