Tắc di dời 20.000 căn nhà ven kênh: Xin cơ chế đặc biệt

20/10/2017 08:29 GMT+7

Dự án chỉnh trang đô thị dọc tuyến kênh Đôi - kênh Tẻ trên địa bàn Q.8 có 5.055 căn nhà ở bờ Bắc và gần 1.000 căn tại bờ Nam bị ảnh hưởng và phải di dời, giải tỏa.

Tại bờ Bắc, do không thể mở rộng biên nên TP phải thực hiện bằng vốn ngân sách với khoảng gần 1.000 tỉ đồng kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Ông Lê Quỳnh Đài, Phó chủ tịch UBND Q.8, cho biết hiện đã được TP ghi vốn 500 triệu đồng để chuẩn bị đầu tư.

tin liên quan

Tắc di dời 20.000 căn nhà ven kênh
Thiếu vốn, thiếu đất..., dự án di dời 20.000 căn nhà lụp xụp trên và ven kênh rạch của TP.HCM được coi là đột phá trong kế hoạch chỉnh trang đô thị có nguy cơ lỡ hẹn.
Riêng bờ Nam, vốn bồi thường lên đến 13.000 tỉ đồng, Q.8 đã hoàn tất công tác điều tra xã hội học về tình hình sử dụng đất, nhu cầu nơi ở, việc làm nhằm ổn định cuộc sống người dân sau giải tỏa. Quận đang tiến hành các bước để phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư.
Theo Sở Xây dựng, để lựa chọn được nhà đầu tư theo quy định hiện nay thì TP phải thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư, thời gian thực hiện sẽ kéo dài. Riêng khâu thủ tục đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư mất gần 2 năm. Cụ thể, thủ tục đấu thầu là 647 ngày (khoảng 29 tháng), nếu chỉ định nhà đầu tư thì mất 572 ngày (khoảng 27 tháng).
TP.HCM đã có văn bản kiến nghị các bộ ngành trung ương cho phép thực hiện theo cơ chế đặc biệt để rút ngắn thời gian thực hiện dự án nhưng chưa được chấp thuận, càng khiến công tác chỉnh trang đô thị tại TP.HCM gặp nhiều khó khăn và bế tắc. Sở Xây dựng cho biết, nếu không được áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt thì khả năng TP.HCM không thể thực hiện di dời được 20.000 căn nhà trong giai đoạn 2016 - 2020.
TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận xét, để thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị dọc kênh rạch, TP sử dụng phương thức đối tác công - tư PPP là hướng đi đúng đắn và phù hợp xu thế hiện nay. Tuy nhiên, theo phương thức này thì cần phải đặt bài toán lợi ích lên hàng đầu. Đó là lợi ích của người dân, nhà đầu tư và của nhà nước đều phải được hài hòa. Cách làm của TP hiện nay chủ yếu là giao cho nhà đầu tư nghiên cứu, lập phương án, TP sẽ góp ý và phê duyệt là chưa đúng với phương thức PPP. Nhà nước cần thuê hẳn các chuyên gia thật sự có năng lực trong hoặc ngoài nước để nghiên cứu sâu về dự án thay vì để các sở ngành tự làm như hiện nay. Từ cơ sở này, các nhà đầu tư có thể cùng tham gia và cùng thỏa thuận các chỉ tiêu dự án sao cho cả nhà nước, người dân và nhà đầu tư đều có lợi.
Việc thực hiện các dự án này cũng nên bắt đầu bằng tư duy kinh tế thị trường chứ không nên tư duy tập trung như kiểu xác định 3 hay 5 năm phải hoàn thành. TP đang làm một bài toán ngược là chưa xác định được nguồn kinh phí, chưa có phương án, chưa có nhà đầu tư nhưng lại yêu cầu thời gian hoàn thành bằng mệnh lệnh hành chính là điều phi lý.
"Riêng phương thức chọn nhà đầu tư, tôi vẫn cho rằng TP nên chọn theo hình thức đấu thầu, dù theo quy định thì thời gian sẽ dài hơn. TP cũng không nên nôn nóng phải hoàn thành cho xong mà quan trọng là lợi ích mang lại cho người dân, cho TP và cho nhà đầu tư như thế nào. Nếu chỉ định thầu sẽ nhanh hơn, nhưng nếu sau này đội giá thì tiền đó đi đâu không ai biết", KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.