Tác giả ‘Những vần thơ của quỷ Satan’ Salman Rushdie bị đâm

13/08/2022 14:35 GMT+7

Salman Rushdie - nhà văn nổi tiếng, từng đoạt các giải thưởng văn học hàng đầu thế giới với những tác phẩm tạo ra mối đe dọa chết người - đã bị tấn công trên sân khấu hôm 12.8.

Trước đó, Salman Rushdie dự tính có một buổi diễn thuyết tại Viện Chautauqua ở miền Tây New York, theo cảnh sát.

Rushdie được đưa vào bệnh viện bằng trực thăng và phải thở máy, không thể nói chuyện, người đại diện của nhà văn - Andrew Wylie - nói với The New York Times.

Wylie nói với báo giới: “Salman có thể sẽ bị mất một mắt; các dây thần kinh ở cánh tay của anh ấy bị đứt; gan bị đâm, tổn thương nặng”.

Nhà văn Salman Rushdie

CNN

Nghi phạm được xác định là Hadi Matar (24 tuổi) đến từ Fairview, bang New Jersey, chỉ huy lực lượng cảnh sát tiểu bang – thiếu tá Eugene J.Staniszewski cho biết trong một cuộc họp báo tối 12.8. Cảnh sát đang làm việc với FBI và chính quyền địa phương để xác định động cơ gây án.

Các nhà chức trách đang nỗ lực để có được lệnh khám xét nhà nghi phạm từ một số vật dụng tìm thấy tại hiện trường, bao gồm một chiếc ba lô và các thiết bị điện tử, Staniszewski cho biết. Cảnh sát tin rằng nghi phạm chỉ có một mình nhưng đang điều tra “để chắc chắn rằng đó là trường hợp duy nhất”, Staniszewski nói thêm.

Salman Rushdie, tiểu thuyết gia từng nhận án tử Hồi giáo, bị đâm khi diễn thuyết

Theo cảnh sát bang, nghi phạm nhảy lên sân khấu để đâm Rushdie vào cổ và bụng. Cảnh sát cho biết, các nhân viên và khán giả đuổi theo nghi phạm, đè anh ta xuống đất trước khi một quân nhân bắt giữ kẻ tấn công.

Rushdie được đưa lên trực thăng đến bệnh viện. Phó cảnh sát trưởng William Marucci của Sở cảnh sát nói với CNN vào tối 12.8 Rushdie đang được phẫu thuật tại một bệnh viện ở Tây Bắc Pennsylvania.

Henry Reese, người đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Pittsburgh, lên kế hoạch tham gia thảo luận với Rushdie cũng được đưa đến bệnh viện và điều trị vết thương trên khuôn mặt, sau đó xuất viện, cảnh sát cho biết. Tổ chức Pittsburgh được thành lập để “bảo vệ các nhà văn bị lưu đày dưới sự đe dọa”, theo trang web của Viện Chautauqua.

Các nhà chức trách đang làm việc với văn phòng biện lý quận để xác định mức độ buộc tội đối với nghi phạm. “Chúng tôi tiến hành thêm việc điều tra và xác định tình trạng của ông Rushdie”, Staniszewski nói.

Trong khi đó, cảnh sát ở Fairview đã phong tỏa con phố nơi ngôi nhà được cho là có liên quan đến nghi phạm, đồng thời không cho phép bất cứ ai, kể cả cư dân vào hoặc ra khỏi khu vực. Cư dân sau đó đã được phép ra vào, nhưng cảnh sát địa phương vẫn đóng bên ngoài ngôi nhà.

An ninh không được thắt chặt

Ban lãnh đạo Viện Chautauqua, nơi tổ chức sự kiện, đã bác bỏ các khuyến nghị trước đây nhằm tăng cường an ninh tại các sự kiện, hai nguồn tin nói với CNN.

Các nguồn tin - đều có kinh nghiệm về tình hình an ninh tại Chautauqua đưa ra các khuyến nghị trước đây - tiết lộ với CNN nhưng giấu tên vì họ không được phép nói công khai.

Khuyến nghị về các biện pháp an ninh cơ bản, chẳng hạn như kiểm tra túi xách và máy dò kim loại, đã bị từ chối vì ban lãnh đạo lo ngại điều đó sẽ tạo ra sự chia rẽ giữa diễn giả và khán giả, đồng thời sẽ thay đổi văn hóa tại Chautauqua. Không rõ liệu các biện pháp an ninh đó có ngăn được cuộc tấn công vào Rushdie hay không.

Một nhân chứng của vụ tấn công nói với CNN rằng không có cuộc khám xét an ninh hay máy dò kim loại nào tại sự kiện này. Nhân chứng giấu danh tính vì họ bày tỏ lo ngại cho sự an toàn cá nhân.

CNN đã liên hệ với Viện Chautauqua và ban lãnh đạo của tổ chức này để đưa ra bình luận nhưng không nhận được phản hồi.

Trên trang web của mình, Chautauqua cho biết các hình thức an ninh của họ có thể thắt chặt “tùy thuộc vào yêu cầu của nghệ sĩ và diễn giả”. Họ hướng dẫn khách chỉ mang theo túi nhỏ hoặc túi ni lông trong.

Tiến sĩ Michael E.Hill, Chủ tịch Viện Chautauqua, cho biết trong cuộc họp báo hôm 12.8, nghi phạm trong vụ tấn công đã có một “đường dây để tiếp cận”. Hill cho biết thêm, du khách có thể mua vé để tham dự các chương trình.

