'Tắc' giải ngân vay vốn lãi suất 0% để trả lương

28/08/2021 06:11 GMT+7

Số tiền cho các doanh nghiệp vay lãi suất 0% để trả lương cho người lao động khi bị tạm ngừng sản xuất, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vẫn còn thấp.

Không có quyết toán thuế không được giải ngân

Số lượng các doanh nghiệp đã được hỗ trợ vay vốn với lãi suất 0% và không cần tài sản đảm bảo theo Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động hầu như rất ít. Theo ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty du lịch Liên Bang, trước đây khi chính sách cho doanh nghiệp vay vốn để trả lương cho người lao động được ban hành đầu tiên, công ty ông có tìm hiểu nhưng quá nhiều thủ tục khó thực hiện nên không kỳ vọng nhiều. Với quy định mới ban hành từ đầu tháng 7 thì một số thủ tục cần phải có sự xác nhận nên vẫn khó. Hơn nữa, vay vốn thì sau đó cũng phải trả nên doanh nghiệp cố xoay xở và không làm đơn xin vay vốn.
Tương tự, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM, cho hay hiện thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội nên nhân viên các công ty không thể đi lại được. Ngay cả việc ra ngân hàng để làm thủ tục thanh toán cũng phải tạm ngưng, hàng sản xuất ra còn để tại kho vì không có xe giao nhận đưa hàng cho đối tác... Chính vì vậy, một số doanh nghiệp hội viên có tìm hiểu nhưng thấy phải làm nhiều thủ tục, xác nhận thì sẽ mất nhiều thời gian nên thực tế không có ai thực hiện được.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp không thể đáp ứng được các điều kiện khi muốn vay vốn. Theo Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ, ngoài các điều kiện hồ sơ đề nghị vay vốn phải có như bản sao văn bản về việc người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 1.5.2021 - 31.3.2022 (đối với vay vốn trả lương phục hồi sản xuất, kinh doanh); Phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh thì doanh nghiệp phải có giấy xác nhận danh sách người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội thì cần có bản sao thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 của cơ quan thuế. Nhưng phía cơ quan thuế lại không thể cung cấp được bản sao này.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho hay đây là quy định gây ách tắc trong việc giải ngân cho vay vốn hỗ trợ đối với các doanh nghiệp để trả lương người lao động trong quá trình tạm ngưng hoạt động hoặc để khôi phục lại sản xuất sau khi dịch được kiểm soát. Tại buổi làm việc tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp tại TP.HCM mới đây, Cục Thuế TP.HCM cũng khẳng định cơ quan này chỉ có thể xác nhận tờ khai thuế, nộp thuế của doanh nghiệp trong năm 2020 mà không thể có bản sao thông báo quyết toán thuế. Bởi việc quyết toán thuế đối với các công ty chỉ được thực hiện sau vài năm.

Rút gọn quy trình thủ tục, sửa nhanh quy định

Thông tin từ Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐ-TB-XH) ngày 27.8 cho biết chính sách cho doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc mới phê duyệt 372 bộ hồ sơ và đã giải ngân 185,5 tỉ đồng trên tổng số tiền 7.500 tỉ đồng. Nguyên nhân dẫn đến tiến độ hỗ trợ bị chậm, theo Bộ LĐ-TB-XH, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội và người sử dụng lao động chưa thực sự tích cực gửi các hồ sơ đề nghị hỗ trợ tới các cơ quan của địa phương. Tuy nhiên, còn có nguyên nhân chủ quan là do cán bộ ở các cấp địa phương còn có những cách hiểu khác nhau, do đó, chưa linh hoạt trong việc xử lý. Một số địa phương chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong việc triển khai dẫn đến tiến độ triển khai còn chậm. Việc triển khai chính sách hỗ trợ tiền mặt gặp một số vướng mắc cần phải được hướng dẫn, tháo gỡ cụ thể.

Nhiều doanh nghiệp cần được vay vốn lãi suất 0% để trả lương giữ chân người lao động

L.N

Theo ông Chu Tiến Dũng, bên cạnh quy định về bản sao quyết toán thuế mà doanh nghiệp không thể có, còn có yêu cầu doanh nghiệp không có nợ xấu tại các ngân hàng tại thời điểm vay vốn cũng đang gây khó khăn cho nhiều đơn vị. Thực tế, đa số doanh nghiệp đang có nhiều khoản vay đang cần được giãn nợ, cơ cấu lại nợ bởi phải tạm ngưng hoạt động hoặc cắt giảm nhiều hoạt động từ 3 - 4 tháng vừa qua nên gặp khó khăn về dòng tiền để trả nợ ngân hàng. Ngay cả những công ty đang duy trì hoạt động theo phương thức 3 tại chỗ cũng gặp nhiều khó khăn nên mong được tiếp cận nhanh các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.
“Các doanh nghiệp nhỏ, ít lao động thì có thể xin tạm dừng, cho lao động nghỉ luôn nhưng với những công ty lớn, có đông công nhân thì họ rất cần được vay vốn để trả lương nhằm giữ chân lao động và chờ ngày khôi phục sản xuất. Tôi biết Ngân hàng Chính sách xã hội cũng muốn đẩy mạnh giải ngân nhưng không được vì hồ sơ vay vốn phải đảm bảo đầy đủ các thủ tục theo quy định. Ngân hàng Chính sách xã hội cũng cho biết đã có kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước. Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước và Bộ LĐ-TB-XH xem xét sửa đổi. Tôi mong Chính phủ và các bộ ngành xem xét rút ngắn quy trình để sửa nhanh các quy định chưa phù hợp vì lúc này doanh nghiệp rất cần các gói hỗ trợ để duy trì hoạt động”, ông Chu Tiến Dũng nói.
Bộ LĐ-TB-XH cho biết, những kiến nghị của các địa phương khi triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23 sẽ được Bộ LĐ-TB-XH hoàn thiện trong dự thảo sửa đổi để gửi tới Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam lấy ý kiến. Trong đó, Bộ LĐ-TB-XH sẽ đề nghị bỏ một số điều kiện, giảm thiểu thủ tục, bổ sung đối tượng cho phù hợp với tình hình thực tế. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho hay chậm nhất đầu tuần tới, cơ quan này sẽ trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị quyết 68 và nhanh chóng ban hành theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.