Suýt chết vì bị hiểu nhầm sốc phản vệ với ngộ độc thuốc

07/12/2018 08:25 GMT+7

Ngày 7.12, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng cho anh Lê Văn N. (ảnh, 31 tuổi, ngụ Quảng Bình) xuất viện.

Anh N. vào cấp cứu ngày 4.12 trong tình trạng choáng, vã mồ hôi, lơ mơ, tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim sau khi tiểu phẫu bóc u bã đậu ở một phòng khám tư nhân.

Bác sĩ phòng khám tư nhân xử lý theo phác đồ sốc phản vệ nhưng vô hiệu.

Kết quả xét nghiệm máu thể hiện anh N. bị nhiễm toan chuyển hóa rất nặng, tổn thương gan thận cấp và cơ tim cấp, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Hoàn Mỹ) chẩn đoán bệnh nhân ngộ độc thuốc Lidocain, là loại thuốc gây tê trong tiểu phẫu, khi bệnh nhân bị ngộ độc thường bị nhầm là sốc phản vệ, nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời thì tỷ lệ tử vong rất cao.

Do đó, bác sĩ Bệnh viện Hoàn Mỹ cho truyền nhũ tương Lipid trung hòa Lidocain trong máu, điều chỉnh toan máu, bù dịch. Sau 2 tiếng, tình trạng toan máu cải thiện, huyết động ổn, rối loạn nhịp được kiểm soát.

Theo bác sĩ Phạm Hữu Huyền - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, cho biết trường hợp ngộ độc thuốc tê Lidocain như anh N. không phải hiếm gặp nhưng nếu không được chẩn đoán chính xác và xử trí kịp thời thì tỷ lệ tử vong rất cao.

“Lidocain là loại thuốc gây tê được sử dụng nhiều không chỉ ở bệnh viện mà còn ở các phòng khám tư để thực hiện các tiểu phẫu như nhổ răng, mổ bóc u, khâu vết thương, phẫu thuật thẩm mỹ,… Và từ trước đến nay, các biến cố xảy ra khi sử dụng thuốc gây tê này thường quy cho “sốc phản vệ” mà ít khi nghĩ tới nguyên nhân do ngộ độc thuốc. Chính vì vậy, việc chẩn đoán phân biệt giữa sốc phản vệ và ngộ độc thuốc gây tê là cực kỳ quan trọng vì phương pháp xử trí là hoàn toàn khác nhau”, bác sĩ Huyền nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.