Từ đó, tên tuổi của ông gắn liền với những công trình lớn ở khắp mọi miền đất nước. Dấu ấn cũng như âm vang tư duy của “Ông Sáu vì dân” vẫn đi theo thời cuộc của đất nước và đọng mãi trong lòng nhiều thế hệ.
… Một bức tranh xám xịt, ảm đạm về lương thực, về đời sống của dân thành phố những năm ấy.
Giữa năm 1978, tôi theo đồng chí Giám đốc Sở Lương thực thành phố Lê Thanh đến báo cáo tình hình lương thực của thành phố với Thường vụ Thành ủy. Tôi nhớ mãi hình ảnh và lời nói của đồng chí Võ Văn Kiệt trong buổi họp ấy.
Phòng họp có máy lạnh nhưng dường như không làm dịu được sự nóng lòng và nỗi lo đau đáu về tình hình thiếu gạo và biến động không lường được có thể xảy ra trong lòng đồng chí. Áo gió mở hết khóa kéo, vẻ mặt đầy suy tư..., đồng chí đi đi lại lại lắng nghe báo cáo và mọi lời phát biểu, cuối cùng đứng lại giữa dãy bàn dài nói chậm rãi chắc nịch từng tiếng "...Không thể nào chấp nhận tình trạng vô lý này, lúa đầy đồng, dân thiếu gạo, nhà nước bù lỗ... Nếu tôi không giải quyết được vấn đề gạo ăn cho nhân dân thành phố, tôi xin từ chức Bí thư Thành ủy".
Người tôi nổi da gà khi nghe đồng chí Bí thư Thành ủy lấy sinh mạng chính trị của mình đánh cược với việc lo gạo ăn của hàng triệu dân thành phố… Tôi thấy rõ quyết tâm cao độ trong lời nói như một lời tuyên thệ của đồng chí; nhưng tôi đâu có thể ngờ rằng những điều suy nghĩ của đồng chí trong buổi họp hôm ấy và những chủ trương, biện pháp mà đồng chí chỉ đạo thực hiện liền sau đó đã tạo nên sự chuyển biến thần kỳ của TP.HCM, kéo theo sự chuyển mình mạnh mẽ của đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước sau này.
Cuộc sống mà ông Sáu tự làm ra mình trong đó có biết bao tình huống và những khúc quanh, thử thách ông trong cách xử lý, đương đầu và vượt qua. Đã nhiều lần ông nói với những người cộng sự gần gũi, rằng đứng bên ông trong những lúc nan giải của công việc bao giờ cũng có hình ảnh, tiếng nói của người dân đủ mọi tầng lớp mà ông luôn tìm dịp gần gũi và luôn thực sự lắng nghe.
Nghe dân, dù họ đang ở hoàn cảnh nào, vị thế nào, với ông đó là cách tốt nhất để hiểu con người, để nắm bắt được thực tế cuộc sống và từ đó đưa ra được những kiến giải thiết thực, cụ thể.
Nghe dân, ở ông Sáu là cái cách nghe trực tiếp, nghe chăm chú, nghe để học hỏi, để đối chiếu và đối thoại. Tuyệt nhiên không phải cái cách nghe cho có lệ, nghe qua người khác và tin theo đó không cần qua kiểm chứng…
Ông Võ Văn Kiệt từng nhiều lần nhấn mạnh rằng: Bài học lớn nhất, thâm thúy nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông là bài học phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thực hiện tự do, dân chủ. Đó là cội nguồn của mọi thành công trong lịch sử đất nước từ trước đến nay, là con đường thu phục nhân tâm về một mối cho công cuộc chấn hưng đất nước…
Trong Võ Văn Kiệt, một điểm nổi bật là ông thực sự tôn trọng trí thức, không chỉ trong suy nghĩ, trên lời nói mà trong thực tế đã tôn trọng, mạnh dạn sử dụng, phát huy tài năng, trí tuệ của trí thức trong việc tư vấn cho lãnh đạo để đưa trí thức vào cuộc, gắn bó trực tiếp với lãnh đạo và cuộc sống…
Trong thời gian giữ vị trí lãnh đạo ở TP.HCM, với câu nói nổi tiếng "Không ai chọn cửa để sinh ra", ông đã gỡ bỏ mặc cảm của số thanh niên sinh sống trong vùng tạm chiếm hoặc gia đình có người tham gia bộ máy chính quyền cũ, lôi cuốn họ vào các phong trào xây dựng thành phố những ngày sau giải phóng.
