Do quên phần quy hoạch ngầm
Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, lãnh đạo một doanh nghiệp (DN) cho hay dự án của công ty ông đã có chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ đầu tư cách đây 3 năm. Tuy nhiên, để được cấp phép xây dựng, dự án phải được thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật ở Bộ Xây dựng. Muốn được như vậy phải được duyệt các chỉ tiêu quy hoạch về tầng cao, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, dân số… Trong đó có việc phải được cơ quan chức năng cho phép xây dựng bao nhiêu tầng hầm. Tuy nhiên từ mấy tháng qua, DN chạy lên chạy xuống cơ quan chức năng để xin được duyệt 2 tầng hầm nhưng không xong. Chính vì vậy, các bước tiếp theo của dự án cũng theo đó bị "tắc".
"Khu đất triển khai dự án rộng gần 9.000 m2 dự kiến sẽ xây 2 block chung cư. Nhằm đảm bảo đủ chỗ để xe, toàn bộ khuôn viên khu đất sẽ được xây dựng 2 tầng hầm. Do quá khó khăn khi xin phép xây dựng tầng hầm nên DN dự kiến sẽ lấy 3 tầng phía trên để làm chỗ đậu xe. Tuy nhiên, nếu lấy tầng trệt làm bãi đậu xe, dự án sẽ chỉ từ hòa đến lỗ. Bởi tầng trệt là tầng thương mại, có giá trị nhất của dự án, giờ không thể kinh doanh được mà phải mang làm chỗ đậu xe. Chính vì vậy công ty vẫn phải theo đuổi phương án đi xin phép 2 tầng hầm mà không biết đến bao giờ mới được. Dự án chậm ngày nào, chi phí tăng thêm ngày đó. Trong khi chi phí lãi vay đang đè nặng lên vai các DN", lãnh đạo DN này cho hay.
Ông Võ Văn Như, Tổng giám đốc Tập đoàn HT Land, nhấn mạnh: Mỗi công trình nhà ở riêng lẻ của người dân, mỗi dự án bất động sản của DN không được triển khai, ách tắc là thiệt hại từ hàng tỉ đến hàng chục tỉ đồng mỗi ngày. Bên cạnh đó còn kéo theo tình trạng mất việc làm của người lao động khi các dự án đắp chiếu. Đằng sau hàng trăm lao động mất việc đó có hàng ngàn người phụ thuộc bị ảnh hưởng và kéo theo sự trì trệ của cả nền kinh tế. "Người dân, DN hết sức mong mỏi những quyết định đặc biệt được ban hành trong giai đoạn đặc biệt, và nhằm cụ thể hóa những cơ chế đặc biệt mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ gửi gắm cho TP.HCM, TP.Thủ Đức", ông Như đề xuất.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng "tắc" không gian ngầm tại TP.HCM xuất phát từ yếu tố lịch sử. Cụ thể, theo quy định của luật Quy hoạch đô thị năm 2009, mọi hoạt động lập, phê duyệt, xây dựng và khai thác không gian ngầm đô thị phải theo quy hoạch không gian ngầm được phê duyệt. Tuy nhiên, nhiều năm qua tại TP.HCM cũng như hầu hết các địa phương trên cả nước đều "quên" phần quy hoạch ngầm, mà chủ yếu tập trung vào quy hoạch đô thị ở phía trên mặt đất. Dù vậy nhiều năm qua TP.HCM vẫn thẩm định, phê duyệt và cấp phép các công trình lớn, nhỏ có tầng hầm.
Thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy, TP có hơn 600 đồ án quy hoạch phân khu đều không có quy hoạch không gian ngầm đô thị, thế nhưng từ năm 2004 - quý 1/2023, TP vẫn cấp phép xây dựng cho 1.600 dự án có tầng hầm, riêng Q.1 có hơn 642 công trình có tầng hầm. Đến mãi gần đây, TP đã dừng cấp phép xây dựng cho tất cả các công trình có tầng hầm, từ nhà dân đến các dự án của DN, thậm chí dự án đầu tư công. Theo ông Nguyễn Minh Chánh, Phó chủ tịch UBND Q.12, việc này bắt nguồn từ đợt thanh tra Bộ Xây dựng "tuýt còi" TP vì cho rằng cấp phép xây dựng cần căn cứ vào quy hoạch không gian ngầm vào cuối năm 2023. Cũng từ đó, mọi công trình có không gian ngầm đã chính thức ách lại.
