Tác giả viết về buông bỏ trong đề thi ngữ văn: Sai lầm có giá trị riêng!

24/12/2019 14:36 GMT+7

Cúc T., tác giả có đoạn văn về việc buông bỏ được trích trong đề thi môn ngữ văn lớp 12 của Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng gây tranh cãi vừa qua cho biết cô tin rằng sai lầm có những giá trị riêng của nó.

Trong những ngày vừa qua, dư luận tranh cãi nhiều về chủ đề buông bỏ trong một câu của đề kiểm tra học kỳ I môn ngữ văn lớp 12 năm học 2019-2020 do Sở GD-ĐT TP. Đà Nẵng ra đề. Đề đã gây tranh cãi khi ở phần làm văn khi yêu cầu học sinh nhận định "Từ bỏ cũng là một lựa chọn" qua đoạn trích từ cuốn sách Sống như bạn đang ở sân bay của tác giả Cúc T. (NXB Tổng hợp, TP.HCM).

Đề thi môn ngữ văn gây tranh cãi tại Đà Nẵng

Từ bỏ như một lựa chọn!

Tác giả của cuốn sách này có bút danh Cúc T., tên thật là Kim Cúc, hiện làm tại một công ty truyền thông - sự kiện. Kim Cúc đã dành phần nhiều thời gian và tuổi trẻ để đạt được một số kết quả nhất định trên con đường học vấn. Cô được tuyển thẳng đầu vào và tốt nghiệp thủ khoa đầu ra của Khoa Báo chí - Truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM (khóa 2005-2009), nhận được học bổng cao học MUIS của ĐH Macquarie, Úc (2012-2013). 
Tuy nhiên, Kim Cúc tự nhận mình là một cô gái dành cả thanh xuân để học hành, để rồi cuối cùng nhận ra mình sống hạnh phúc khi… làm ngược lại những gì được dạy. Sau khi tốt nghiệp cao học, cô cho biết mình làm nhiều nghề để sinh sống như chuyên viên truyền thông, giảng viên, MC… nhưng chỉ theo đuổi một “sự nghiệp” duy nhất mang tên Hạnh phúc. Trải qua nhiều công việc khác nhau cùng những va vấp trong đời sống cá nhân khiến cô nhận ra nhiều điều trái ngược.
Điều này thôi thúc cô đặt bút viết cuốn sách Sống như bạn đang ở sân bay, nơi có những dòng được trích trong đề thi môn ngữ văn gây tranh cãi. Cô viết: "Tôi được gia đình và trường học gieo vào đầu mình ý niệm về sự cố gắng theo đuổi, chinh phục, nhiều đến mức tôi tin rằng từ bỏ, hoặc dừng lại, là một điều gì đó rất tệ. Tôi nghĩ mình phải luôn cố gắng, phải luôn nỗ lực; phải luôn gồng mình và nếu tôi không đạt được một điều gì đó thì hẳn là tại tôi. Do tôi đã chưa cố gắng đủ nhiều... Nhưng tôi sớm vỡ mộng khi bước ra khỏi môi trường học thuật. Mấy bận bị dồn ép, phải đối mặt với cả những tình huống quá sức chịu đựng, tôi nhận ra buông bỏ, cần nhiều sức mạnh hơn so với sự theo đuổi, nhất là khi bạn phải buông bỏ những thứ mà xã hội cho rằng bạn cần níu giữ". 

Trả lời phóng viên Báo Thanh Niên sau khi trải qua một khóa học ngắn tại Úc và vừa về Việt Nam, Kim Cúc cho biết mấy ngày qua, cô nhận được nhiều bình luận đa chiều về đề thi và về quan điểm của cô trong quyển Sống như bạn đang ở sân bay được trích trong đề thi ngữ văn. Cô thấy vui vì những người làm giáo dục dám mạnh dạn tạo điều kiện cho học sinh tiếp xúc với một quan điểm tạm gọi là mới, để các em trình bày suy nghĩ riêng của mình. Người đọc có quyền đồng tình hoặc không. Tiếp xúc với nhiều quan điểm khác nhau sẽ giúp có một cái nhìn đa chiều về mọi thứ.

Cúc T. trong buổi ký tặng sách Sống như bạn đang ở sân bay

Vũ Hải Sơn

"Nhưng thông điệp của tôi không phải là từ bỏ mà là đôi khi, hãy xem xét từ bỏ như một lựa chọn, công bằng như những lựa chọn khác. Từ bỏ không phải thất bại, hay hèn nhát. Từ bỏ là dũng cảm đối diện và dừng lại khi con đường mình đang đi không làm mình cảm thấy hạnh phúc", Kim Cúc cho biết. 

Cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác sẽ mở ra

Giải thích rõ hơn về điều này, Kim Cúc cho biết: "Paulo Coelho, tác giả cuốn sách Nhà giả kim có một câu mà tôi vô cùng tâm đắc: "If you're brave enough to say goodbye, life will reward you with a new hello" (tạm dịch: nếu bạn đủ dũng cảm nói tạm biệt, cuộc sống sẽ tặng thưởng cho bạn một lời chào mới). Tôi tin vào điều tích cực, cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác sẽ mở ra, nên sẽ không cố chấp đâm đầu lao về phía trước bằng mọi giá nếu con đường đó không mang lại cho mình niềm vui, nếu đó là sự trông đợi của người khác chứ không phải con đường chính mình lựa chọn". 
Theo Kim Cúc, trong cuộc sống, mỗi người theo đuổi những giá trị riêng, không giống nhau, nên không có con đường nào là “tuyệt đối đúng” cho tất cả mọi người. Có người theo đuổi một cuộc sống vật chất đủ đầy, có người mong muốn khẳng định danh tiếng trong một lĩnh vực nào đó, có người lại thích đi làm những việc nhỏ bé không tên như dọn rác ngoài đường, cứu mèo cứu chó lang thang…  Hạnh phúc của một người, nên do tự họ quyết định. Bởi không ai sống thay được cuộc đời người khác, dù mình yêu thương họ đến đâu, dù đó là đứa con mình dứt ruột đẻ ra, hay em anh ruột rà máu mủ.
"Tất nhiên, cuộc đời chúng ta làm sao tránh khỏi những quyết định sai lầm, đặc biệt là tuổi trẻ. Bản thân tôi đã mắc nhiều sai lầm trong cuộc sống của mình. Nhưng tôi tin sai lầm có những giá trị riêng của nó. Bài học rút ra từ những sai lầm của chính mình thấm thía và thuyết phục hơn vạn lần so với những lời khuyên từ người khác", Kim Cúc chia sẻ.

                       Hãy sống như thể đang ở... sân bay

Kim Cúc, tác giả đề thi nói về sự buông bỏ đang gây tranh cãi này, cho biết cô muốn nhắn nhủ độc giả hãy sống vui và không để phút giây nào hoài phí, như thể bạn đang ở… sân bay. Đó là nơi bạn cảm nhận rõ nhất câu nói “thời gian là hữu hạn”, là nơi bạn chẳng ngần ngại nắm tay hay ôm chặt người mà mình yêu thương bởi biết rồi đây chúng ta có thể cách nhau mấy đại dương, nhưng đó cũng chính là nơi có những chuyến đi với nhiều bất ngờ mới mẻ đang chờ đợi mình phía trước.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.