Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, người cuối cùng của thế hệ thi nhân tiền chiến 1930 - 1945 đã qua đời ngày 22.11 tại Hà Nội ở tuổi 100. Nhắc đến tên ông, nhiều thế hệ học sinh, giáo viên suốt mấy chục năm qua đều không thể không nhớ bài thơ Cô giáo lớp em nhiều năm liên tiếp được tái bản trong sách giáo khoa.
Sáng nào em đến lớp
Cũng thấy cô đến rồi
Đáp lời “Chào cô ạ!”
Cô mỉm cười thật tươi.
Cô dạy em tập viết
Gió đưa thoảng hương nhài
Nắng ghé vào cửa lớp
Xem chúng em học bài.
Những lời cô giáo giảng
Ấm trang vở thơm tho
Yêu thương em ngắm mãi
Những điểm mười cô cho.
|
Có điều gì để Cô giáo lớp em sống mãi trong lòng người đọc suốt mấy thập niên qua? Vần thơ của Nguyễn Xuân Sanh có gì đặc biệt như thế?
Đang làm truyền thông, trú ở Q.Gò Vấp, TP.HCM, chị Nguyễn Song Trà (25 tuổi) còn nhớ như in từng câu trong bài thơ Cô giáo lớp em. Những ngày đi qua ngôi trường nào đó, hay những phút cùng người cháu của mình đang học tiểu học đọc bài, Cô giáo lớp em là bài thơ mà chị Trà và cả cháu cùng đọc thuộc.
“Tôi đã qua thời mình học lớp 1, lớp 2 được 18 năm rồi. Nhưng Cô giáo lớp em còn văng vẳng trong tôi. Những vần thơ giản dị, chân thực khiến tôi nhớ về những ngày đi học, đặc biệt là những năm đầu đến lớp. Hình ảnh cô giáo trong bài thơ đã gợi đến ký ức tuổi thơ của mình, nhớ về cô giáo cũ, người hiền từ đã dạy mình những nét chữ, những con số đầu tiên. Bài thơ ấy đã truyền nguồn cảm hứng cho các thế hệ học trò, gợi họ nhớ về những người đã dẫn dắt cho những bước trưởng thành. Qua đó, nhắc nhở họ biết trân quý hơn những người lái đò. Tôi tin rằng, không phải chỉ mình mà cả những ai đã từng đi qua năm tháng học trò cũng không khỏi bồi hồi, xúc động khi đọc bài thơ này”, chị Trà nói.
|
Với anh Phạm Văn Hậu, 34 tuổi, trú đường Bùi Hữu Nghĩa, Q.5, TP.HCM, Cô giáo lớp em có một sức sống mãnh liệt không kém. “Khi tôi còn ở tuổi học trò, có những bài thơ, đoạn văn mà cho đến bây giờ gần như thuộc nằm lòng. Như Cô giáo lớp em, Cái trống trường em, Ông đồ, Cây xoài của ông em… Những bài thơ, bài văn đó như một phần ký ức của tôi mỗi khi nhớ lại. Khi đi ngang qua trường học cũ, tôi vẫn nhẩm những dòng thơ xưa. “Sáng nào cô đến lớp, cũng thấy cô đến rồi, đáp lời chào cô ạ, cô mỉm cười thật tươi”. Câu từ giản dị mà trong sáng, đọc thôi là thấy ùa về cả những cảnh vật của lớp cũ, trường cũ, những ngày thơ bé mình cắp sách đến trường”, anh Hậu chia sẻ.
Với anh Nguyễn Hải Hưng, 37 tuổi, giáo viên dạy lái xe, người yêu thích đọc sách và sưu tầm sách báo cũ, trú số 19 đường 107, P.9, Q.8, TP.HCM, Cô giáo lớp em là một trong những bài thơ đẹp nhất mà anh còn nhớ. Cho đến tận bây giờ, mỗi dịp Ngày nhà giáo Việt Nam 20.11, anh đều chọn lọc những bài thơ xưa về hình ảnh người thầy để đọc lại và chia sẻ cho bạn bè đọc, trong đó, Cô giáo lớp em luôn là bài thơ khiến mọi người cảm động hơn cả.
|
|
“Cô dạy em tập viết. Gió đưa thoảng hương nhài. Nắng ghé vào cửa lớp. Xem chúng em học bài”. Đây là khổ thơ mà tôi thích nhất, nhớ nhất. Thuộc lòng tới tận bây giờ. Hằng ngày tôi vẫn đọc cho con nghe, khi đưa võng cho con ngủ. Đọc thơ tôi cứ tưởng tượng ra một cái lớp nhỏ xinh, trò ngồi viết, ngoài kia là nắng nhẹ, gió thoảng, hương nhài thơm, cô giáo hiền từ. Bài thơ ngắn nhưng câu vần súc tích, thể hiện đúng tình cảm của học trò với cô giáo của mình”, anh Hưng kể.
“Bài thơ Cô giáo lớp em còn đánh thức trong tôi nhiều kỷ niệm thời đi học. Mỗi khi mở ra hình ảnh trang sách cũ, là kỷ niệm tuổi thơ ùa về. Nhớ những ngày chuẩn bị vào năm học mới, mở cuốn sách giáo khoa tập đọc, thấy thơm mùi mực, lật từng trang từng trang mà lòng rạo rực. Sách giáo khoa xưa nhiều bài văn, bài thơ hay. Chỉ tiếc là sách giáo khoa bây giờ thiếu những bài nhẹ nhàng, dung dị mà sống mãi với thời gian như thế”, anh Hưng chia sẻ.
Cách đây 11 năm, ở tuổi 89, khi còn minh mẫn, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh chia sẻ với phóng viên Báo Thể thao Văn hóa rằng ông viết Cô giáo lớp em vào năm 1948 và không nhớ được đưa vào sách giáo khoa năm nào. Ông chỉ biết là nhiều em nhỏ là hàng xóm của ông, khi biết ông là tác giả bài thơ thì đọc thuộc lòng cho ông nghe và khiến ông rất cảm động. Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh thổ lộ chính ông cũng rất thích bài thơ Cô giáo lớp em và quả quyết đó hẳn là một bài thơ làm đẹp lòng tất cả các em học sinh, các thầy cô giáo và đẹp lòng cả với bạn đọc ở mọi lứa tuổi...
Bình luận (0)