Tác động gì sau khi OPEC+ cắt giảm thêm gần 1,2 triệu thùng dầu/ngày?

04/04/2023 15:18 GMT+7

Việc OPEC+ thông báo sắp cắt giảm thêm 1,16 triệu thùng dầu/ngày gây ra một số tác động đáng kể đến thị trường dầu mỏ, và có nguy cơ dẫn đến lạm phát.

Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) cuối tuần qua bất ngờ thông báo các nước thành viên, bao gồm Nga, đã đồng ý nâng mức cắt giảm dầu thô từ 2 triệu lên 3,66 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 3,7% nhu cầu toàn cầu, theo hãng tin Reuters.

Việc cắt giảm sẽ được thực hiện từ tháng 5 đến cuối năm nay, theo thông báo được đưa ra ngày 2.4. Việc cắt giảm được dự báo sẽ gây ra một số tác động đáng kể đến thị trường dầu mỏ.

Ổn định giá dầu

Ả Rập Xê Út, nước dẫn đầu OPEC+ cho biết việc cắt giảm sản lượng tự nguyện được thực hiện như một biện pháp phòng ngừa nhằm ổn định thị trường, tránh giá dầu trượt sâu hơn, theo hãng tin AP.

Giá dầu tăng do OPEC bất ngờ giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng/ngày, Mỹ phản ứng

Thông báo của Ả Rập Xê Út phù hợp với bối cảnh giá dầu đã giảm từ mức cao hơn 120 USD (2,8 triệu đồng)/thùng vào mùa hè năm ngoái xuống còn 73 USD vào tháng 3.

Theo các nhà phân tích, việc giá dầu giảm xuống gần 70 USD/thùng sẽ ảnh hưởng nhiều đến các nước sản xuất loại năng lượng này. Riêng đối với Ả Rập Xê Út, nước này cần doanh thu cao từ dầu mỏ để hỗ trợ các kế hoạch phát triển đầy tham vọng nhằm đa dạng hóa nền kinh tế, theo tờ The New York Times.

Sau quyết định bất ngờ của OPEC+, giá dầu đã tăng vọt. Trong đó, các giao dịch dầu thô Brent chuẩn quốc tế được thực hiện ở mức khoảng 85 USD, tăng 6% so với ngày trước đó.

Tính toán và rủi ro từ việc OPEC+ cắt giảm thêm gần 1,2 triệu thùng dầu/ngày - Ảnh 1.

OPEC+ sẽ cắt giảm thêm 1,16 triệu thùng dầu mỗi ngày kể từ tháng 5

REUTERS

Ngoài ra, việc cắt giảm cũng sẽ trừng phạt những người chuyên bán khống hoặc trông chờ vào giá dầu giảm. Vào năm 2020, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, đã cảnh báo các nhà giao dịch đừng trông chờ giá dầu giảm và cam kết sẽ làm cho giá thị trường tăng vọt.

Ngăn nguy cơ suy thoái?

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak nói rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng phương Tây là một trong những lý do đằng sau việc cắt giảm. Ngoài ra, theo ông, quyết định cắt sản lượng dầu nhằm giải quyết mức giá trần do Mỹ và đồng minh áp đặt đối với dầu Nga, Reuters đưa tin.

Tính toán và rủi ro từ việc OPEC+ cắt giảm thêm gần 1,2 triệu thùng dầu/ngày - Ảnh 2.

Mỏ dầu khí đá phiến Vaca Muerta ở tỉnh Neuquen, Argentina

REUTERS

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của công ty Redburn (Mỹ), quy mô của đợt cắt giảm mới nhất có lẽ đã "hơi quá mức" và có thể dẫn đến một cuộc suy thoái toàn cầu lớn hơn.

Theo AP, giá dầu quá cao gây rủi ro cho OPEC+ khi chúng đẩy nhanh lạm phát, ở cả những mặt hàng mà nhóm này cần mua. Bên cạnh đó, việc giá dầu leo dốc cũng khiến các thành viên ngoài OPEC+ tăng sản lượng nhanh hơn hoặc đầu tư vào các nguồn năng lượng thay thế.

Ông Peter McNally, chuyên gia về năng lượng tại tập đoàn Third Bridge (Anh) cho rằng đợt cắt giảm sản lượng mới nhất sẽ có tác động lớn hơn vì nó trùng với nhu cầu tăng cao trong mùa hè, đài ABC News đưa tin.

Theo ông Jorge Leon, phó chủ tịch công ty Rystad Energy (Na Uy), việc cắt giảm, nếu được thực hiện đầy đủ, sẽ siết chặt hơn nữa thị trường dầu và có thể đẩy giá dầu lên khoảng 10 USD/thùng, khiến giá dầu Brent quốc tế đạt mức 110 USD/thùng vào mùa hè này.

“Những mức giá cao hơn như vậy có thể thúc đẩy lạm phát toàn cầu trong một chu kỳ buộc các ngân hàng trung ương phải tiếp tục tăng lãi suất, điều này sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế”, theo ông Leon.

Thêm căng thẳng với Mỹ

Washington đã phản đối động thái mới nhất của OPEC+. Trước đó, phương Tây cũng nhiều lần chỉ trích OPEC thao túng giá cả và đứng về phía Nga.

Hiện Mỹ đang xem xét thông qua đạo luật được gọi là NOPEC, cho phép tịch thu tài sản của OPEC trên lãnh thổ Mỹ nếu chứng minh được OPEC có hành vi thông đồng để điều chỉnh thị trường, theo Reuters.

Đáp lại, OPEC+ đã chỉ trích việc Mỹ đã giải phóng kho dự trữ dầu của nước này vào năm ngoái, nhằm ngăn giá dầu tăng vọt. Theo OPEC+, việc này đã ảnh hưởng việc sản xuất của tổ chức.

Các chuyên gia từ 2 tập đoàn tài chính hàng đầu của Mỹ là Goldman Sachs và JPMorgan còn cho rằng quyết định giảm sản lượng của OPEC+ được đưa ra nhằm xử lý việc Mỹ rút lại quyết định mua dầu từ tổ chức này để lấp đầy kho dự trữ mà nước này đã giải phóng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.