Sưu tầm hàng ngàn hiện vật rồi… cất kho

15/09/2015 08:45 GMT+7

Hơn 7.000 hiện vật rất có giá trị mà nhân viên, các nhà nghiên cứu của Bảo tàng Gia Lai tốn bao tâm huyết lẫn tiền của, sưu tầm từ nhiều năm nay, đang bị cất kho vì thiếu chỗ trưng bày.

Hơn 7.000 hiện vật rất có giá trị mà nhân viên, các nhà nghiên cứu của Bảo tàng Gia Lai tốn bao tâm huyết lẫn tiền của, sưu tầm từ nhiều năm nay, đang bị cất kho vì thiếu chỗ trưng bày.

 Bộ sưu tầm ghè của người bản địa phải cất kho vì thiếu chỗ trưng bàyBộ sưu tầm ghè của người bản địa phải cất kho vì thiếu chỗ trưng bày - Ảnh: Trần Hiếu
Cách đây hơn 4 năm, Bảo tàng Gia Lai được xây mới nhưng sau vài lần bị điều chỉnh, không gian của bảo tàng bị rút lại để thành hình như hôm nay.
Theo một cán bộ chuyên môn của bảo tàng thì việc thiếu không gian trưng bày ngoài trời sẽ làm giảm đi những hoạt động hữu ích, thu hút khách. Chẳng hạn, khó có thể làm mô hình về làng buôn bản địa hay mô hình làng kháng chiến Stơr đã ghi dấu lịch sử trong kháng chiến chống Pháp, gắn với con người điển hình Anh hùng Núp – một biểu tượng bất khuất, kiên trung của con người Tây nguyên.
Với 6 phòng trưng bày, bảo tàng chỉ có thể giới thiệu đến du khách gần 1.000 hiện vật, bao gồm những chủ đề như văn hóa vật chất, tinh thần của các dân tộc bản địa; lịch sử Gia Lai trước 1945, từ 1945 - 1975… Trong khoảng không gian chưa đến 1.000 m2 trưng bày, số hiện vật trên dường như bị ép lại chật chội, khó có thể làm nổi bật hiện vật.
Anh Nguyễn Hồng Duy, một du khách từ Khánh Hòa đến thăm bảo tàng nhận xét: “Tôi thấy bảo tàng có nhiều hiện vật nhưng cách bố trí, sắp xếp chưa tốt. Chắc tại không gian trưng bày hẹp quá.”
Hàng chục chiếc trống bị dồn trong một không gian chật hẹpHàng chục chiếc trống bị dồn trong một không gian chật hẹp - Ảnh: Trần Hiếu
Theo thống kê, hiện bảo tàng có hơn 7.000 hiện vật chưa được trưng bày, đang để trong kho. Trong số này, có rất nhiều hiện vật có giá trị, tốn bao công sức sưu tầm. Và với kinh phí, không gian hạn chế bắt buộc bảo tàng phải xếp nhiều hiện vật khác chất với nhau nên sẽ dễ dẫn đến hiện vật bị hư hại.
Chẳng hạn, bảo tàng hiện có hơn 30 chiếc trống, nhiều cái có đường kính lên đến gần 2m, nhưng hiện vẫn đang phải để trong kho vì thiếu nơi trưng bày. Việc bảo quản đơn giản là kê những cái trống này lên cao để tránh ẩm ướt, chưa hề đúng quy trình bảo quản hiện vật.
Được biết, để làm ra được một chiếc trống, người bản địa phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy ước từ hàng trăm năm trong quá trình tìm cây gỗ, lấy da bịt trống. Nó được đánh lên trong những dịp lễ trọng của làng. Với hàng chục chiếc trống nằm chỏng chơ trong một không gian chật hẹp, ai nhìn thấy cũng không khỏi cám cảnh.
Hơn 200 tượng gỗ, thể hiện cuộc sống văn hóa vật chất, tinh thần phong phú của người bản địa cũng bị cất kho. Đây là một thiệt thòi cho du khách khi ghé thăm bảo tàng. Hơn thế, những căn phòng cất giữ hiện vật cũng bị ẩm ướt, đặc biệt là ở vùng Tây nguyên luôn có độ ẩm cao, mùa mưa kéo dài trong sáu tháng. Hơn 40 bộ chiêng, trong đó có những bộ chiêng quý, ngày xưa phải đổi cả đàn bò được cán bộ bảo tàng sưu tầm về cũng chịu chung cảnh ngộ cất kho. Rồi cả trăm cái ghè (ché) của người bản địa vùng Tây nguyên cũng xếp đầy trong kho.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân - Giám đốc bảo tàng - thừa nhận việc bảo quản thực sự vẫn chưa đạt yêu cầu vì thiếu phòng ốc, kinh phí bảo quản theo những quy trình nghiêm ngặt để tránh hư hại cho hiện vật. Chẳng hạn như tượng nhà mồ chỉ được phun mối mọt rồi bỏ lộn xộn trong một nhà kho chật chội, chỉ khoảng 30 m2. Việc bảo quản những bộ cồng chiêng, ghè… cũng chẳng khá hơn.
Vẫn phải chờ
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân - Giám đốc bảo tàng: “Chúng tôi có nhiều tham vọng và ý tưởng nhưng chắc vẫn phải chờ. Chẳng hạn chúng tôi muốn có không gian để giới thiệu đến du khách một bộ sưu tầm trống độc đáo của người bản địa mà chúng tôi đã dày công sưu tầm từ nhiều năm nay. Hay có không gian để giới thiệu những bộ chiêng quý, ghè quý… Rồi bảo tàng cũng thiếu đi phòng chiếu phim. Nếu có, chúng tôi sẽ giới thiệu đến du khách những thước phim có giá trị về văn hóa vật chất, tinh thần - những di sản được quốc tế thừa nhận”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.