Staniszewski xác nhận không có dấu hiệu nào cho thấy có bất kỳ mối đe dọa nào đối với sự kiện này. Quân đội đã ở đó vì sự kiện tụ tập đông người và vì yêu cầu của ban tổ chức.

Rushdie được giới thiệu vào khoảng 10 giờ 45 sáng khi vụ hành hung xảy ra, theo một nhân chứng. Người này cho biết anh nghe thấy tiếng la hét từ khán giả. Một người đàn ông mặc áo đen dường như đang "đấm" nhà văn. Nhân chứng đứng cách sân khấu 30 m, không nghe thấy kẻ tấn công nói gì hoặc nhìn thấy vũ khí.

Thời điểm nhà văn bị đâm trên sân khấu

cnn

Một số người trên sân khấu chạy đến hỗ trợ trong khi những người khác đuổi theo kẻ tấn công, nhân chứng cho biết. Cảnh sát nói một bác sĩ có mặt trong khán phòng đã hỗ trợ Rushdie cho đến khi nhân viên y tế cấp cứu đến.

Thống đốc New York Kathy Hochul nói với các phóng viên rằng một quân nhân của bang “đã cứu sống Rushdie, bảo vệ nhà văn cũng như người điều hành buổi diễn thuyết khi cả hai bị tấn công”.

Joyce Lussier (83 tuổi) ngồi hàng thứ hai của khán phòng trong cuộc tấn công, cho biết Rushdie và Reese ngồi vào ghế bên phải của sân khấu thì đột nhiên, một người đàn ông mặc đồ đen “lững thững đi ngang qua sân khấu và bước đến chỗ ông Rushdie”.

Lussier kể: “Hắn nhảy lên sân khấu và lao thẳng vào nhà văn”. Bà nói thêm rằng có nghe thấy mọi người la hét, khóc và nhìn thấy những người từ hàng ghế khán giả đổ xô lên sân khấu.

“Họ đã bắt được anh ta ngay lập tức, anh ta không kịp rời khỏi sân khấu”, Lussier nói về nghi phạm. Ngay sau đó, đám đông đã được yêu cầu sơ tán, bà nói thêm.

Một nhân chứng khác là cư dân lâu năm ở Chautauqua, xin được giấu tên, kể lại vụ náo động trên sân khấu khi người đàn ông đâm khoảng 7 đến 10 nhát dao về phía nhà văn. Cô cho biết đã chạy trốn khỏi giảng đường, người “rung như chiếc lá” vì sợ hãi.

Các nhà văn như Stephen King và J.K.Rowling đã gửi lời chúc tốt đẹp dành cho Rushdie qua Twitter.

Tiểu thuyết gia Salman Rushdie (75 tuổi) - con trai của một doanh nhân Hồi giáo thành đạt ở Ấn Độ - được đào tạo ở Anh, đầu tiên học tại trường Rugby và sau đó là Đại học Cambridge, nơi ông nhận bằng Thạc sĩ Lịch sử.

Sau khi tốt nghiệp đại học, ông bắt đầu làm công việc viết quảng cáo ở London, trước khi xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên - Grimus vào năm 1975.

Việc Rushdie hành xử với các chủ đề liên quan đến chính trị và tôn giáo đã biến ông thành một nhân vật gây tranh cãi. Xuất bản cuốn tiểu thuyết thứ tư The Satanic Verses (Những vần thơ của quỷ Satan) vào năm 1988 khiến ông bị săn đuổi trong hơn ba thập kỷ.

Một số người Hồi giáo cho rằng cuốn sách này là xúc phạm tôn giáo và gây ra các cuộc biểu tình công khai. Năm 1989, cố lãnh đạo Iran Ayatollah Ruhollah Khomeini gọi Rushdie là một kẻ báng bổ đạo Hồi, tuyên bố rằng The Satanic Verses là sự xúc phạm đối với Hồi giáo và Nhà tiên tri Mohammed, đồng thời ban hành một sắc lệnh tôn giáo, kêu gọi giết chết ông.

Kết quả là, nhà văn sinh ra ở Mumbai phải trải qua một thập kỷ dưới sự bảo hộ của Anh. Năm 1999, Rushdie nói với CNN rằng kinh nghiệm đã dạy ông “quý trọng hơn nữa... mạnh mẽ hơn những thứ mà tôi coi trọng trước đây, chẳng hạn như nghệ thuật văn học, quyền tự do ngôn luận và quyền nói những điều mà người khác không thích”.

"Đó có thể là một thập kỷ khó chịu, nhưng đó là cuộc chiến đúng đắn, bạn biết đấy. Đó là cuộc chiến vì những điều tôi tin tưởng nhất chống lại những điều tôi không thích nhất, đó là sự cố chấp, cuồng tín và nạn kiểm duyệt”, nhà văn từng nói.

Lời kêu gọi chống lại Rushdie chưa bao giờ được gỡ bỏ, mặc dù vào năm 1998, chính phủ Iran đã tìm cách tách khỏi sắc lệnh tôn giáo bằng cam kết không tìm mọi biện pháp thực hiện.

Nhưng bất chấp những gì có vẻ làm dịu đi quan điểm, gần đây hơn, Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã tái khẳng định thực thi sắc lệnh tôn giáo.

Vào tháng 2.2017, trên trang web chính thức của Khamenei, nhà lãnh đạo tối cao đã được hỏi rằng liệu “sắc lệnh tôn giáo chống lại Salman Rushdie có còn hiệu lực hay không”, Khamenei xác nhận là “sắc lệnh vẫn giữ như Ayatollah Ruhollah Khomeini ban hành”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.