Tác giả trong sách giáo khoa mới: Vợ chồng nhà thơ Mật - Mai cùng xuất hiện

28/02/2024 08:05 GMT+7

Trong làng văn có nhiều cặp đôi vợ chồng là nhà thơ - nhà văn, nhưng cả hai vợ chồng đều là nhà thơ trẻ, đều có tác phẩm được xuất hiện trong sách giáo khoa mới thì có lẽ chỉ có nhà thơ Mật - Mai (Đoàn Văn Mật - Lữ Mai).

Tác giả trong sách giáo khoa mới: Vợ chồng nhà thơ Mật - Mai cùng xuất hiện- Ảnh 1.

Gia đình hạnh phúc của nhà thơ Đoàn Văn Mật và nhà báo, nhà thơ Lữ Mai

NVCC

Vợ chồng nhà thơ Đoàn Văn Mật và nhà báo, nhà thơ Lữ Mai nổi tiếng trong làng văn chương ở Việt Nam. Họ cùng là cựu sinh viên khoa Sáng tác và lý luận - phê bình văn học, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội (tiền thân là Trường Viết văn Nguyễn Du).

Ai cũng có miền ký ức tuyệt đẹp

Ngoài tác phẩm in riêng, "cặp đôi Mật - Mai" đã có nhiều tác phẩm thơ in chung trong nhiều báo, tạp chí, đứng tên chung trên nhiều cuốn sách. Nhưng một trong những điều tình cờ, bất ngờ của vợ chồng nhà thơ là cùng có tác phẩm được tuyển chọn, xuất hiện trong sách giáo khoa mới (Chương trình GDPT 2018). Đó là sách giáo khoa tiếng Việt lớp 5, bộ Chân trời sáng tạo, NXB Giáo dục Việt Nam, đã được Hội đồng thẩm định phê duyệt, bắt đầu được đưa vào chương trình học từ năm học 2024-2025.

Cụ thể, nhà báo, nhà thơ Lữ Mai có bài thơ Ngàn lời sử xanh, đăng trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 5, tập 2. Còn trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 5, tập 1, nhà thơ Đoàn Văn Mật có bài thơ Chớm thu. Ở sách giáo khoa tiếng Việt lớp 5, tập 2, bài thơ Tháng Năm của nhà thơ Đoàn Văn Mật cũng được đăng tải.

Tác giả trong sách giáo khoa mới: Vợ chồng nhà thơ Mật - Mai cùng xuất hiện- Ảnh 2.
Tác giả trong sách giáo khoa mới: Vợ chồng nhà thơ Mật - Mai cùng xuất hiện- Ảnh 3.

Bài thơ Ngàn lời sử xanh, đăng trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 5, tập 2 bộ Chân trời sáng tạo (NXB Giáo dục Việt Nam) của nhà thơ Lữ Mai. Sách đã được Hội đồng thẩm định phê duyệt

NXB GIÁO DỤC VIỆT NAM

Cả hai bài thơ Chớm thu Tháng Năm xuất hiện trong sách giáo khoa lớp 5 đều nằm trong cuốn Thơ hay cho bé học nói của nhà thơ Lữ Mai - Đoàn Văn Mật, NXB Văn học, Linh Lan Books ấn bản, phát hành năm 2022.

Nhà thơ Đoàn Văn Mật chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên: "Thế hệ 8X của chúng tôi học sách giáo khoa có những tác phẩm, trích dẫn được đăng tải trong đó của những nhà văn, nhà thơ gạo cội, nổi tiếng, tới bây giờ có người rất lớn tuổi, hoặc đã không còn nữa. Bây giờ thì sách giáo khoa mới có các tác phẩm, trích đoạn của những tác giả trẻ. Điều này phản ánh thực tế đời sống văn học luôn tiếp diễn. Đặc biệt là nếu đọc những tờ báo, tập san có thể thấy những cây bút thiếu nhi, lớp 4, lớp 5 nhưng có tác phẩm rất hay, phản ánh nét đẹp tâm hồn, tình cảm với thầy cô, nhà trường, cuộc sống...".

Cả 3 tác phẩm của vợ chồng nhà thơ Đoàn Văn Mật - Lữ Mai đều được đăng trọn vẹn trong sách giáo khoa. Nhà thơ Đoàn Văn Mật cho hay đây cũng là niềm vui của chính tác giả, đồng thời điều này giúp học sinh cảm thụ trọn vẹn những cảm xúc, thông điệp của nhà thơ gửi trong sáng tác. Theo nhà thơ 8X, trong thơ thiếu nhi thì tính truyện được tôn trọng, tính truyện được dẫn dắt từ mở đầu, thân bài tới kết bài, câu chuyện phải liền mạch, để thiếu nhi hiểu được bài học của đời sống được dẫn dắt trong thơ. Đó có thể là tinh thần yêu đời, yêu cuộc sống, yêu quê hương, đất nước.

Tác giả trong sách giáo khoa mới: Vợ chồng nhà thơ Mật - Mai cùng xuất hiện- Ảnh 4.

