Sáng 11.5, BS.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho hay các bác sĩ Trung tâm Chấn thương chỉnh hình bệnh viện vừa phẫu thuật thành công một trường hợp bị trật khớp gối, tắc động mạch khoeo có nguy cơ phải cưa chân.
Người nhà bệnh nhân cho biết, trước đó, bệnh nhân bị ngã, trật khớp gối trái được chuyển đến bệnh viện địa phương khám trước khi được chuyển lên Cần Thơ điều trị. Theo lời kể của bệnh nhân thì bà có tiền sử bị trật khớp nhiều lần nhưng trước đây đều tự nắn lại được.
|
Kết quả chụp cắt lớp vi tính dựng hình mạch máu ghi nhận bệnh nhân bị tổn thương động mạch khoeo chân trái gây tắc hoàn toàn. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu.
Sau 90 phút phẫu thuật, các bác sĩ đã bóc tách gỡ dính động mạch - tĩnh mạch khoeo, cắt đoạn động mạch khoeo, tiến hành khâu nối, kiểm tra đoạn dưới sau nối tưới máu tốt, động mạch khoeo chân trái bệnh nhân được tái thông. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, chân trái hồng ấm, gối giảm sưng...
Theo, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tâm Từ, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, đối với chấn thương khớp gối như bệnh nhân trên thường có một số tổn thương, trong đó tổn thương mạch khoeo rất nặng.
"Với loại chấn thương này có một điều nguy hiểm là nếu bệnh nhân chỉ bị trật khớp gối đơn thuần không có gãy xương thì rất dễ bị bỏ sót bởi vì trật khớp gối rất dễ tự nắn, thậm chí một cái lực nhẹ kéo chân là khớp gối có thể vào trở lại. Tuy nhiên trật khớp gối có tỷ lệ tổn thương mạch khoeo rất cao. Tổn thương mạch khoeo có hai loại, một là tổn tương ngay tại lúc mới chấn thương. Với hình thức này thì bệnh nhân sẽ đau, chân sưng, mất cảm giác. Nếu bệnh nhân tới cơ sở y tế thường sẽ được phát hiện ngay. Một hình thức tổn thương nữa là tổn thương từ từ do hình thành huyết khối trong lòng mạch. Sự hình thành này sẽ lớn dần theo thời gian, khi mà đủ lớn mới gây tắc mạch khoeo và rất dễ bỏ sót với tình huống này, do đó, khuyến cáo người dân nếu có bị chân thương, nhất là chấn thương vùng khoeo thì nên tới cơ sở y tế để được theo dõi”, bác sĩ Tâm Từ nói.
|
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, khi bị trật khớp, người bệnh cần được sơ cứu đúng cách, không nắn hoặc cố cử động khớp bị trật, điều này có thể gây tổn thương khớp và cơ, dây chằng, dây thần kinh hoặc các mạch máu ở xung quanh. Sau đó, cố định khớp, chườm lạnh lên vùng khớp bị thương để tránh và giảm sưng phù. Không nên chườm nóng, đắp muối, bóp thuốc rượu hay mật gấu vì có thể làm tình trạng xấu đi. Sau đó nhanh chóng, nhẹ nhàng vận chuyển người bị trật khớp đến cơ sở y tế gần nhất.
Bình luận (0)