Ngày 15.3, tiếp tục phiên họp 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo luật Đấu thầu sửa đổi. Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, đấu thầu thuốc, vật tư y tế là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, do thực tiễn ngành y tế thời gian gần đây.
Dự thảo luật đã dành nhiều điều, khoản để quy định về vấn đề mua thuốc, trang thiết bị y tế. Trong đó, tại điều 23 quy định cho phép chỉ định thầu đối với "gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, phương tiện, trang thiết bị y tế, xây lắp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu người bệnh cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân".
Ngoài ra, tại điều 28 về hình thức đàm phán giá được quy định áp dụng riêng đối với "các gói thầu mua biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu; thuốc, dược liệu chỉ có từ 1 - 2 nhà sản xuất và trường hợp đặc thù khác".
Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng dành toàn bộ chương 5 (từ điều 55 đến điều 58 dự thảo luật) quy định về mua sắm tập trung, mua thuốc…
"Các quy định về mua thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế nhằm tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đã và đang diễn ra trong thời gian gần đây", ông Cường nêu.
Tuy nhiên, ông Cường cũng cho biết, còn nhiều ý kiến khác nhau như có ý kiến cho rằng, việc quy định chỉ định thầu có thể dẫn tới lạm dụng...
"Lúc đó sẽ là lỗi và trách nhiệm của các đồng chí"
Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Quốc hội Nguyễn Thúy Anh bày tỏ chia sẻ với băn khoăn quy định chỉ định thầu trong trường hợp gói thầu phục vụ chống dịch, cấp cứu người bệnh cần triển khai ngay có thể dẫn tới lạm dụng.
Để vừa bảo vệ người quyết định chỉ định thầu, vừa ngăn ngừa lạm dụng, bà Anh kiến nghị nghiên cứu giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện về dịch bệnh, thành phần tham gia, trong đó nên có đại diện của cơ quan bảo vệ pháp luật và yêu cầu về giá tối thiểu và tham khảo.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kiến nghị việc mua sắm vắc xin như vắc xin ngừa Covid-19 là rất đặc thù, do đó, dự thảo luật phải quy định thế nào đó để sau này Chính phủ và Thủ tướng vận hành được chứ không cần phải ban hành nghị quyết như với trường hợp vắc xin Covid-19.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, việc đàm phán giá và đấu thầu đối với biệt dược cần được quy định cụ thể tại dự thảo luật Đấu thầu sửa đổi. Chủ tịch Quốc hội đề nghị trường hợp nào đàm phán giá, trường hợp nào đấu thầu phải quy định rõ hoặc giao Chính phủ hướng dẫn để thực hiện, nếu không sẽ rất khó.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho hay, khi còn là Phó thủ tướng, ông từng yêu cầu biệt dược có thuốc thay thế thì vẫn phải đấu thầu. Lúc đầu, Bộ Y tế nói không làm được, nên giao cho Bảo hiểm xã hội làm và kết quả rất hiệu quả, giá giảm từ 13 - 19%.
"Chúng ta cứ lẩn tránh, nói là biệt dược nên toàn lao vào đàm phán giá chứ không đấu thầu, mà thực tế đấu thầu rất hiệu quả", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, biệt dược là loại chỉ có 1 loại mà chỉ có 1 nhà đầu tư, còn trường hợp có 2 nhà sản xuất hoặc có thuốc phổ thông thay thế thì không nên đàm phán giá mà phải đấu thầu.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Y tế phối hợp với cơ quan soạn thảo, thẩm tra rà soát kỹ, tránh trường hợp bắt đầu bấm nút thông qua luật thì lại bảo phần này vướng mắc, trong ngành chúng tôi không thực hiện được. "Lúc đó sẽ là lỗi và trách nhiệm của các đồng chí", Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, do Bộ Y tế nói việc mua sắm vướng mắc là do luật Đấu thầu nên bộ cần rà soát kỹ, vấn đề gì cần bổ sung, sửa đổi cụ thể thì đề xuất, không hợp lý thì cần phải nói ngay.
Giải quyết tất cả các vướng mắc đấu thầu y tế
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết, với việc mua vắc xin, trong luật quy định chỉ định thầu trong trường hợp gói thầu phải thực hiện ngay để khắc phục các hậu quả do sự cố bất khả kháng. Như vậy, việc mua vắc xin ở tình huống này là có thể chỉ định thầu được.
Đối với việc đàm phán giá, ông Luận cho hay, ngoài biệt dược - nghĩa là loại thuốc chỉ có 1 nhà sản xuất, còn có sinh phẩm tham chiếu hoặc thuốc có từ 1 - 2 nhà sản xuất vì 2 nhà sản xuất là không đủ 3 nhà để đấu thầu.
"Quá trình đàm phán giá, quy trình, thủ tục cũng rất phức tạp, phải có hội đồng đàm phán và lại có hội đồng về thẩm định chuyện đàm phán, chứ bây giờ 1 hoặc 2 nhà sản xuất thì cũng không cần phải mang ra đấu thầu", ông Luận nêu.
Đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận là đấu thầu trong lĩnh vực y tế có rất nhiều vấn đề bất cập.
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, "nói đi cũng phải nói lại" khi những bất cập hiện nay do quá tình tổ chức thực hiện không tốt, có vấn đề. Bên cạnh đó, các vướng mắc chủ yếu nằm ở nghị định, thông tư của chính Bộ Y tế, Bộ Tài chính.
Ông Dũng cho biết, vừa rồi đã giải quyết từng lĩnh vực bằng các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ rất phức tạp, mất công mà vẫn không đáp ứng được vì "ai cũng sợ", thì lần này cơ bản giải quyết được tại luật này.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cũng khẳng định sẽ tiếp tục rà một bước nữa để giải quyết hết các vướng mắc trong lần sửa đổi này.
Dự thảo luật Đấu thầu sửa đổi đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 tháng 10.2022 và sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5 tới.
Bình luận (0)