T.Ư ban hành nghị quyết mới về tam nông, kinh tế tập thể

25/06/2022 15:45 GMT+7

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến 2030, tầm nhìn đến 2045; Nghị quyết 20 về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể giai đoạn mới.

Cả 2 nghị quyết vừa được thông qua tại Hội nghị T.Ư 5 khóa XIII hồi tháng 5 vừa qua.

Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vừa được T.Ư Đảng ban hành với nhiều quan điểm mới

xuân phúc

Tăng đầu tư ngân sách gấp đôi cho nông nghiệp, nông thôn

Nghị quyết 19 nhấn mạnh quan điểm nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế.

Từ đó, Nghị quyết 19 của T.Ư đưa ra mục tiêu đến năm 2030, nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hoá nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.

Cụ thể, nghị quyết của T.Ư đặt mục tiêu đến 2030, thu nhập bình quân của người dân nông thôn phấn đấu tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 80%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt 90%...

T.Ư cũng nêu ra hàng loạt các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện mục tiêu đặt ra. Cụ thể, nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn; phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng…

Nghị quyết của T.Ư yêu cầu đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang làm việc ở khu vực công nghiệp, dịch vụ; thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn; thu hút lao động có trình độ cao về làm việc ở nông thôn.

Bên cạnh đó, cơ cấu lại nông nghiệp thực chất, hiệu quả, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, tiềm năng, lợi thế của từng vùng, miền, địa phương.

Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm…

Nghị quyết 19 cũng nhấn mạnh cần hoàn thiện thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Theo đó, tăng đầu tư ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 cho nông nghiệp, nông thôn ít nhất gấp 2 lần giai đoạn 2011 - 2020…

Trung ương Đảng ban hành 2 nghị quyết mới về tam nông, kinh tế tập thể

Xem toàn văn Nghị quyết 19 Hội nghị T.Ư 5 khóa XIII tại đây.

Phát triển kinh tế tập thể hợp tác xã là xu thế tất yếu

Đối với kinh tế tập thể, Nghị quyết 20 nhấn mạnh, kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

Nghị quyết 19 và Nghị quyết 20 của T.Ư vừa được thông qua tại Hội nghị T.Ư 5 khóa XIII hồi tháng 5.2022

gia hân

Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã…) trong đó hợp tác xã là nòng cốt.

Kinh tế tập thể phát triển dựa trên sở hữu riêng của thành viên và sở hữu chung của tập thể; tổ chức hoạt động theo nguyên tắc đối nhân, không phụ thuộc vào vốn góp; phân phối theo mức độ tham gia dịch vụ, theo hiệu quả lao động và theo vốn góp.

Thành viên kinh tế tập thể bao gồm các thể nhân và pháp nhân, thành viên chính thức và thành viên liên kết, cùng góp vốn, góp tài sản, góp sức trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và quản lý dân chủ.

Nghị quyết 20 cũng nhấn mạnh, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên.

Nghị quyết 20 của T.Ư đặt mục tiêu đến 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên.

Đến 2045, phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể. Phấn đấu có ít nhất 3 tổ chức kinh tế tập thể nằm trong bảng xếp hạng 300 hợp tác xã lớn nhất toàn cầu do Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA) công nhận.

Nghị quyết 20 của T.Ư cũng nêu nhiều giải pháp, nhiệm vụ để thực hiện mục tiêu nói trên. Cụ thể là đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể…

Xem toàn văn Nghị quyết 20 của Hội nghị T.Ư 5 khóa XIII tại đây.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.