Tác giả trong sách giáo khoa mới: 'Học sinh đòi bố mẹ gọi video call xác minh'

21/02/2024 09:53 GMT+7

Khác với các bộ sách giáo khoa chương trình cũ trước đây, ở sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (gọi tắt là sách giáo khoa mới), nhiều tác giả có những tác phẩm, trích đoạn được trích dẫn trong sách còn rất trẻ.

Tác giả trong sách giáo khoa mới: 'Học sinh đòi bố mẹ gọi video call xác minh'- Ảnh 1.

Tác giả trong sách giáo khoa mới: 'Học sinh đòi bố mẹ gọi video call xác minh'- Ảnh 2.

Trích đoạn Bay cùng ước mơ (từ truyện dài Trên đồi, mở mắt và mơ) của tác giả Văn Thành Lê trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 4 - tập một, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

CHỤP MÀN HÌNH

Tác giả trong sách giáo khoa mới: 'Học sinh đòi bố mẹ gọi video call xác minh'- Ảnh 3.

Tác giả Đinh Hằng - người có ngữ liệu trong sách giáo khoa trong lần ngao du ở làng tuần lộc Đông Tsaatan, Mông Cổ

NVCC

Trái ngược với suy nghĩ, mường tượng của nhiều học sinh, phụ huynh là tác giả trong sách giáo khoa thường là những bậc lão làng, những cụ cao niên, hoặc những người tới nay đã… không còn nữa; ở sách giáo khoa mới, có rất nhiều tác giả "mới tinh". Họ có thể là những travel blogger, nhà văn trẻ, nhà thơ trẻ, tác giả sách hiện đại thuộc thế hệ 8X, 9X rất được yêu mến.

Những tác giả trẻ ấy có thể kể đến như Văn Thành Lê, Võ Thu Hương, Trương Huỳnh Như Trân, Đinh Hằng, Nguyễn Thị Kim Hòa, Cao Nguyệt Nguyên, Lý Hữu Lương, Trương Chí Hùng, Nguyễn Chí Ngoan, Lục Mạnh Cường…

Nhân dịp đầu năm, phóng viên Báo Thanh Niên có dịp trò chuyện với 2 tác giả có những tác phẩm, trích đoạn trong sách giáo khoa mới. Họ kể những câu chuyện vui về cơ duyên xuất hiện trong sách giáo khoa.

"Nhiều học sinh nghĩ tôi đã ở tuổi… vô cùng thương tiếc báo tin"

Nhà văn, nhà thơ Văn Thành Lê (38 tuổi) làm việc tại Nhà xuất bản Kim Đồng và là tác giả có nhiều trích đoạn tác phẩm được đưa vào nhiều cuốn sách giáo khoa tiếng Việt ở các bộ sách giáo khoa mới, Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tác giả trong sách giáo khoa mới: 'Học sinh đòi bố mẹ gọi video call xác minh'- Ảnh 4.

Nhà thơ, nhà văn Văn Thành Lê, tác giả có nhiều ngữ liệu trong sách giáo khoa tiếng Việt Chương trình giáo dục phổ thông 2018

NVCC

Cụ thể, nhà văn, nhà thơ Văn Thành Lê có truyện Tóc xoăn và tóc thẳng thuộc chủ đề Mỗi người một vẻ, in trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 2 - tập một, bộ Chân trời sáng tạo; bài thơ Mỗi người một vẻ (trích đoạn 3 khổ thơ) thuộc chủ đề Bạn thân ở trường của sách giáo khoa tiếng Việt lớp 2 - tập một, bộ Chân trời sáng tạo, ký tên Lê Hòa Long; trích đoạn Những ngày hè tươi đẹp (từ truyện dài Trên đồi, mở mắt và mơ), sách giáo khoa tiếng Việt lớp 4 - tập một, bộ Chân trời sáng tạo.

