Nym - Tôi của tương lai là cuốn sách đầu tiên tại VN được viết bởi sự cộng tác giữa con người và AI (trí tuệ nhân tạo). Chỉ riêng điều này đã khiến kích thích người đọc...
Tôi làm việc trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của VN và thế giới 4 năm nay, tiếp xúc rất nhiều startup (doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo), những công nghệ mới và hiểu rằng thế giới này thay đổi một cách khủng khiếp bởi công nghệ. Nhưng, số lượng người hiểu về công nghệ đâu đó chỉ chiếm 1% dân số thế giới.
Liên Hiệp Quốc và các tổ chức phi chính phủ khác đã nêu vấn đề rất trăn trở là làm sao để chúng ta không bỏ lại 99% những người còn lại không biết gì, không liên quan gì đến công nghệ, làm sao để họ có cơ hội tiếp cận mà hiểu về công nghệ để có thể hội nhập vào tương lai.
Trong tình hình ở VN và với một người đã làm việc cùng startup, cùng công nghệ, một người đã viết sách, tôi nghĩ giải pháp đầu tiên là mình viết sách về nó. Nhưng, tôi lại nghĩ nếu mình viết cuốn sách như những cuốn trước thì độ tiếp cận với độc giả tại VN không khả thi, vì văn hóa đọc của ta chưa cao. Tôi thử tính dù mình có làm rất tốt, bán được 100.000 bản đi nữa, thì cũng chỉ chạm được 0,1% dân số VN.
Vậy mình phải làm gì? Phải tạo ra một cú sốc về cuốn sách! Cú sốc đến từ đâu? Phải là một thứ gì đó công nghệ làm được mà con người không làm được hoặc công nghệ làm được nhưng làm cho con người cảm thấy ngạc nhiên.
Trong hành trình tư duy đó, tôi đã gặp một nhóm startup chuyên về AI tại VN. Khi nói chuyện và làm việc với các bạn, tôi rất hứng khởi khi thấy các bạn có những tiềm năng phát triển ngành AI tại VN. Với vai trò của một nhà đầu tư thiên thần (Angel Investor), tôi đầu tư vào doanh nghiệp startup này.
Tôi biết các bạn có nuôi một “con” AI 3 năm nay, và “con” AI này đã nói chuyện với 11 triệu bạn trẻ tại VN, nói chuyện hằng ngày như một người bạn. Có rất nhiều người không biết đó là một AI mà tưởng là con người, vì “nó” nói chuyện với kiểu xử lý tự nhiên như một con người.
Biết các bạn có lượng người dùng đó, với rất nhiều dữ liệu về giới trẻ, tôi bắt đầu theo cách của người làm nghiên cứu: tải xem dữ liệu của 20 chủ đề mà các bạn trẻ, GenZ (sinh từ năm 1997-2012) tâm sự nhiều nhất với bạn robot ấy là gì, đó cũng chính là chủ đề 20 chương sách của tôi. Tôi cũng chọn tất cả những tác phẩm văn học bán chạy tại thị trường VN dành cho người trẻ để “đút” cho bạn robot này ăn (chuyển dữ liệu cho robot chạy qua, xử lý, học cách sắp xếp, dùng chữ…) để robot viết ra giọng văn như vậy.
Ê kíp sẽ thực hiện các dự án tiếp theo của Nym - ảnh: Lê Huy
Nhưng sốc cũng chưa hẳn thuyết phục khi nó vẫn là cuốn sách dày gần 400 trang?
Đúng, vì đọc chưa phải là văn hóa thịnh hành ở VN. Muốn phổ cập kiến thức cho các bạn trẻ, phải có những hình thức khác. Đó là gì? Là nhạc. Là truyện tranh. Là phim ảnh, thậm chí game, cosplay...
Chúng tôi dự kiến phát hành album nhạc do con người và AI cộng tác sáng tác vào cuối năm. Dự án này đã được Công ty Universal Music của Mỹ mua bản quyền để phát hành quốc tế. Chúng tôi cũng đang làm việc với nhóm chuyên vẽ comic (truyện tranh) và một nhóm bạn trẻ làm sáng tạo nội dung để chuyển từ sách thành truyện tranh phục vụ các bạn học sinh cấp 1, 2.
