Đạo diễn Hoa Hạ vui vì cách đây 5 năm, khi dàn dựng vở cải lương Trung thần nói về nhân vật Tả quân Lê Văn Duyệt thì chị từng có linh cảm về chuyện này. Và từ vở Trung thần, đạo diễn Hoa Hạ đã có cuộc chuyện trò đầy nỗi niềm về cải lương hôm nay.
*Thưa chị, thấy chị viết trên Facebook rằng “linh quá”, không biết vì sao mà “linh”?
- Đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ: Khi làm vở Trung thần, tự nhiên tôi buột miệng: “Có khi nào Đức Tả quân Lê Văn Duyệt được đặt tên đường trở lại hay không? Cầu trời cho thành sự thật”. Tôi nói đặt tên đường “trở lại” là vì trước 1975 đã có đường Lê Văn Duyệt rồi, sau 1975 mới bỏ đi. Giờ nghiên cứu và trả lại tên đường cho ông cũng phải thôi.
|
* Vở Trung thần gây tiếng vang khá lớn, hiện còn biểu diễn hay không?
- Chúng tôi đã diễn khá nhiều suất tại Nhà hát Bến Thành (TP.HCM) và một số tỉnh, giờ muốn diễn lại nhưng từ đây tới cuối năm, các nghệ sĩ bận tập trung cho nhiều cuộc thi như Trần Hữu Trang, Chuông vàng vọng cổ, Tài năng trẻ... nên đành chờ vậy. Tôi ước gì nhà nước đầu tư cho các vở lịch sử bằng cách mua dàn rồi tạo điều kiện cho mọi người đi xem, nhất là lớp trẻ. Chúng ta có lẽ cũng ưu tư khi biết lớp trẻ ít hiểu biết về sử nước nhà, thì nghệ thuật là một kênh dạy sử rất tốt.
* Thế hệ của chị và nhiều người trước kia đa phần thuộc sử, yêu sử nhờ cải lương, cho nên bây giờ chúng ta mới ưu tư. Và hình như chị đã chọn cải lương lịch sử là con đường nghệ thuật xuyên suốt cho mình? Bằng chứng là năm ngoái chị đã dựng vở Đam mê và quyền lực nói về Chúa Trịnh Sâm và Tuyên phi Đặng Thị Huệ rất chất lượng. Chị còn những dự định nào đang ấp ủ hay không?
- Tôi chọn lịch sử làm con đường của mình, nhưng cũng chen vào một ít đề tài xã hội. Tôi đã viết gần chục kịch bản, có cái đã hoàn thành, có cái cần chuyển thể, có cái còn dang dở. Thật ra những kịch bản này tôi chuẩn bị để ra mắt tại rạp Hưng Đạo (TP.HCM) khi rạp đang được xây dựng. Nhưng tới chừng rạp Hưng Đạo xây xong thì nhiều người và tôi thấy hụt hẫng, bởi không gian chật hẹp, chưa đúng kỹ thuật cho công tác biểu diễn, báo chí cũng lên tiếng nhiều. Thế là tôi đành lấy từng kịch bản ra “đánh lẻ” ở Nhà hát lớn TP.HCM.
Giờ tôi chuẩn bị cho vở mới nữa, đang phân vân giữa 4 kịch bản nói về Hồ Quý Ly, Huyền Trân Công chúa, một vở dã sử, một vở xã hội. Ngoài ra tôi còn một vở nhạc kịch về Hàn Mặc Tử cũng rất tâm đắc. Vấn đề là tìm được người chịu đầu tư cho các vở lịch sử không dễ chút nào.
|
* Sao chị không nghĩ tới cải lương sân khấu nhỏ?
- Tôi đã từng làm mô hình đó tại Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B từ mấy chục năm trước. Sân khấu nhỏ có đặc trưng riêng chứ không đồng nghĩa là vở lớn gọt lại cho “nhỏ”. Sân khấu nhỏ đòi hỏi viết kịch bản kiểu khác, dàn dựng và biểu diễn cũng khác. Tuy nhiên, muốn làm cải lương sân khấu nhỏ thì phải có hẳn một địa điểm ổn định của riêng mình để xoay trở, sáng tạo, nghiên cứu.
* Chị là một người cá tính mạnh, không sợ mích lòng ai, có khi đó cũng là yếu tố… hơi bất lợi cho chị làm việc?
- Đúng, tôi vẫn thường nói thẳng và từng rút lui khỏi một vài dự án do không chịu thỏa hiệp với cái xấu. Còn việc vừa lòng tất cả mọi người thì chắc không có đâu. Tôi vẫn có nhiều bạn bè hợp tác vì họ hiểu tôi. Thôi, sống vậy được rồi, cầu toàn làm chi cho khổ!
* Cảm ơn chị. Chúc chị sẽ thành công trong những dự án lịch sử sau này.
Vào tháng 7.2020, HĐND TP.HCM khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 thông qua việc đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng (đoạn từ cầu Bông đến Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh) thành Lê Văn Duyệt theo đề nghị của UBND TP.HCM. Bên cạnh đó, xung quanh khu lăng Lê Văn Duyệt có nhiều tuyến đường được đặt tên gắn với các danh nhân cùng thời với Tả quân Lê Văn Duyệt như Trịnh Hoài Đức, Phan Văn Trị... giúp người dân dễ nhớ, dễ tìm.
|
Bình luận (0)