Anh cũng có trích đoạn Bay cùng ước mơ (từ truyện dài Trên đồi, mở mắt và mơ), sách giáo khoa tiếng Việt lớp 4 - tập một, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

Đáng chú ý, trích đoạn Thanh âm của gió (từ truyện dài Bên suối, bịt tai nghe gió) trong sách tiếng Việt lớp 5 - tập một, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, đã được thông qua hội đồng thẩm định (năm học 2024-2025 mới bắt đầu học sách giáo khoa lớp 5 mới).

Là một tác giả quen thuộc, anh Văn Thành Lê có nhiều đầu sách, thơ, truyện được độc giả yêu thích. Anh đã xuất bản 16 cuốn sách bao gồm cả truyện dài, tập truyện ngắn, tản văn, chân dung văn học cho các đối tượng thiếu nhi, tuổi mới lớn, người lớn. Nhưng 2 cuốn sách phát hành với số lượng lớn nhất đến giờ là 2 cuốn truyện dài thiếu nhi Trên đồi, mở mắt và mơBên suối, bịt tai nghe gió. Tổng cộng cả hai cuốn sách này đã phát hành trên 20.000 bản. Con số này vượt khá xa hình dung ban đầu của chính tác giả.

Tác giả trong sách giáo khoa mới: 'Học sinh đòi bố mẹ gọi video call xác minh'- Ảnh 5.

Tác giả trong sách giáo khoa mới: 'Học sinh đòi bố mẹ gọi video call xác minh'- Ảnh 6.

Trích đoạn Những ngày hè tươi đẹp (từ truyện dài Trên đồi, mở mắt và mơ) của nhà văn Văn Thành Lê, trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 4 - tập một, bộ Chân trời sáng tạo

CHỤP MÀN HÌNH

Tác giả Văn Thành Lê cho biết trích đoạn tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa không hẳn đã là bảo chứng cho chất lượng văn chương của tác giả - tác phẩm đó, vì mục tiêu mà sách giáo khoa hướng đến đầu tiên và chủ yếu là giáo dục.

"Tuy nhiên, ở góc độ người viết và phụ huynh quan tâm đến sách giáo khoa, tôi thấy vui khi sách giáo khoa mới có sự xuất hiện tác phẩm của những tác giả trẻ. Điều này cho thấy, ngữ liệu sách giáo khoa tránh được sự "già hóa", thêm những tác phẩm mới, từ sự vận động của đời sống văn học hiện nay thì càng gần gũi với đối tượng tiếp nhận là học sinh. Cũng từ đó, thêm cơ hội để các em và phụ huynh quan tâm có thể tìm đọc, nắm bắt thêm trọn vẹn tác phẩm và nhiều tác phẩm khác của những người viết trẻ", anh Văn Thành Lê chia sẻ.

Tác giả trẻ trong sách giáo khoa cũng kể lại một kỷ niệm rất vui khi mà nhiều bạn bè, người quen của anh khi hướng dẫn con/cháu học bài, bắt gặp tác phẩm và tên "Văn Thành Lê" trong sách giáo khoa đã bất ngờ, gọi điện, nhắn tin chúc mừng, nhưng phản ứng của học sinh mới thú vị.

"Phụ huynh nói với học sinh rằng tác giả trên chính là bạn của bố, mẹ. Tuy nhiên, bé không tin vì nghĩ tác giả có trong sách giáo khoa chắc phải ở tuổi đã...'vô cùng thương tiếc báo tin' rồi. Vì thế, các em đòi bố mẹ gọi video call để nói chuyện với tôi, xác minh chú Văn Thành Lê vẫn còn… chưa già như tưởng tượng", tác giả hài hước nói.

"Hồi nhỏ có mơ cũng không nghĩ có ngày được đưa vào sách giáo khoa"

Đó là chia sẻ của tác giả Đinh Hằng, 36 tuổi, hiện là blogger du lịch, tác giả sách, nhà sáng tạo nội dung tại TP.HCM với phóng viên Báo Thanh Niên. Tác giả Đinh Hằng có trích đoạn Kì diệu Ma-rốc được đăng tải trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 4, tập 2, bộ sách Chân trời sáng tạo - bắt đầu được học sinh toàn quốc học từ năm học 2023-2024 này.

