Tại buổi khai mạc triển lãm Em ơi! Hà Nội phố của mình vừa khai mạc tại TP.HCM, nhà thơ Phan Vũ cho biết: “Tôi không phải là người Hà Nội chính gốc, bố tôi ở Hải Phòng còn mẹ tôi người Đà Nẵng lưu lạc ra đất Bắc, họ gặp nhau và sinh ra Phan Vũ nên có thể nói quê tôi ở Đà Nẵng hay Hải Phòng đều được. Bài thơ Em ơi! Hà Nội phố ra đời trong những tháng năm tôi lang thang ở Hà Nội, nhất là buổi chiều sau khi tận mắt chứng kiến cảnh máy bay B.52 rải thảm ở phố Khâm Thiên. Về nhà tôi đã hoàn thành bài thơ chỉ sau một đêm. Sau này bài thơ được phổ nhạc nhiều người nhầm tưởng tôi sinh ra tại Hà Nội”.
|
|
Mặc dù không phải quê ở thủ đô nhưng Phan Vũ yêu Hà Nội bằng tất cả tấm lòng để rồi ông biến những tình cảm ấy trở thành thơ và… họa. Nhưng không phải nghiễm nhiên tự lúc nào trong lòng mọi người, nhà thơ - họa sĩ Phan Vũ trở thành người Hà Nội. Được biết, nhà thơ Phan Vũ tên khai sinh là Trần Hồng Hải, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Sân khấu Việt Nam và hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam. Sau khi hoàn thành bậc tiểu học ở Hải Phòng, ông lên Hà Nội học tiếp trung học. Ngay từ năm 20 tuổi, ông đã có mặt tại hai mặt trận ác liệt miền Đông và miền Tây Nam bộ. Sau đó được cử vào Ban Chấp hành Văn nghệ Nam Bộ. Năm 1954 ông quay ra Bắc, tham gia chỉ đạo Đoàn Văn công tổng hợp Nam bộ tham gia Đại hội Văn công toàn quốc 1956. Rồi ông về làm biên kịch cho Đội kịch Trung ương và tiếp đó là Xưởng phim Việt Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, trở lại phương Nam, ông về công tác tại Đài Truyền hình TP.HCM.
Ở tuổi 92, ông mở triển lãm tranh lấy tên bài hát Em ơi, Hà Nội phố làm chủ đề để giới thiệu đến công chúng 25 bức sơn dầu, trong đó có 15 bức lần đầu tiên được ra mắt.
|
|
|
|
Mặc dù không qua trường lớp đào tạo chính quy, nhưng với lòng yêu nghề, chịu khó học hỏi, nhất là sau này có dịp ra nước ngoài, nhà thơ Phan Vũ mua các tài liệu hội họa về tự học rồi tranh thủ làm thơ, vẽ tranh vào lúc sáng sớm. Các bức tranh của Phan Vũ theo trường phái trừu tượng, tương phản giữa sáng và tối mà theo ông suy nghĩ đơn giản: “Tôi muốn kéo những bức tranh của tôi đến gần với những bài thơ của tôi”.
Bình luận (0)