Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết giao mùa là lúc nhiệt độ thay đổi, nóng lạnh, nắng mưa bất thường nên những người có hệ miễn dịch yếu sẽ dễ mắc bệnh.
Giữ cho cơ thể khỏe mạnh bằng cách tăng cường vận động để nâng cao thể trạng. Ăn đầy đủ chất và các nhóm chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng, nhất là các thức ăn có nhiều vitamin, rau xanh, hoa quả tươi hay một số loại gia vị có tính ấm như gừng, tỏi, nghệ, tiêu, quế… Theo bác sĩ Vũ, gia vị là một trong những dược liệu tự nhiên giúp tăng sức đề kháng mà dân gian đã sử dụng và lưu truyền hàng chục thế kỷ qua.
Gừng
Gừng là loại thực vật được sử dụng phổ biến như một loại gia vị trong ẩm thực và là dược liệu chữa bệnh. Theo y học hiện đại gừng có nhiều tác dụng ở đường hô hấp, tiêu hóa, tuần hoàn, cơ xương khớp, thần kinh,… có đặc tính kháng viêm mạnh mẽ, rất quan trọng cho sức khỏe tim mạch. Do đó, sử dụng gừng giúp phòng các bệnh về đường hô hấp.
Đặc tính chống viêm của gừng cũng giúp hỗ trợ điều trị viêm khớp, phong thấp, bệnh gout và nhiều vấn đề khác liên quan đến cơ xương khớp. Gừng còn có tác dụng giảm căng thẳng, lo âu, chóng mặt, xoa dịu cơn đau đầu,…
Quế
Quế là loại gia vị có tính ấm. Thành phần chính của quế gồm cinnamaldehyde, các chất chống oxy hóa polyphenol mạnh với đặc tính kháng viêm, kháng khuẩn, kháng virus.
Đặc biệt, quế chứa dược tính chống oxy hóa cao hơn cả bạc hà và gừng. Vì thế, quế cũng là thảo dược tăng cường hệ miễn dịch hiệu quả, giúp phòng ngừa và giảm triệu chứng bệnh cảm mạo. Theo y học cổ truyền quế có tác dụng bổ hỏa, hồi dương, ấm thận tỳ, thông huyết mạch, trừ hàn tích.
Tỏi
Tỏi là gia vị không thể thiếu trong các bữa ăn hằng ngày. "Trong củ tỏi có 3 hoạt chất chính là allicin, liallyl sulfide và ajoene. Allicin là hoạt chất mạnh nhất và quan trọng nhất của tỏi. Allicin không hiện diện sẵn trong tỏi. Tuy nhiên, khi được cắt mỏng hoặc đập dập, chất aliin có sẵn trong tỏi biến thành allicin. Allicin là một chất kháng sinh tự nhiên rất mạnh", bác sĩ Vũ phân tích.
Tỏi và các chế phẩm từ tỏi có nhiều công dụng tốt như chống ung thư, chống xơ vữa động mạch, kháng khuẩn, kháng nấm...
Nghệ
Nghệ vàng được trồng khá phổ biến tại Việt Nam để làm gia vị và làm thuốc. Củ nghệ là bộ phận được sử dụng làm dược liệu. Thành phần chủ yếu của nghệ là curcumin có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa hiệu quả. Ngoài ra, curcumin được sử dụng để giảm đau, viêm xương khớp hiệu quả.
"Nhiều nghiên cứu cho thấy,sử dụng curcumin từ nghệ có khả năng kích hoạt các tế bào T và tế bào B, tăng cường đáp ứng kháng thể của cơ thể, từ đó hỗ trợ hệ miễn dịch khỏe mạnh. Vì thế, bổ sung curcumin từ nghệ giúp tạo bức tường thành vững chắc ngăn các triệu chứng cảm cúm, cảm lạnh", bác sĩ Vũ phân tích.
Hạt tiêu đen
Hạt tiêu là loại gia vị được sử dụng phổ biến trong ẩm thực. Hạt tiêu chứa các chất như tinh dầu, piperin và chanvixin,… Piperin là một chất có khả năng chống oxy hóa rất mạnh.
Khi vào cơ thể, piperin có khả năng chống viêm, ngăn chặn sự tấn công của vi khuẩn và giảm đau nên giúp chống nhiễm trùng ở đường hô hấp, đường tiêu hóa, giảm sưng viêm khớp, khắc phục các vấn đề về răng lợi như sâu răng, viêm nướu… Nhờ đặc tính ấm, chúng có khả năng ngăn ngừa chướng bụng, đầy hơi.
Theo y học cổ truyền hạt tiêu có tác dụng trừ đờm, hạ khí, giảm đau, kháng khuẩn, trừ hàn.
Bình luận (0)