Tác động tích cực từ các động thái gỡ vướng cho dự án BĐS

13/10/2023 09:00 GMT+7

“Gỡ vướng bất động sản” là một trong những từ khóa được Chính phủ cũng như các Sở, ban ngành đặc biệt quan tâm từ thời điểm cuối năm 2022 nhằm tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Sự quyết liệt, mạnh mẽ chưa từng có

Trước những khó khăn, khủng hoảng của thị trường BĐS, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã tích cực vào cuộc để tìm ra giải pháp tháo gỡ, từ việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp (DN), cho đến hàng loạt Nghị quyết, Nghị định, Công điện, Thông tư được ban hành như Nghị quyết số 33/NQ-CP, Nghị định 08/NĐ-CP (chào bán trái phiếu), Nghị định 10/NĐ-CP (sổ hồng cho condotel), Nghị định 35/NĐ-CP, Công điện 194/2023/CĐ-TTg, Công điện số 469/2023/CĐ-TTg (tháo gỡ khó khăn bất động sản về xác định giá đất, nhà ở xã hội),…

Tác động tích cực từ các động thái gỡ vướng cho dự án BĐS - Ảnh 1.

Nhiều chính sách, động thái gỡ vướng đã được chính quyền địa phương và Tổ công tác triển khai từ cuối năm 2022

Đến nay, TP.HCM đã gỡ vướng cho 67 dự án bất động sản, tương đương 37,2% so với số lượng 180 dự án ban đầu. Tại Hà Nội đã giải quyết được 419 dự án, tương đương 58,8% so với 712 dự án ban đầu, đang chỉ đạo giải quyết cho 293 dự án. Tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Thuận cũng đang tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các dự án.

Là cửa ngõ của miền Nam với hệ thống đường xương sống quốc gia như đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; trục quốc lộ 1A nối các tỉnh miền Trung, Đông Nam Bộ với TP.HCM; sở hữu các KCN lớn như Nhơn Trạch III, Giang Điền, Amata, Bàu Xéo, Sông Mây, Đồng Nai là một trong những địa phương thu hút giới đầu tư cũng như các dự án BĐS quy mô lớn. Vì vậy, địa phương cũng được xem là điểm "nóng" cần tập trung tháo gỡ vướng mắc.

Hầu hết khó khăn mà các DN và dự án trên địa bàn tỉnh gặp phải đến từ tình trạng chưa có sự đồng bộ, thống nhất giữa quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết dự án đang triển khai thực hiện với quy hoạch chung tại địa phương, cũng như đồ án quy hoạch chi tiết dự án chưa bố trí NƠXH do các thay đổi trong quy định về phát triển quỹ đất NƠXH.

Bên cạnh đó, còn tồn tại một số vướng mắc khác như chưa có quy định mang tính tổng thể và thiết thực nhằm hỗ trợ các DN trúng đấu giá được rút ngắn các thủ tục đầu tư. Cụ thể, với trường hợp của Gem Sky World (CĐT là Công ty CP Đầu tư Kinh doanh BĐS Hà An, thuộc Đất Xanh Group) là dự án trúng đấu giá cũng vướng mắc do Nghị định 148/2020/NĐ-CP quy định bổ sung CĐT phải hoàn thiện đầu tư hạ tầng xã hội và hàng loạt các hạng mục trong dự án vẫn yêu cầu các thủ tục triển khai độc lập.

Đây đều được xem là những "cửa ải" khó giải quyết, khiến các dự án bị đình trệ trong thời gian dài, ảnh hưởng tiến độ triển khai dự án của DN.