... Các tỉnh khác vẫn cấp phép
Thực tế, từ đầu năm 2024 đến nay, UBND TP.HCM ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch - Kiến trúc tham mưu cho UBND TP để giải quyết vấn đề này trong khi đợi quy hoạch chung của TP.HCM và TP.Thủ Đức được Thủ tướng phê duyệt. Trong tất cả các văn bản tham mưu cho UBND TP.HCM, cả hai sở này đều đồng thuận theo hướng tháo gỡ khó khăn cho người dân và DN. Trong đó đối với nhà dân hoàn toàn có thể cấp phép xây dựng 1 tầng hầm. Đối với dự án thì có thể điều chỉnh cục bộ quy hoạch 1/2.000. Hồi tháng 2.2024, TP đã quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tại một xã trên địa bàn H.Bình Chánh để tháo gỡ cho một loạt dự án tại ô quy hoạch phân khu này. Tuy nhiên, đến nay TP vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn tháo gỡ mà tiếp tục xin ý kiến của Bộ Xây dựng.
Theo KTS Trần Tuấn, không chỉ riêng TP.HCM "quên" quy hoạch không gian ngầm, cũng không chỉ mỗi TP.HCM bị thanh tra, mà vấn đề này là thực trạng chung của cả nước. Nhưng trong khi TP.HCM dừng cấp phép xây dựng tầng hầm thì các địa phương khác vẫn cấp phép bình thường. Đơn cử như tỉnh Bình Dương, mới đây lãnh đạo tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung của TP.Dĩ An chỉ trong vòng một tuần. Một tuần sau, UBND TP.Dĩ An cũng phê duyệt điều chỉnh bổ sung tầng ngầm cho quy hoạch phân khu. Điều này giúp các DN có nhu cầu xây dựng dự án có tầng hầm trên địa bàn đã được cấp phép xây dựng.
Luật sư Nguyễn Đăng Tư (Công ty luật TNHH TriLaw) dẫn Nghị định 39/2010 quy định khá rõ: Đối với các đô thị đã có quy hoạch đô thị được phê duyệt hoặc trong trường hợp có nhu cầu đầu tư xây dựng công trình ngầm nhưng chưa được xác định trong đồ án quy hoạch được duyệt, việc tiến hành lập quy hoạch chung hoặc quy hoạch chi tiết không gian xây dựng ngầm do UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định. Nghĩa là nghị định đã dự liệu được cả các trường hợp mà các cấp độ quy hoạch "quên" quy hoạch không gian ngầm thì vấn đề này vẫn thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh.
"Do vậy, việc TP.HCM đi xin ý kiến đồng thuận của Bộ Xây dựng là không cần thiết. Không chỉ vậy, việc cấp phép một cá nhân hay một DN xây dựng công trình ngầm bản thân nó không gây ra thiệt hại cho xã hội, mà trái lại còn đóng góp nhiều cho sự phát triển của đất nước thì nên chủ động thực hiện. Điển hình là 20 năm qua, TP.HCM có hơn 1.600 công trình xây dựng có tầng hầm đã được cấp phép xây dựng, giúp cho TP phát triển. Trong khi đó hiện nay TP đã có Nghị quyết 98 quy định rất rõ vấn đề này hoàn toàn thuộc thẩm quyền của UBND TP.HCM và TP.Thủ Đức", luật sư Nguyễn Đăng Tư nhấn mạnh.
Ban hành văn bản hướng dẫn cấp giấy phép xây dựng
công trình có tầng hầm
Mới đây, Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM đã có kết luận về tháo gỡ vướng mắc liên quan công trình xây dựng có tầng hầm trên địa bàn TP. Theo đó, giao UBND TP chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương, tập trung thực hiện các nội dung liên quan quy hoạch không gian ngầm trên địa bàn TP để chuẩn bị sẵn sàng khi có quy hoạch chung TP được duyệt sẽ triển khai thực hiện ngay. Điều chỉnh thay thế Quyết định số 56/2021 về ban hành Quy chế quản lý kiến trúc TP, trong đó bổ sung nội dung quy định về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị vào quy chế này để có cơ sở pháp lý triển khai thực hiện. Trong thời gian chưa có quy hoạch không gian ngầm, thống nhất chủ trương cần xây dựng quy định hướng dẫn việc thực hiện cấp giấy phép xây dựng công trình có tầng hầm trên địa bàn TP nhằm tháo gỡ vướng mắc, không để ách tắc trong việc giải quyết hồ sơ cấp giấy phép xây dựng cho người dân và DN, đảm bảo tiến độ các dự án đầu tư công.
Bình luận (0)