Từ năm 1802, 11 trấn nội ngoại ở phía bắc được đặt tên mới là Bắc thành, do Trung quân Nguyễn Văn Thành đứng đầu với chức danh Tổng trấn; 5 trấn phía nam được gọi là Gia Định thành từ đầu năm 1808, do Nguyễn Văn Nhân đứng đầu với chức danh Tổng trấn.
Theo Đại Nam thực lục (viết tắt ĐNTL, tập 2, nhóm dịch, NXB Giáo dục, 2007), khi được vua Minh Mạng bổ nhiệm làm Tổng trấn Gia Định thành năm 1820, Lê Văn Duyệt được trao toàn quyền “truất thăng quan lại, hưng lợi trừ hại, tất cả việc thành và việc biên cương đều cho tùy nghi mà làm”. Trong một số tài liệu, người Pháp gọi chức danh này là vice-roi, tức Phó vương.
Trong sáu vị quan tổng trấn cả Bắc thành và Gia Định thành, đa phần là người miền Nam và không có ai người miền Bắc, Nguyễn Huỳnh Đức là người duy nhất làm Tổng trấn cả Gia Định thành và Bắc thành. Quyền lực Gia Định trong chính quyền nhà Nguyễn bấy giờ là rất lớn, kéo từ thời Gia Long đến đầu thời Minh Mạng.
Họa đồ thành phố Sài Gòn do kỹ sư hoàng gia Le Brun vẽ năm 1795, bên trong có thành Sài Gòn do sĩ quan công binh Olivier de Puymanel xây xong năm 1790 |
Bối cảnh Gia Định và ý thức hệ
Nguyễn Ánh (về sau là vua Gia Long) dấy nghiệp tại đất Gia Định, ơn của người Gia Định đối với ông là rất lớn, ông luôn ghi nhớ. Những vị tướng theo ông từ thuở bôn ba ở Vọng Các (tức Bangkok, Thái Lan ngày nay), chống Tây Sơn, đánh phía bắc đa phần có xuất thân từ đất Gia Định.
Từ buổi đầu, Nguyễn Ánh đã cố gắng thu phục đạo quân Đông Sơn của Đỗ Thanh Nhơn, tiếp đó là Nguyễn Huỳnh Đức. Vùng đất phía nam bấy giờ có nhiều thế lực cát cứ, nhiều đạo quân nắm giữ sức mạnh quân sự địa phương. Ngoài Đông Sơn còn có đạo quân của Châu Văn Tiếp ở Phú Yên chiếm giữ vùng chiến lược giữa Tây Sơn và Gia Định, đạo quân Kiến Hòa của Võ Tánh. Qua thời gian và bằng khả năng của mình, Nguyễn Ánh đã thu phục, dung hòa và tạo ra sự cân bằng quyền lực giữa các đạo quân này. Tướng Lê Chất, về sau là công thần nhà Nguyễn, cũng có xuất thân là quân Tây Sơn…
Nhận xét về phong cách dùng người của Nguyễn Ánh, sử gia Choi Byung Wook viết: “Nguyễn Phúc Ánh tạo cơ hội thăng tiến cho những người có tài năng bất kể nguồn gốc xuất thân của họ” (Vùng đất Nam bộ dưới triều Minh Mạng, nhóm dịch, Omega+ và NXB Hà Nội, 2019, tr.55). Với Nguyễn Ánh, một dân chài cũng có thể trở thành quận công, một thái giám cũng có thể trở thành đệ nhất công thần nếu có những đóng góp quan trọng cho đất nước. Đội quân dưới trướng ông lúc đó đa chủng tộc, đa sắc tộc. Phong cách này được lặp lại ở Tổng trấn Lê Văn Duyệt giai đoạn 1820 - 1832.
Thời vua Gia Long, các võ quan gốc Gia Định có quyền lực và ảnh hưởng lớn từ trung ương đến địa phương, đến đầu thời Minh Mạng cũng vậy. Quyết định cử Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn Gia Định thành chỉ sau bốn tháng lên ngôi ngoài việc cần người tài như ông cai quản tốt đất Gia Định, đánh dẹp loạn quân Chân Lạp (loạn Chiêu vương), bảo hộ Chân Lạp, kinh nghiệm ứng xử và uy danh của ông trong quan hệ với Xiêm La đã tạo được từ giai đoạn 1812 - 1815… có lẽ còn xuất phát từ toan tính quyền lực. Choi Byung Wook cho rằng “để những võ quan có ảnh hưởng ở quá gần trung tâm quyền lực là mối đe dọa đối với các triều thần” (Vùng đất Nam bộ dưới triều Minh Mạng, sđd, tr.106).
Minh Mạng từ nhỏ được giáo dục theo truyền thống nho giáo, khi lên ngôi xung quanh ông là các cựu thần như Lê Văn Duyệt, Lê Chất, Nguyễn Văn Nhân, Nguyễn Đức Xuyên, Phạm Đăng Hưng… Tháng 8 âm lịch (AL) năm 1820, Hữu Tham tri Lễ bộ là Nguyễn Du chết, vua thương tiếc. Nguyễn Du học rộng, giỏi thơ, giỏi về quốc ngữ, nhưng nhút nhát, vua thích chất văn ở con người này, từng dụ rằng: “Nhà nước dùng người, duy có tài là dùng, vốn không có coi Nam Bắc khác nhau [...]. Sao cứ rụt rè sợ hãi…” (ĐNTL, sđd, tr.83). Cái ý dùng người không phân biệt Nam, Bắc ấy được vua Minh Mạng triển khai một cách kiên trì, nhẫn nại để dần hóa giải quyền lực Gia Định thành do Lê Văn Duyệt đứng đầu.
Thời Minh Mạng, kinh đô xuất hiện ngày càng nhiều văn quan xuất thân là tiến sĩ triều Lê, sinh đồ ở Bắc thành… như Nguyễn Đăng Sở, Phan Huy Chú, Phạm Đình Hổ… được bổ Hàn lâm viện Tu soạn, Biên tu, Kiểm thảo… Tháng 3 AL năm 1821, vua cho rằng “người Gia Định vốn tính trung nghĩa, nhưng ít học, cho nên phần nhiều tính hay tức khí với nhau. Nếu được bậc đại nho túc học làm thầy dạy bảo cho điều lễ nhượng thì dễ hóa làm thiện mà thành tài cũng nhiều đó” (ĐNTL, sđd, tr.124), bèn bổ Nguyễn Đăng Sở làm Đốc học Gia Định, sĩ nhân Nguyễn Trọng Vũ làm Phó đốc học, cả hai đều là người miền Bắc.
Hơn hai năm sau, trong một dịp yết kiến vào tháng 9 AL năm 1823, vua hỏi: “Năm ngoái có chiếu khiến cống cử học sinh, Gia Định không cử người nào là tại sao?”, Đăng Sở đáp: “Tờ chiếu xuống từ thành đến trấn, từ trấn rồi đến phủ huyện, chưa từng hỏi đến học quan, thần dẫu có biết cũng không dám cử vượt”. Vua nói: “Việc cày ruộng thì hỏi đày tớ trai, dệt vải thì hỏi đày tớ gái; muốn biết về người học trò, không hỏi học quan thì hỏi ai?” (ĐNTL, sđd, tr.303).
Đó là một chỉ dấu về quyền lực của Gia Định thành Tổng trấn và chính sách bước đầu của Minh Mạng đối với bộ máy hành chính địa phương này…
(còn tiếp)
Bình luận (0)