Ông cho rằng đại đoàn kết dân tộc gắn liền với mở lòng với tất cả những người yêu nước, thương nòi; ông cũng tỏ ra tiếc nuối vì trong một số năm sau khi đất nước thống nhất, tư tưởng hẹp hòi, thành kiến, đố kỵ, đã làm tổn thương tình cảm dân tộc, không quy tụ được những người tha thiết với sự nghiệp xây dựng đất nước. Sai lầm trong chính sách cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp… mà Đảng ta đã nhận ra cũng đã ảnh hưởng phần nào đến khối đại đoàn kết dân tộc…
Điều mà trí thức càng thêm kính trọng ông Võ Văn Kiệt chính là vì ông đã hết sức quan tâm đến cuộc sống riêng tư, đến thân phận mỗi con người. Khoảng năm 1978, trước những khó khăn nhiều mặt, có nhiều trí thức rời nước ta ra đi, ông đã gặp gỡ anh em, khuyên họ nên ở lại, ông nói: "Anh em cố gắng ở lại, trong vòng ba năm nữa, nếu tình hình vẫn không thay đổi, tôi sẽ đưa anh em ra phi trường”.
Lúc đó, GS Nguyễn Trọng Văn đáp lại: "Chúng tôi sẵn sàng ở lại, nhưng nếu ba năm nữa tình hình không thay đổi, thì người ra đi không phải là chúng tôi". Sau này, ông kể lại với chúng tôi: lúc đó, nghe câu nói ấy, ông cũng đau lắm, nhưng nghĩ lại thì thấy họ nói là đúng; vì để xảy ra tình hình của thành phố xấu đến mức ấy chính là trách nhiệm của chúng ta; những người trí thức ra đi không chỉ vì đời sống khó khăn; đúng là nếu sau ba năm, tình hình không có gì chuyển biến thì người ra đi chắc phải là chúng ta…
Chính thái độ bao dung, "quân tử" của người đứng đầu Chính phủ đã thu hút tầng lớp trí thức có tâm huyết cùng ông lo toan việc lớn. Hồi tôi còn làm phóng viên thường trú của Đài Tiếng nói Việt Nam ở ngay tại Mỹ Tho còn được biết đến một câu chuyện khá cảm động. Một lần ngồi vỉa hè ăn sáng, tôi thấy vợ chồng người bán quán cóc nhắc đến bố nuôi Võ Văn Kiệt!
Thấy lạ tôi tìm hiểu và được biết, chị vợ (rất có nhan sắc), xưa kia từng lỡ lầm làm gái, anh chồng thì là nghiện ma túy. Cả hai được vào trại. Khi ở trại, họ tiến bộ nhiều và bén duyên với nhau.
Một lần Thủ tướng vào thăm trại, nghe ban lãnh đạo trại báo cáo trường hợp của họ, Thủ tướng liền đưa ra ý kiến sẽ đứng ra tác hợp cho họ và còn nhận cặp vợ chồng này làm con nuôi. Khi biết chuyện rồi, có lần tôi làm vẻ vô tình hỏi anh chồng: Có gặp lại bố nuôi lần nào không? Anh chồng thật thà nói: Ổng ở xa lắm nên chưa một lần gặp lại. Nhưng anh quả quyết nói: Vợ chồng tôi coi ông như cha đẻ suốt đời!
Tôi ít thấy có nhà lãnh đạo nào có quan hệ rộng rãi với nhiều tầng lớp xã hội, và ở tầng lớp nào, ông cũng được cảm tình sâu sắc của họ. Ông là con người mà cả thời gian và không gian luôn tồn tại hoành tráng. Một CON NGƯỜI viết hoa.