Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, GS Robert K.Brigham (nhà nghiên cứu sử học của Trường đại học Vassar ở New York, Mỹ) và TS Mark Moyar (Giám đốc dự án Lịch sử ngoại giao và quân sự - Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, Mỹ); GS Pierre Asselin (chuyên ngành sử học - Đại học San Diego State) đã đưa ra những đánh giá về cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968 đối với chính giới và chính sách Mỹ khi đó.
tin liên quan
50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968: Bồi đắp ý chí quật cường cho thanh niênCuộc tấn công Tết Mậu Thân đã ảnh hưởng thế nào đến chính giới Mỹ?
GS Brigham: Cuộc tấn công đã khiến tổng thống Mỹ khi đó là Lyndon Johnson hiểu rằng nếu ông muốn tiếp tục làm chủ Nhà Trắng thì phải tiến hành các bước đàm phán hòa bình. Có thể, ông Johnson khi đó vẫn âm thầm hy vọng được tái ứng cử chức tổng thống Mỹ, nhưng ông cũng biết rằng công chúng thất vọng với chính sách của ông. Cuộc tấn công Tết Mậu Thân là giọt nước tràn ly dẫn đến sự khơi dậy việc chống chiến tranh trong Quốc hội và những người nắm giữ phiếu bầu.
TS Moyar: Cuộc tấn công đã khiến cho quan chức Mỹ hiểu rằng đối phương mạnh hơn rất nhiều so với những gì Nhà Trắng nghĩ, chiến tranh sẽ còn bế tắc trong tương lai. Nên nhiều quan chức tham vấn Tổng thống Johnson giảm bớt tần suất ném bom miền Bắc Việt Nam, đồng thời thực hiện các cách thức khác để hạn chế sự tham gia của các lực lượng Mỹ. Cuộc tấn công Tết Mậu Thân đã làm suy giảm sự ủng hộ dành cho Tổng thống Johnson trong cuộc chiến ở Việt Nam, nên góp phần khiến cho ông không thể tái ứng cử sau đó.
GS Asselin: Cuộc tấn công đã làm dấy lên làn sóng phản chiến trên khắp nước Mỹ. Thực tế đã chứng minh những người cộng sản có tổ chức tốt, tính kỷ luật cao và khả năng cũng vượt khỏi những gì Washington từng đánh giá. Điều này chứng minh sự thất bại của Mỹ. Tác động càng lớn hơn khi chỉ vài tuần trước đó, Tổng thống Johnson tuyên bố cho rằng đã có những cuộc tấn công hiệu quả nhằm thu hút sự ủng hộ của công chúng Mỹ đối với sự can thiệp quân sự từ Washington. Cũng trước đó, báo cáo của đại tướng William Westmoreland, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Cố vấn quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam (MACV), đánh giá tình hình quân sự và chính trị ở miền Nam Việt Nam đã được “cải thiện” nên “chiến thắng nằm trong tầm tay”. Chính vì vậy, những gì xảy ra thực tế đã phá tan sự tín nhiệm dành cho chính quyền của Tổng thống Johnson và đặt ra câu hỏi về lực lượng quân sự Mỹ tại Việt Nam.
Sau sự kiện trên, Mỹ có thay đổi chính sách hay không? Và nếu có thì thay đổi thế nào, ảnh hưởng ra sao?
GS Brigham: Về cơ bản thì Mỹ không thay đổi ý nghĩ rằng Bắc Việt phải gánh chịu một hậu quả nào đó. Tuy nhiên, Mỹ cũng âm thầm tiến hành đàm phán Paris với Bắc Việt sau cuộc tấn công Tết Mậu Thân, nhưng không điều gì thực sự đạt được cho đến năm 1972 - khi ông Henry Kissinger (khi đó đang là Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ - NV) thừa nhận những điểm mấu chốt của chiến tranh Việt Nam.
TS Moyar: Sau những gì xảy ra vào đầu năm 1968, Tổng thống Johnson đã gần như ngưng chiến dịch oanh kích Sấm rền nhằm vào miền Bắc Việt Nam và chỉ còn đánh phá những khu vực sát miền Nam. Ông đã hy vọng rằng việc giảm đánh bom sẽ kéo Hà Nội vào bàn đàm phán. Nhưng cũng như những lần ngưng đánh bom trước đó, Washington vẫn tỏ ý sẽ lại không kích nếu hai bên không thể đàm phán. Bên cạnh đó, Mỹ không hề giảm bớt số lượng binh sĩ tại Việt Nam.
GS Asselin: Ngày 30.3.1968, một kết quả đến từ cuộc tấn công đã xảy ra, đó là việc Tổng thống Johnson tuyên bố không chạy đua làm chủ Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa. Điều đó có nghĩa là ông từ bỏ hy vọng giành được chiến thắng ở Việt Nam. Tổng thống này cũng tuyên bố tạm ngưng các vụ ném bom kể từ ngoài vĩ tuyến 20. Khi chiến thắng quân sự không còn là lựa chọn, Nhà Trắng chỉ còn cách duy nhất là tiến hành đàm phán. Sau cuộc tấn công Tết Mậu Thân, mục tiêu của Washington ở Việt Nam chỉ còn là “hòa bình và danh dự”.
Ông suy nghĩ thế nào về bước ngoặt do cuộc tấn công Tết Mậu Thân tạo ra?
GS Brigham: Tôi không nghĩ rằng sự kiện trên là một bước ngoặt quan trọng nhất trong chiến tranh Việt Nam - vốn là một câu chuyện rất dài với nhiều bước ngoặt. Điển hình như các buổi điều trần Fulbright (các chương trình điều trần về chiến tranh Việt Nam do Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ tổ chức và thường được chủ trì bởi thượng nghị sĩ J.William Fulbright - NV) cũng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Những buổi điều trần này đã làm rõ cho công chúng Mỹ thấy chính sách của Nhà Trắng. Và hầu hết các cuộc chạm trán quân sự quy mô lớn cũng đều có ý nghĩa vì đã chứng minh Washington không thể biến sức mạnh quân sự áp đảo trở thành thứ đảm bảo cho chính sách chính trị.
TS Moyar: Thực sự, bên cạnh quyết định của Tổng thống Johnson không tái tranh cử thì cuộc tấn công Tết Mậu Thân không ảnh hưởng quá nhiều đến chính sách của Mỹ. Bởi từ trước đó, người Mỹ đã bắt đầu quá mệt mỏi với cuộc chiến ở Việt Nam và đang muốn dần chuyển giao trách nhiệm quân sự cho quân đội Sài Gòn. Việc bàn giao sau đó bắt đầu diễn ra dưới thời Tổng thống Richard Nixon (người giữ vị trí tổng thống Mỹ từ năm 1969 - 1974).
GS Asselin: Tôi nghĩ rằng cuộc tấn công Tết Mậu Thân đã trở thành bước ngoặt trong cuộc chiến cho cả hai phía. Về phía Mỹ, nước này buộc phải xác định lại mục tiêu và chiến lược trong cuộc chiến như đã đề cập ở trên. Ở phía ngược lại, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thiệt hại quá lớn trong cuộc tấn công, nên lực lượng bộ đội từ miền Bắc phải chiến đấu nhiều hơn.
|
Bình luận (0)