Vào đúng dịp này, không chỉ Giáo hoàng Francis và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mà còn cả Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến thăm Mỹ.
Giáo hoàng Francis đang có chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Mỹ - Ảnh: Reuters |
Việc các vị này cùng tham dự khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc là nguyên cớ giúp các bên dễ dàng giải thích về sự trùng lặp thời điểm. Nhưng quan trọng và quyết định hơn là những suy tính lợi ích chiến lược rất thực tế.
Tổng thống Mỹ Barack Obama chủ ý dùng con bài đối trọng như thế nào với Trung Quốc và Ấn Độ thì ông Modi cũng như thế khi tìm cách triệt để tận lợi vị thế giữa Washington và Bắc Kinh. Ông đang theo đuổi ước vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và có nhu cầu vô cùng lớn về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, kỹ thuật công nghệ mới cũng như thị trường xuất khẩu cho hàng hóa, dịch vụ của Ấn Độ. Với mục tiêu này, ông Modi sẽ không thành công nếu bỏ qua Mỹ.
Ấn Độ vừa phải thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc lại vừa ganh đua với nước này ở mọi nơi, trong đó đặc biệt là Mỹ. So sánh chương trình nghị sự của Thủ tướng Modi và Chủ tịch Tập ở Mỹ sẽ thấy được điều đó.
Ông Modi còn tận dụng chuyến công du để chủ trì một cuộc gặp cấp cao giữa Ấn Độ, Brazil, Đức và Nhật Bản. Mỹ và Trung Quốc không thích thú với cuộc gặp này vì nội dung xoay quanh cải tổ Liên Hiệp Quốc, Hội đồng bảo an và 4 nước nói trên không giấu giếm kỳ vọng sẽ trở thành ủy viên thường trực mới của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc sau khi cải tổ. Người thì lo mất bớt đặc quyền đặc lợi trong Liên Hiệp Quốccòn người thì chủ ý công cụ hóa việc này. Có lẽ suy tính thì phải như thế.
Bình luận (0)