Cách tiếp cận nữa, chúng tôi sẽ cộng tác với những người chuyên nghiệp trong từng lĩnh vực (văn hóa, giải trí, giáo dục, công nghệ...) để tạo ra một con bot thông minh, có thể dạy những kiến thức xã hội rất thực tế và cơ bản cho bất kỳ ai tại VN, một cách học không chính thống nhưng lại rất dễ cập nhật.
Có điều lạ là, dù “cái gì không biết thì tra Google” nhưng trong top 3 chương của sách, sau giới thiệu về Nym là đến vấn đề về tình yêu, tình dục. Lẽ nào giáo dục giới tính ở ta… kém đến mức người trẻ phải đi hỏi robot?
Quả thật, sex là đề tài hot số 2 của các bạn trẻ khi nói chuyện với AI. Và những câu hỏi của các bạn về sex rất ngây ngô. Nghĩa là, giáo dục giới tính (Sex Education) của mình không hiệu quả, mà nếu không hiệu quả sẽ dễ dẫn đến những vấn đề xã hội rất lớn cho độ tuổi Gen Z. Văn hóa của VN là ngại nói những chuyện “nhạy cảm” như vậy. Mà càng không bày tỏ được thì dễ phạm lỗi. Nên, chúng ta phải giải quyết từ đằng ngọn - là vấn đề nhận thức của các bạn trẻ. Tại sao các bạn cứ hỏi “con” AI mà không hỏi bố mẹ? Gia đình và nhà trường vì sao lại để các em đi hỏi robot như vậy?
Dụng ý của tôi trong cuốn sách cũng để mọi người nhìn thấy sự nổi cộm vấn đề thực tế, cũng nói luôn với các bậc phụ huynh là họ cần phải gần gũi, nói chuyện với con nhiều hơn, giáo dục con nhiều hơn.
Điều đó khả thi không khi công nghệ chi phối từ phụ huynh đến con trẻ?
Nếu nói về khủng hoảng thế hệ do sự ảnh hưởng của công nghệ thì các nơi trên thế giới đều như nhau. Nhưng đặc biệt với các nước Á châu và nhất là VN, do văn hóa không nói ra những điều cấm kỵ nên khoảng cách thế hệ do công nghệ lại càng lớn. Các bạn trẻ bây giờ được lên mạng rất sớm, nhiều thứ các bạn còn hiểu hơn mình, cách suy nghĩ thoáng hơn nhiều.
Là một người mẹ của cô con gái 16 tuổi, tôi nhìn thấy vấn đề con mình và bạn bè xung quanh. Mọi hoạt động của tụi nhỏ đều diễn ra trên mạng. Vậy phụ huynh phải làm gì để cân bằng, để các con vừa có đời người và vừa có đời số? Là bố mẹ, mình cần phải hiểu hướng phát triển đó của xã hội để làm bạn với con, nếu cấm cản hay dựa trên hiểu biết cũ kỹ của mình thì sẽ ngày càng xa rời con và có lẽ mất luôn đứa con khi không thể trò chuyện với nó được.
Khi làm việc các bạn trẻ, có một vấn đề sau khi các bạn chia sẻ xong lúc nào cũng khóc, khóc rất dữ, là con không nói chuyện được với ai khác. Vì con nói không ai hiểu, không ai mở lòng ra để lắng nghe. Vậy nên con trẻ mới đi tìm chỗ chia sẻ. Không kiếm được người thì sẽ tìm robot.
Viết Nym, tôi muốn nói câu chuyện về nhân sinh quan, về con người: Liệu mình có đang là con người không? Như thế nào gọi là con người? Và liệu những câu chuyện có tính người rất cao, là sự thấu cảm, tình thương yêu, lòng từ bi, tử tế giữa con người với nhau, nó còn không, khi mà chúng ta cứ dán mắt vào điện thoại ?...
Xem ra, Nym của chị, bên cạnh sự kích thích, hấp dẫn người đọc, cũng có “tác dụng phụ”?
