Xe

Suýt mất nhà vì cho “người tình” ở nhờ

23/12/2015 08:58 GMT+7

Mua nhà từ gần 20 năm trước nhưng ông Phùng Bá Phương (65 tuổi, ngụ ở Q.Ba Đình, TP.Hà Nội) không ở, mà cho mẹ con “người tình” ở nhờ và phải ra tòa để đòi lại.

Mua nhà từ gần 20 năm trước nhưng ông Phùng Bá Phương (65 tuổi, ngụ ở Q.Ba Đình, TP.Hà Nội) không ở, mà cho mẹ con “người tình” ở nhờ và phải ra tòa để đòi lại.

Phiên phúc thẩm đầu tháng 12 quyết định bà T. phải giao lại nhà cho ông Phương - Ảnh: Nam AnhPhiên phúc thẩm đầu tháng 12 quyết định bà T. phải giao lại nhà cho ông Phương - Ảnh: Nam Anh
Khoảng 20 năm trước, ông Phương mới 45 tuổi và có chức vụ trong ngành xây dựng ở Hà Nội. Thời điểm đó, ông với bà Trần Thị T. (hiện ngụ ở P.Vĩnh Tuy, Q.Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội) đã có gia đình, con cái nhưng vẫn quan hệ tình cảm. Bà góa chồng sớm, nên đặt trọn tình cảm cho ông. Cũng trong thời gian này, ông Phương có ý định mua một căn nhà, để sau này nghỉ hưu sẽ cùng vợ con về đây sinh sống. Ông Phương đã về quê, bảo vợ gom góp tài sản tích cóp nhiều năm để mua căn nhà của bà Điểm ở phố Kim Ngưu (P.Vĩnh Tuy, Q.Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội). Tuy nhiên, khi đến giao dịch mua bán nhà với bà Điểm, người đi cùng với ông lại là bà T. chứ không phải vợ ông.
Do chưa ở và thường xuyên phải đi xa công tác xa, cùng với việc bà T. ngỏ ý cho con gái ở nhờ ngôi nhà mới mua để tiện học tập, nên ông đã đồng ý. Khi đó, bà T. hứa với ông đến năm 1996 sẽ giao lại căn nhà. Tin tưởng bạn gái, ông Phương đã photo toàn bộ giấy tờ mua bán, kèm tờ khai nộp thuế nhà đất và hợp đồng sử dụng nước để bà T. khai báo tạm trú… Tới giữa năm 1996, bà T. chuyển đến căn nhà của ông Phương mua để ở cùng con gái. Trong khi đó, đến hẹn, ông Phương đề nghị bà T. giao lại toàn bộ căn nhà cho mình. Lấy nhiều lý do, bà T. khất lần, không trả. Năm 2010, khi có luật Cư trú, ông Phương làm kê khai xin cấp sổ đỏ nhưng không được đồng ý, do bà T. có văn bản phản đối lên UBND quận.
Sau nhiều lần không đòi được nhà, năm 2013, ông Phương phải làm đơn khởi kiện và đề nghị tòa án chấp nhận hợp đồng mua bán nhà đất giữa ông với bà Điểm.
Hai lần ra tòa mới đòi lại được nhà
Tại phiên tòa sơ thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán nhà, đòi nhà cho ở nhờ do TAND quận Hai Bà Trưng mở, bà T. không đồng tình với khởi kiện của ông Phương cho rằng, bản thân mình là chủ nhân của căn nhà trên. Theo bà T., khi ký kết hợp đồng, do mải đếm tiền nên không biết chuyện ông tự ý hướng dẫn người bán viết tên ông ở mục người mua nhà. Bà T. cũng cho rằng giữa hai ông bà có quan hệ tình cảm và dự định tiến tới hôn nhân. Tin tưởng ông Phương sẽ sớm ly hôn, bà không yêu cầu bà Điểm viết lại giấy bán nhà. Bà T. cho hay, khi chuyển về căn nhà trên, bà cùng con trai út đã sửa sang lại mất chi phí khoảng 400 triệu đồng. Bản thân bà khi thấy tình cảm với ông Phương rạn nứt, đã nhiều lần đòi người tình đưa lại giấy tờ gốc song không được. Bà đã nói với bà Điểm viết lại giấy tờ mua bán nhà cho mình. Bà T. cũng yêu cầu tòa công nhận hợp đồng mua bán nhà đất với bà Điểm có hiệu lực pháp luật và xác định nhà, đất là quyền sở hữu của mình.
Tòa xác định đây là vụ việc tranh chấp 2 nội dung là: tranh chấp hợp đồng mua bán nhà đất và đòi nhà ở nhờ. Cấp sơ thẩm xác định hợp đồng mua bán nhà được xác lập tự nguyện, giao dịch tuy không có công chứng nhưng không xảy ra tranh chấp giữa hai bên mua và bán. Tuy nhiên, xem xét diễn biến, lời khai, cho thấy không có cơ sở để khẳng định căn nhà trên là của bà T. Trong khi đó, vợ ông Phương cũng có lời khai, khẳng định đã gom tiền để chồng mua căn nhà của bà Điểm.
Tòa sơ thẩm đã chấp nhận nội dung khởi kiện của ông Phương, buộc bà T. phải giao lại căn nhà cho bên nguyên đơn. Cùng với quyết định này, tòa cũng tuyên, ông Phương phải hỗ trợ cho bà T. hơn 80 triệu đồng tiền sửa chữa căn nhà. Kết thúc phiên sơ thẩm, bà T. đã kháng cáo toàn bộ bản án.
Đầu tháng 12 vừa qua, có mặt tại phiên phúc thẩm, hai bên tiếp tục giữ nguyên quan điểm. Sau khi xem xét, Tòa phúc thẩm, xác định không có tình tiết mới nên chỉ chấp nhận một phần kháng cáo là quyết định ông Phương phải hỗ trợ thêm 70 triệu đồng cho bà T. Riêng căn nhà, bà T. phải giao lại cho ông Phương theo phán quyết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.