Trang sách giáo khoa lớp 5 chương trình GDPT 2018 có bài Chớm thu của nhà thơ Đoàn Văn Mật. Sách đã được Hội đồng thẩm định phê duyệt.

NXB GIÁO DỤC VIỆT NAM

Tác giả trong sách giáo khoa mới: Vợ chồng nhà thơ Mật - Mai cùng xuất hiện- Ảnh 5.

Trang sách giáo khoa lớp 5 chương trình GDPT 2018 có bài Tháng Năm của nhà thơ Đoàn Văn Mật. Sách đã được Hội đồng thẩm định phê duyệt.

NXB GIÁO DỤC VIỆT NAM

Là một nhà thơ có thời gian dài gắn bó với thơ thiếu nhi, sau đó chuyển sang thơ cho người lớn và quay trở lại thơ thiếu nhi, nhà thơ Đoàn Văn Mật cho biết đây như một cơ duyên vì anh vốn rất yêu trẻ em, làm thơ thiếu nhi khiến anh càng cảm nhận được sự hồn nhiên, trong trẻo của thế giới trẻ thơ. Anh cảm nhận thiếu nhi hiện nay rất thông minh, nhạy cảm, được tạo điều kiện tốt nhất cho học tập, sáng tạo. Do đó, anh hy vọng những tác phẩm của các nhà thơ trẻ trong sách giáo khoa mới hiện nay đảm bảo đáp ứng đủ yêu cầu về tính giáo dục - tính nghệ thuật, bồi đắp cho học sinh nhiều phẩm chất, năng lực.

Gia đình nhà thơ

Vợ chồng nhà thơ Mật - Mai cùng song hành với thơ ca, tình yêu, sự nghiệp và đang có một tổ ấm tại Hà Nội.

Nhà thơ Đoàn Văn Mật, 44 tuổi, đang công tác tại tạp chí Văn nghệ Quân đội. Anh đã có nhiều tập thơ được xuất bản và đạt những giải thưởng văn chương uy tín, có thể kể tới giải thưởng Văn học nghệ thuật 5 năm Bộ Quốc phòng, năm 2014-2019 cho tập trường ca Sóng trầm biển dựng.

Tác giả trong sách giáo khoa mới: Vợ chồng nhà thơ Mật - Mai cùng xuất hiện- Ảnh 6.

Tác giả trong sách giáo khoa mới: Vợ chồng nhà thơ Mật - Mai cùng xuất hiện- Ảnh 7.

Nhà thơ Đoàn Văn Mật và con gái - cô bé Đoàn Lữ Thụy Phương tên thân mật ở nhà là Kẹo

NVCC

Nhà báo, nhà thơ Lữ Mai có lẽ là một trong những nhà thơ trẻ tuổi nhất có tác phẩm được sử dụng trong các bộ sách giáo khoa chương trình mới. Nữ nhà thơ sinh năm 1988 đang công tác tại Ban Văn hóa - Văn nghệ, Báo Nhân Dân. Chị có nhiều cuốn sách được xuất bản với các thể loại: thơ, truyện ngắn, tản văn… trong đó có 3 tập trường ca ấn tượng: Hồi sinh về chủ đề Covid-19 (NXB Hội Nhà văn, 2022); Ngang qua bình minh (NXB Văn học, 2020) với chủ đề về chủ quyền biển, đảo và Chư Tan Kra mây trắng (NXB Hội Nhà văn, 2021). Nhà thơ Lữ Mai cũng giành được nhiều giải thưởng văn học uy tín.

Vợ chồng nhà thơ Mật - Mai có một bé gái xinh xắn, đáng yêu, cô bé Đoàn Lữ Thụy Phương tên thân mật ở nhà là Kẹo, đang học lớp 6 tại Hà Nội thừa hưởng ở cả cha và mẹ nhiều năng khiếu về nghệ thuật. Năm 2023, Thụy Phương được trao tặng giải thưởng của Hội đồng giám khảo giải Dế Mèn lần thứ 4 và xuất bản tập sách thiếu nhi Bố con cà khịa và những bức thư (NXB Kim Đồng).

Nhà thơ Đoàn Văn Mật bộc bạch: "Với các thành viên trong gia đình chúng tôi, việc cả tôi và Lữ Mai đều có thơ trong sách giáo khoa mới khiến gia đình đều rất vui. Chúng tôi rất mong những dòng thơ, bài thơ của mình được học sinh đón nhận, các em được quay trở về thời thơ ấu mà cha mẹ đã đi qua - nơi mà các em vốn được cha mẹ kể cho nghe trong những câu chuyện 'ngày xửa, ngày xưa' của cha mẹ ở các miền quê yên bình. Điều này giúp các em hiểu rằng tuổi thơ là những gì đó luôn trong trẻo, ai cũng có một miền quê, miền ký ức tươi đẹp. Từ đó, các em thêm cảm nhận được tình yêu gia đình, yêu quê hương, đất nước, vun đắp trong các em những tình cảm tích cực nhất…".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.