Tác giả 'X6 - Điệp viên hoàn hảo' Larry Berman: Phạm Xuân Ẩn cất giữ nhiều bí mật

17/11/2017 15:46 GMT+7

Ngày 17.11, tại Trường ĐHKHXH&NV đã diễn ra buổi nói chuyện Giấc mơ Phạm Xuân Ẩn cho Việt Nam (Pham Xuan An’s Dream for Vietnam) của diễn giả, nhà sử học Larry Berman, giáo sư Khoa học chính trị tại Đại học California, Mỹ.

Tác giả X6 - Điệp viên hoàn hảo trong vòng vây người hâm mộ xin chữ ký Ảnh: Quỳnh Trân
Larry Berman chính là người đã được nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn tin tưởng kể lại toàn bộ bí mật về cuộc đời trong quá trình hoạt động tình báo mà ông chưa từng công bố, để tác giả hoàn thành cuốn sách nổi tiếng X6 - Điệp viên hoàn hảo (do nhà báo Đỗ Hùng dịch), đồng thời cũng là người nghiên cứu chuyên sâu cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam.
Gần 60 lần sang Việt Nam, giáo sư Larry Berman tâm sự: “Hình như kiếp trước tôi là người Việt nên mới gắn bó với Phạm Xuân Ẩn và đất nước của các bạn như thế này. Và những câu chuyện tôi tiết lộ tại đây, nếu còn sống, ông Ẩn sẽ ngồi đây nghe tôi nói và cười hiền lành như bản tính lâu nay. Còn nếu tôi mà nói sai ông ấy sẽ quát lên ngay: “Larry Berman, tại sao anh lại dám nói những điều không đúng như thế”, để một lần nữa tôi muốn khẳng định rằng những chia sẻ của tôi với các bạn hôm nay hoàn toàn là sự thật”.
Nhà tình báo vĩ đại Phạm Xuân Ẩn
Tác giả X6 - Điệp viên hoàn hảo hào hứng: “Tôi không chắc là có một người nào hiểu được con người thực của Phạm Xuân Ẩn, ngoại trừ mẹ và vợ của ông. Ông đã trải qua phần lớn cuộc đời với chiếc ''mặt nạ'', trong một vỏ bọc giúp ông có thể đánh lừa mọi người, các cơ quan tình báo Việt Nam Cộng hòa, CIA của Mỹ, các nhà báo Mỹ, châu Âu và Việt Nam. Danh sách những người bị Ẩn lừa có cả những nhà tình báo chuyên nghiệp, sừng sỏ. Các tin tức mà ông Ẩn gửi ra trong trận Ấp Bắc được tướng Giáp khen ngợi như quân ta đang ở ngay trong phòng họp của Mỹ”.
“Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn, anh hùng lực lượng vũ trang, một điệp viên huyền thoại của Việt Nam, ông ấy có quá nhiều bí mật được cất giấu”, đó là những ý luôn được Larry Berman nhắc lại nhiều lần trong buổi nói chuyện.
Larry Berman nói tiếp: “Điều rất độc đáo, ông Ẩn cũng là người Việt Nam đầu tiên được tài trợ học tại Mỹ nhưng lại là điệp viên cộng sản. Từ năm 1957 - 1959, khi học xong khóa báo chí tại California, ông ấy hoàn toàn có thể ở lại để làm việc nhưng với lòng yêu nước ông đã quay trở về phụng sự Tổ quốc. Phạm Xuân Ẩn thường tâm sự với tôi: “Larry Berman này, sống với người Mỹ tôi nhận ra sự hào hiệp và tử tế của họ cũng như người Việt Nam vậy. Khi tôi đói họ sẵn sàng cho tôi ăn. Vì vậy, tôi không bao giờ ghét bỏ họ mà thậm chí rất thích người Mỹ”. Vì vậy, sau ngày đất nước thống nhất ước mơ lớn nhất của nhà tình báo này là chung tay hàn gắn cho mối quan hệ Việt - Mỹ. Con trai ông Ẩn giống cha, lớn lên sang Mỹ du học và cũng trở về làm ở Sở Ngoại vụ TP.HCM, từng tham gia phiên dịch cho vợ chồng Tổng thống George W. Bush khi sang thăm Việt Nam”.
Cuốn sách về ông Phạm Xuân Ẩn xuất bản tại Mỹ
Giáo sư Larry Berman bật mí thêm khi X6 - Điệp viên hoàn hảo phát hành tại Mỹ đã nổ ra nhiều cuộc tranh luận nảy lửa. Nhiều người quy kết cho ông lý do lính Mỹ chết nhiều ở Việt Nam. Tuy nhiên nay cuốn sách này đã được cơ quan tình báo Mỹ sử dụng cho những điệp viên mới vào nghề đọc và đi tìm lời giải thích cho câu chuyện: Tại sao một người duy nhất được bảo vệ ở một mạng lưới tình báo duy nhất lại tồn tại lâu đến như vậy?
Theo tác giả Larry Berman lý giải: “Phạm Xuân Ẩn là người có đầu óc kỷ luật bài bản như một nhà toán học và tinh thần vững hơn thép. Ông có thể lên kế hoạch rất nhanh và hủy cũng rất mau chóng nên dù trong đường dây của ông, đã từng có 20 người chết và bị thương nhưng những người trực tiếp hoạt động với ông trong cụm tình báo H63 là ông Tư Cang và bà nữ giao liên đều an toàn, đó là một sự may mắn lớn để có được một Phạm Xuân Ẩn huyền thoại”.
Tác giả Larry Berman khẳng định: “Tôi không có gì phải hối tiếc vì hầu như những gì ông Ẩn kể đều đã được viết ra trong sách, ngoại trừ một vài điều bí mật phải giữ lại như yêu cầu của ông Ẩn. Hi vọng sau này các tài liệu của ông được công khai thì mọi người sẽ hiểu thêm về Phạm Xuân Ẩn, chứ nếu như hiện nay thì chỉ mới dừng lại đúng như cái tên Ẩn của ông vậy”.
Thẻ nhà báo của ông Phạm Xuân Ẩn
Bức ảnh ưng ý nhất của ông Ẩn trên chiến hạm USS tháng 11.2003 mang tính biểu tượng cho sự hòa giải Mỹ - Việt để ông tâm sự: “Tôi đã có thể thanh thản nhắm mắt”
Chú chú nhỏ dễ thương luôn bên ông Phạm Xuân Ẩn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.