Tác giả trong sách giáo khoa mới: 'Học sinh đòi bố mẹ gọi video call xác minh'- Ảnh 7.

Trang sách giáo khoa tiếng Việt có trích đoạn Kì diệu Ma-rốc của tác giả Đinh Hằng

THÚY HẰNG

Khi mở cuốn sách giáo khoa mới, nhiều người mến mộ chị Đinh Hằng đã lập tức nhắn tin, nhấc điện thoại gọi ngay cho tác giả xem có đúng tác giả Đinh Hằng trong sách giáo khoa chính là người mình vẫn hâm mộ bấy lâu hay không.

Một số thành tích của tác giả trẻ này chắc chắn sẽ khiến nhiều phụ huynh, học sinh bất ngờ. Chị từng có hơn 10 năm du lịch thế giới và chia sẻ về các chuyến đi của mình với người yêu du lịch. Thời còn là học sinh phổ thông, chị Đinh Hằng là học sinh chuyên văn, từng đoạt huy chương vàng và bạc môn văn tại cuộc thi Olympic miền Nam, giải nhất học sinh giỏi văn toàn thành phố Vũng Tàu, giải nhất học sinh giỏi văn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và giải nhì học sinh giỏi văn quốc gia (năm đó không có giải nhất).

Tranh luận cùng Blogger Đinh Hằng: Lựa chọn khác người, tôi phải trả giá gì? | 'Đối thoại Trương Nguyện Thành' số 4

Tác giả 8X cho biết trích đoạn Kì diệu Ma-rốc trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 4, tập 2, bộ Chân trời sáng tạo được nằm trong bài báo Ma Rốc - Lang thang ở xứ ngàn lẻ một đêm do chị là tác giả, đã đăng trên tạp chí ELLE Decoration Vietnam.

Bỗng có một ngày, chị Đinh Hằng được nhóm tác giả đang biên soạn sách giáo khoa lớp 4 Chương trình giáo dục phổ thông 2018 liên hệ nhằm xin phép, thực hiện các thủ tục đưa trích đoạn trên trong sách giáo khoa mới. Nội dung trên sau đó đã vượt qua các vòng xét duyệt của hội đồng thẩm định, và được xuất bản trong sách giáo khoa như phụ huynh, học sinh đã thấy.

Tác giả trong sách giáo khoa mới: 'Học sinh đòi bố mẹ gọi video call xác minh'- Ảnh 8.

Tác giả Đinh Hằng trong lần du lịch tới sông băng Perito Moreno, Argentina

NVCC

Tác giả trong sách giáo khoa mới: 'Học sinh đòi bố mẹ gọi video call xác minh'- Ảnh 9.

Đinh Hằng (trái) trải nghiệm bay dù ở Rio de Janeiro, Brazil

NVCC

Tác giả Đinh Hằng bộc bạch: "Gia đình tôi cả hai họ nội ngoại đều có truyền thống sư phạm. Khi nghe tin bài báo của tôi được sử dụng làm ngữ liệu sách giáo khoa mới lớp 4, cả gia đình đều rất tự hào. Mẹ tôi vốn là một giáo viên tiểu học đã về hưu, khi nghe tin liền chạy ngay ra nhà sách, để nhìn thấy câu chữ của con gái mình trong cuốn sách mà cả triệu triệu trẻ em Việt Nam nhiều thế hệ sẽ học. Với tôi, việc văn của mình được đưa vào sách giáo khoa giống như là một sự kiện. Hồi bé tôi luôn mê mẩn những đoạn văn viết giàu hình ảnh, sống động và gợi mở thế giới tưởng tượng trong các cuốn sách. Không ngờ đến một ngày, chính những con chữ mình từng viết từ trải nghiệm ngao du khắp nơi trên thế giới lại đang làm điều tương tự với các em nhỏ".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.