Được ăn cơm nhà là ước mơ của rất nhiều sinh viên đi học xa quê |
P.K |
Ăn cơm 'bụi' đến phát ngán!
Đó là nỗi lòng chung của rất nhiều sinh viên ở ký túc xá (KTX) khi ngày nào cũng phải ăn cơm tiệm tới phát ngán vì đồ ăn không hợp khẩu vị, cơm khô nuốt không trôi…
Là một người “nghiện” cơm nhà, Nguyễn Thị Lựu, quê Quảng Nam, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, bày tỏ: “Từ ngày lên Sài Gòn học, ở KTX không cho phép nấu ăn nên việc ăn uống với mình như một cực hình. Đồ ăn ở đây quá ngọt, nêm nếm không hợp khẩu vị của mình. Có nhiều lúc ăn chỉ để no chứ chả thấy ngon lành gì. Mặc dù ở KTX mọi thứ rất tiện nghi nhưng hết kỳ này mình sẽ chuyển ra trọ để được tự do nấu ăn”.
Ngày nào cũng ăn cơm 'bụi' nên nhiều sinh viên thèm khát cơm nhà |
THẢO PHƯƠNG |
Không chỉ đồ ăn không hợp khẩu vị, nhiều bạn trẻ còn than trời vì ăn cơm "bụi" dễ ngán mà không đủ dinh dưỡng. “Ngày nào cũng phải suy nghĩ hôm nay ăn gì mà mình muốn trầm cảm. Ở trọ thì dễ, muốn ăn gì thì mua về nấu, nêm nếm theo khẩu vị của mình còn ở KTX thì chịu. Một ngày ăn cơm bụi 2 bữa ngán đến tận cổ, đồ ăn ở ngoài thì mắc nhưng không đầy đủ dưỡng chất. Ở Sài Gòn 3 năm mình sút cân thấy rõ, nhà mình mà gần là chắc tuần nào cũng chạy về quê để ăn cơm”, Võ Phan Hoài Sơn, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, tâm sự.
Cơm nhà mẹ nấu tuy dân dã mà ngon |
THẢO PHƯƠNG |
Mong đến cuối tuần để về nhà ăn cơm mẹ nấu
Đi học xa nhà, nhiều sinh viên chỉ mong đến cuối tuần để chạy xe về nhà ăn bữa cơm đúng nghĩa. Quê ở Long An, cuối tuần nào Võ Thị Thùy Dương, SV Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cũng chạy xe gần 2 giờ đồng hồ để về nhà ăn cơm với mẹ.
“Ở KTX mình chỉ chờ đến cuối tuần để về nhà ăn cơm mẹ nấu, với mình không có gì ngon bằng cơm nhà. Tuy chỉ là những món ăn dân dã, từ những thứ có sẵn trong vườn nhưng ngon lắm, ở TP.HCM chẳng có món gì so sánh được. Có những hôm học xong thèm cơm nhà quá nên mình chạy xe từ trường về nhà luôn chứ chẳng cần đợi tới cuối tuần”, Dương kể.
Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng may mắn có nhà ở gần để cuối tuần được về ăn cơm. Quê ở Quảng Nam, đang học tập ở TP.HCM, Trương Thị Mỹ Phước, sinh viên năm 4 khoa Nhật Bản học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, vì quá thèm cơm nhà nên mỗi khi có thời gian rảnh, Phước lại bắt xe buýt từ KTX ở Dĩ An lên Q.12 để ghé nhà người quen ăn cơm.
Phước cho biết bản thân đã không được ăn cơm nhà suốt 4 tháng: "Chắc từ đây đến Tết mình mới được ăn cơm nhà lại. Ở TP.HCM mình có chú là người thân, lúc năm 1 và năm 2 đại học, mình có nhiều thời gian rảnh nên cuối tuần hay lên nhà chú để được ăn cơm nhà. Chú hay nấu mì Quảng đúng kiểu ở quê cho mình ăn hoặc đơn giản là cơm nhà đúng vị người miền Trung. Nhưng đến năm 4 mình bận nhiều nên ít có thời gian ghé lên thăm chú, vì vậy cũng hết được ăn cơm nhà”.
Đó cũng là nỗi lòng của Đoàn Thiện Ngọc Bảo, sinh viên Trường Sĩ quan không quân (TP.Nha Trang): “Có thời gian hơn một năm trời mình không được ăn cơm nhà, do đợt đó dịch đang căng thẳng, không được về quê ăn Tết. Với mình, thèm cơm nhà không chỉ là thèm những món ăn ba mẹ nấu mà thèm không khí gia đình, thèm cảm giác được quây quần với cả nhà”.
Nhiều bạn trẻ đi học xa nhà, cuối tuần tụ họp bạn bè để cùng nhau nấu ăn cho đỡ nhớ cơm nhà |
NVCC |
Còn với nhiều sinh viên ở KTX, cuối tuần hay tụ họp lại phòng trọ của bạn để cùng nhau nấu những bữa cơm nhà. Lữ Thị Hồng Trâm, quê Bình Định, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, kể: “Hơn nửa năm rồi mình không được ăn cơm cùng gia đình. Ở thành phố, mình không có người quen. Chủ yếu có vài đứa bạn đồng hương, thỉnh thoảng tụi mình rủ nhau nấu vài món cơm quê vừa ngon lại vừa đỡ nhớ nhà”.
Bình luận (0)