Tả quân Lê Văn Duyệt và quyền lực Gia Định thành: Dấu ấn Tổng trấn Lê Văn Duyệt

12/11/2021 06:39 GMT+7

Tháng giêng năm 1808, vua Gia Long thấy địa thế Gia Định rộng lớn, sai đình thần bàn chuyện kinh lý để gìn giữ bờ cõi, bèn đổi Gia Định trấn thành Gia Định thành.

8 tháng sau khi thành lập, vua mới bắt đầu đặt chức Tổng trấn Gia Định thành, triệu Lưu trấn Gia Định Nguyễn Văn Trương về kinh, “lấy Nguyễn Văn Nhân làm Tổng trấn, Trịnh Hoài Đức làm Hiệp tổng trấn. Ban ấn Tổng trấn thành Gia Định [sic] (ấn bạc núm hình sư tử)” (Đại Nam thực lục [về sau viết tắt là ĐNTL], tập 1, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, NXB Giáo dục, 2002, tr.739). Tháng 11 âm lịch (AL) năm 1808, vua hạ lệnh thu lại ấn “Thủy lợi lý tài” và “Nam Vang thông hành”, chỉ dùng mỗi ấn Tổng trấn mà thôi.

Từ lúc được thành lập cho đến khi giải thể năm 1832, Gia Định thành trải qua 3 đời quan Tổng trấn. Ngoài Lê Văn Duyệt 2 lần làm Tổng trấn, 2 người còn lại là Nguyễn Văn Nhân và Nguyễn Huỳnh Đức. Cả ba người đều là võ tướng uy dũng, là công thần khai quốc triều Nguyễn và đều là người miền Nam.

Bản đồ Gia Định năm 1815 do Trần Văn Học vẽ

BSEI, 1936

Gia Định thành và Tổng Trấn Lê Văn Duyệt

Trước khi Lê Văn Duyệt nhậm chức vào tháng 7 AL năm 1812, “dân Gia Định nhiều người du đãng, hoặc có kẻ khác thân ở cửa quyền, ghi tên vào sổ quân, mà thường thường lẻn về hương thôn, họp nhau trộm cướp” (ĐNTL, sđd, tr.843). Ông đến, liền đặt ra các điều cấm, khiến dân sở tại bí mật đem tên bọn trộm cướp đến báo quan, lập tức bắt trị, bọn cướp vì thế ngày càng ít đi, đời sống cư dân được yên ổn.

Lê Văn Duyệt lại cùng với Phó tổng trấn Trương Tấn Bửu và Hiệp tổng trấn Ngô Nhân Tĩnh (Ngô Nhơn Tịnh) dâng sớ về triều tâu: “Trước kia biên phòng có việc, lấy thêm hương binh, đó là việc tạm thời chứ không phải là chế độ vĩnh viễn. Nhưng mà lòng dân ngờ sợ, cùng nhau dối trá giấu giếm, chứa thành thói quen, tệ ấy không thể không sửa. Phàm dưới gầm trời trên mặt đất, ở đâu không phải là dân vua? Thiên “Chu quan” chép hằng năm phải ghi số dân, thiên “Nội chính” chép phải khu biệt nơi dân ở, không sách nào không lấy dân chính làm trọng. Xin ra lệnh cho sở tại, phàm dân đinh đến tuổi phải chép vào sổ ngay; có ai xin sung vào số quân các vệ cơ đội thuyền, thì người phụ trách cứu xét mà đăng chép để phòng việc đi lậu, ngăn sự giả mạo” (ĐNTL, sđd, tr.843-844). Vua cho là phải.

Tiếp đó, tuyển mộ được hơn 170 dân ngoại tịch tổ chức làm các đội quân. Bấy giờ, dân số Gia Định tăng nhanh, số hộ khẩu hằng năm tăng, số đinh mới tăng hơn 25.000 người. Về việc này, vua bảo rằng: “Dân là gốc của nước, gốc vững thì nước mới yên. Thế cho nên các vương giả đều lấy chăn nuôi dân chúng làm việc đầu tiên. Nay nước nhà yên lặng, chẳng thiếu gì của, dân mới tụ họp, việc vỗ yên chính là cần kíp. Vậy bàn cách chu cấp” (ĐNTL, sđd, tr.856), bèn xuống chiếu miễn thuế thân và thuế sản vật cho dân Gia Định mới biên vào sổ.

Tháng 4 AL năm 1813, Lê Văn Duyệt cùng Ngô Nhân Tĩnh cầm hơn 13.000 thủy binh đưa quốc vương Chân Lạp là Nặc Chăn về nước, tướng Xiêm La bề ngoài sai sứ đến hội đưa Nặc Chăn về ngầm lúc sơ hở đánh úp quân Việt, nhưng đại quân Lê Văn Duyệt đến nơi liền ra lệnh cấm cướp bóc, phô trương thanh thế khiến người Xiêm từ bỏ ý định nhưng vẫn đóng quân ở Long Úc chưa chịu rút về. Lê Văn Duyệt viết thư về triều tâu rõ tình hình, rằng “ta muốn che chở đất Gia Định tất phải dùng Nặc Chăn làm phiên thần. Ta đưa Nặc Chăn về nước, người Xiêm bất lợi nhiều lắm, chưa chắc họ đã không mưu tính khác, mà phiên vương chưa chắc đã khỏi lo về sau. Nay quân ta đóng lâu thì già quân mà phí của, về hết thì phiên vương đơn nhược mà không có phòng bị” (ĐNTL, sđd, tr.861). Lê Văn Duyệt cũng xin đắp thành Nam Vang cho phiên vương ở, đắp thành Lô Yêm để chứa lương thực, sẽ để một số quân lại bảo hộ Chân Lạp khi thành đắp xong, còn đại binh thì rút về Gia Định, chờ xem động tĩnh. Vua đồng ý, truyền lệnh cho Lê Văn Duyệt chia quân chiếm đóng những nơi trọng yếu, cho đắp thành, xây đài…

Đến tháng 7 AL, đắp xong 2 thành Nam Vang và Lô Yêm, chiếu cho Lê Văn Duyệt rút quân về Gia Định, lưu Nguyễn Văn Thụy lấy hơn 1.000 quân đóng giữ thành Nam Vang, bảo hộ nước Chân Lạp. Quân Xiêm nghe tin cũng rút về. Như vậy, bấy giờ Tổng trấn Gia Định thành không chỉ quản binh, dân và lý tài mà còn kiêm bảo hộ (thanh kiểm sát) nước Chân Lạp. Cuối năm 1813, vua hạ lệnh cho thành Gia Định “mỗi tháng hai lần phái người về kinh tâu việc. Chép làm lệ thường” (ĐNTL, sđd, tr.873). Tháng 6 AL năm 1815, vua triệu Lê Văn Duyệt về kinh, sai Phó tổng trấn là Trương Tấn Bửu quyền giữ ấn vụ Tổng trấn.

Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn Gia Định thành lần thứ nhất gần ba năm (1812 - 1815), vai trò của ông được gói gọn trong dụ của vua Gia Long khi ông xin về dâng hương Đại hành hoàng hậu tháng 2 AL năm 1814 nhưng không được duyệt, rằng: “Ngươi đối với nhà nước, nghĩa như vua tôi, ơn như cha con. Nghĩ biên khổn là nơi trọng yếu là vì mùa màng thua kém, ngươi lên lưu lại thành mà sắp đặt, để cho trong yêu dân thứ, ngoài chặn biên man, đó tức là lấy hiếu làm trung vậy”

(ĐNTL, sđd, tr.878)…

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.