Thời gian vừa qua, Tổ công tác đã trực tiếp đã làm việc để giải đáp, hướng dẫn đối với 7 dự án BĐS lớn, bao gồm dự án khu dân cư Long Hưng, khu đô thị dịch vụ thương mại cù lao Phước Hưng (CĐT Donacoop); khu đô thị Đồng Nai Waterfront (CĐT Công ty cổ phần đầu tư Nam Long); khu đô thị Aqua City (CĐT Tập đoàn Novaland); khu đô thị du lịch Nhơn Phước và dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ, cao ốc văn phòng kết hợp khu dân cư tại phường Hố Nai (CĐT Tập đoàn Hưng Thịnh); dự án Khu đô thị sinh thái Long Tân (CĐT Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIC). Đồng thời, liên tục giám sát, chỉ đạo để tiếp tục giải quyết cho các dự án còn gặp khó khăn, vướng mắc tồn đọng trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, việc gỡ khó cho các CĐT sở hữu quỹ đất đấu giá góp phần tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh thông qua nguồn thu từ khai thác quỹ đất. Đồng thời, hỗ trợ tỉnh Đồng Nai thu hút nhiều nhà đầu tư "xứng tầm" để phát triển các dự án giúp hiệu quả sử dụng đất được tối ưu.

Các biện pháp tháo gỡ khó khăn tới thị trường BĐS: cần sự đẩy nhanh và đồng bộ hơn nữa

Đối với thị trường BĐS, các động thái tháo gỡ khó khăn sẽ góp phần tăng cường niềm tin cho thị trường bất động sản, bước đầu thị trường đã ghi nhận tín hiệu tích cực ngày càng rõ nét theo thời gian. Cụ thể vào những tháng cuối quý II và đầu quý III, đã xuất hiện thông tin các dự án mở bán tại một số địa phương như TP.HCM, Hải Phòng,… Nguồn cung sơ cấp cải thiện, và dù tỷ lệ hấp thụ chung của toàn thị trường vẫn đang ở mức thấp so với cùng kỳ các năm trước, nhưng tỷ lệ hấp thụ của năm 2023 đã tăng dần theo quý: quý 2 tăng hơn quý 1, quý 3 tăng hơn quý 2.

Tác động tích cực từ các động thái gỡ vướng cho dự án BĐS - Ảnh 2.

Gỡ vướng cho thị trường BĐS sẽ là tiền đề tạo đà cho các thị trường liên quan hồi phục

Đại diện một doanh nghiệp chia sẻ, Nghị quyết số 164/NQ-CP sau phiên họp Chính phủ thường kỳ vào tháng 9.2023 được xem như "kim chỉ nam", thể hiện một cách khá rõ ràng quan điểm và quyết tâm khôi phục thị trường BĐS từ phía Chính phủ, các bộ ngành, là "nguồn ô xy quý báu" đúng thời điểm, giúp cộng đồng doanh nghiệp không rơi vào bất ổn, kịp thời ngăn chặn nhiều hệ lụy xấu ảnh hưởng đến nguồn lực tài chính, đến đà phát triển của quốc gia cũng như năng lực cạnh tranh của DN và an sinh xã hội.

Thời gian qua, Đồng Nai là một trong số ít địa phương tích cực hành động quyết liệt trong việc tháo gỡ nút thắt tại các dự án BĐS nhưng vẫn tuân thủ quy định, góp phần hài hòa, minh bạch môi trường đầu tư. Đây được xem là động thái khuyến khích, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN sở hữu dự án tại địa phương.

Tuy nhiên, thị trường BĐS vẫn còn tồn tại những vấn đề đã kéo dài hàng chục năm không thể xử lý trong "một sớm một chiều". Vì vậy, cần đẩy nhanh tốc độ hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc nhiều hơn hơn nữa cho bản thân DN và các dự án BĐS. Thị trường BĐS hồi phục sẽ tạo đà cho các thị trường khác khởi sắc, nhất là thị trường vật liệu xây dựng, trang trí nội thất… Những biện pháp đồng bộ để phát triển thị trường như kích thích sức mua, tạo điều kiện để DN tiếp cận nguồn vốn, khuyến khích CĐT cung cấp sản phẩm mới với chính sách bán hàng ưu đãi, có mức giá phù hợp,… nên được ưu tiên.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.