Được ký kết năm 2010 giữa hai tổng thống khi đó là Barack Obama và Dmitry Medvedev,
hiệp ước giới hạn số đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Nga và Mỹ có thể triển khai - tức sẵn sàng sử dụng ngay lập tức. Các vũ khí hạt nhân cất trong kho gọi là "không triển khai".
Nga và Mỹ sở hữu 90% vũ khí hạt nhân của thế giới.
Theo hiệp ước, mỗi nước cam kết triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược, và tối đa 700 tên lửa tầm xa và oanh tạc cơ có thể mang vũ khí hạt nhân.
Mỗi bên có thể tiến hành tối đa 18 cuộc thanh tra các địa điểm hạt nhân chiến lược mỗi năm để đảm bảo tuân thủ giới hạn.
Hiệp ước có hiệu lực vào năm 2011, và đến năm 2011 được triển hạn thêm 5 năm.
Động thái đình chỉ mà ông Putin vừa tuyên bố có tác động như thế nào?
Bộ Ngoại giao Nga cho biết sẽ tiếp tục tuân thủ các hạn chế của hiệp ước về triển khai đầu đạn hạt nhân, nhưng việc đóng băng hiệp ước có thể đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ khó giám sát việc tuân thủ hơn.
Nga đã tạm dừng thanh tra các địa điểm có vũ khí hạt nhân và ngừng tham gia một ủy ban tư vấn song phương. Theo các chuyên gia, tình hình sẽ nghiêm trọng hơn nếu Tổng thống Putin ngừng báo cáo, trao đổi dữ liệu thường lệ về các hoạt động vũ khí hạt nhân và các diễn biến liên quan.
Ông John Erath, giám đốc chính sách cấp cao của Trung tâm kiểm soát và không phổ biến vũ khí, bình luận trong một cuộc phỏng vấn với Washington Post rằng động thái này "hoàn toàn mang tính biểu tượng".
Ông nhận định rằng Tổng thống Putin đưa ra thông báo này nhằm gây áp lực buộc Tổng thống Joe Biden phải tiếp cận Nga về việc chấm dứt xung đột ở Ukraine, "để Nga có thể đưa ra các điều khoản" mà theo đó các bên phải tuân theo.
Còn theo ông Andrey Baklitskiy, một nhà nghiên cứu cấp cao về vũ khí hủy diệt hàng loạt và chương trình vũ khí chiến lược tại Viện Nghiên cứu Giải trừ Quân bị của LHQ, động thái mới nhất của Nga là một vấn đề lớn. Ông cho rằng đình chỉ hiệp ước không bằng rút khỏi hiệp ước nhưng trên thực tế, điều đó sẽ đến rất gần theo thời gian.
Ông Baklitskiy nói rằng dù Nga hiện có thể sẽ tuân thủ các giới hạn của hiệp ước, nhưng Mỹ sẽ khó xác minh điều này và Mỹ cũng sẽ đình chỉ các nghĩa vụ của mình.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho biết quyết định của Nga mang tính chính trị và có thể dễ dàng thay đổi nếu quan hệ chính trị tổng thể thay đổi. Ông nhấn mạnh: "Vì hiệp ước vẫn còn tồn tại, việc quay trở lại thực thi sẽ rất đơn giản. Tất nhiên, vấn đề là không có sự thay đổi nào trong quan hệ chính trị trước mắt".
Bình luận (0)