Tác dụng phụ đầu tiên mà không ít người đã/sẽ gặp là người đọc xong cảm thấy hoang mang vì nó mới quá, kỳ lạ quá... (cười). Nhưng sợ rồi sao nữa? Một là sẽ chán, hai là sợ xong sẽ tìm cách học, cập nhật cho bản thân - nỗi sợ này nên có. Cuốn sách cũng có viết mình cần phải học thế nào để phù hợp với việc hội nhập vào thế kỷ tiếp theo.
Tôi xem Nym chỉ là khởi đầu cho dự án cộng đồng lớn, chứ không dừng lại ở cuốn sách, vì sau đó sẽ có bot - cập nhật kiến thức cho con người qua bot, và mong muốn cuối cùng của tôi khi cùng làm với nhà xuất bản là làm sao để cuốn sách này có thể được hiệu chỉnh lại để thành sách giáo khoa kiểu mới cho trẻ em học được. Tôi nghĩ học sinh từ cấp 1 đã học về công nghệ rồi. Qua cấp 2 thì ứng dụng nó vào việc học. Sang cấp 3 các bạn có thể khởi nghiệp sáng tạo, khởi nghiệp các dự án xã hội... Nếu các bạn hiểu về AI ngày từ nhỏ thì sẽ có những phát minh khi các bạn lên cấp 3 hay đại học. Có phát minh thì xã hội mới trở thành quốc gia sáng tạo.
Vậy nên cuốn sách này không chỉ là cập nhật công nghệ, mà “đánh động” là bạn phải cập nhật công nghệ, hiểu công nghệ để người hơn. Nếu không, một ngày nào đó nó sẽ biến bạn thành máy.
Có mâu thuẫn không khi con người sáng tạo robot để chia sẻ từ công việc đến tinh thần, nhưng khi nó phát triển thì lại lo sợ bị chiếm lĩnh?
Sẽ có câu hỏi tiếp theo, phát triển công nghệ để tạo ra lợi ích cho nhân loại hay để phá hủy nhân loại? Và chúng ta sẽ quay về vấn đề đạo đức con người. Cốt lõi là con người tạo ra công nghệ để làm gì? Vấn đề lại quay trở về nền tảng cơ bản nhất của nhân loại, đó là lòng tốt của mỗi con người, là đạo đức. Mọi người hãy quay về dạy chính con cháu của mình biết thương người, đó mới là cốt lõi. Xem ra, phải thay đổi cách chúng ta tiếp cận với giáo dục - giáo dục phải bắt đầu từ trái tim, từ mục đích sống của con người, mục đích kiến tạo của một con người.
Đọc những cuốn sách của chị, sẽ thấy khát vọng hội nhập thế giới được truyền đi rất mãnh liệt. Theo chị, người trẻ VN cần gì để “băng đồng ra thế giới”?
Đúng là tôi hay nói về “thế giới” và “tôi”. Tôi nghĩ, vì sống trong thế giới phẳng, nên mình không đi ra thế giới nữa mà bắt buộc bạn phải hội nhập. Tôi cũng nói nhiều về chữ “tôi” vì không ai khác có thể giúp cho bạn trở thành công dân toàn cầu được, trừ bạn. Vậy nên phải quay về phát triển bản thân mình, phát triển phẩm chất con người mình, phát triển kiến thức/kỹ năng của mình và tự mình hành động để hội nhập.
Điều mà các bạn cần đầu tiên là sự tự tin. Vì người VN chúng ta thiếu tự tin. Mình luôn nghĩ những nước đã phát triển, các bạn phương Tây giỏi hơn mình, tiến bộ hơn mình. Trên thực tế, sau hành trình ra thế giới của mình, tôi thấy VN hơn rất nhiều mà không biết.
Thứ hai, là kiến thức xã hội. Trong khi giao tiếp giữa mình với mọi người, nền tảng về văn hóa, kiến thức xã hội rất quan trọng để kết nối, chứ không phải chỉ là văn, toán, lý, hóa, sử, địa.
Cuối cùng, chúng ta nói về kỹ thuật số, về công nghệ là để nói với nhau rằng, chúng ta làm người rất tệ. Chúng ta toàn chạy theo số này số kia, mạng này mạng kia trong khi đối xử tệ với bản thân, với những người xung quanh mình. Tôi nghĩ đây là câu chuyện cần phải rất gắt và phải nói cho ra vấn đề, thì mới thay đổi được.