|
Đến xã Bàu Năng, H.Dương Minh Châu (Tây Ninh) hỏi về ông Ba Dol (tên thật là Nguyễn Thành Lũy – 53 tuổi) nuôi tắc kè hầu như ai cũng biết. Từ một vài chục con tắc kè nuôi thí điểm, hiện ông Ba Dol đã tậu được một trang trại nhỏ với hơn 3.600 con tắc kè. Nếu xuất bán, trừ tất cả các chi phí thì ông có lợi nhuận hơn 90 triệu đồng/vụ/5 tháng.
Dẫn chúng tôi tham quan trang trại nuôi tắc kè của mình, ông Ba Dol kể, trước đây ông từng làm nghề mua bán tắc kè hơn 10 năm. Khoảng năm 2000, ông mua 100 con tắc kè giống ở miền Tây nuôi thử. Thời gian đầu ông tự tìm tòi học hỏi kinh nghiệm nuôi, đến nay ông đã có một cơ ngơi 9 chuồng nuôi tắc kè với khoảng 3.600 con. Theo ông Ba Dol, quy cách chuồng trại không quá cầu kỳ nhưng phải có mái che, kín đáo, tránh được mưa gió, mèo, chuột, rắn bò. Mỗi chuồng nuôi chứa khoảng 400 con/4 m2, hai vách chuồng xây tường gạch để giữ ấm vào mùa mưa và giữ ẩm vào mùa khô, các mặt còn lại bao lưới sắt. Mỗi chuồng thiết kế khoảng 20 vách ngăn để có nơi trú ẩn cho tắc kè, chất liệu có thể là tấm nhựa nhưng tốt nhất bằng lá dừa nước, lá thốt nốt hoặc liếp tre vì kín và có độ bền cao. Các vách ngăn có thể điều chỉnh khoảng cách được và nên làm cách mặt đất chừng 50-60 cm, nền chuồng lát gạch hoặc tráng xi măng để dễ quét dọn.
Ông Ba Dol chia sẻ: “Tắc kè nuôi khoảng 3-4 tháng là có thể sinh sản được. Mỗi con đẻ được khoảng 10 trứng, mỗi năm sinh 2 lần vào đầu và cuối mùa mưa. Đến khoảng 15-20 ngày thì trứng nở, lúc này tách tắc kè con ra riêng để cho ăn thức ăn phù hợp và đồng lứa mới chăm sóc được hiệu quả”.
Theo ông Ba Dol, tắc kè rất dễ nuôi, ít khi xẩy ra dịch bệnh và ít tốn công chăm sóc. Ông Ba Dol nhẩm tính: “Nếu mua con giống thì khoảng 30.000 đồng/con. Sau 5 tháng chăm sóc có thể đạt được trọng lượng thấp nhất 80 -110 g/con có thể bán được với mức giá khoảng 75.000 đồng/con, con lớn hơn có thể bán được giá cao hơn.
Thức ăn của tắc kè chủ yếu là dế và các loại côn trùng khác. Ông Ba Dol nói: “Cứ 100 con tắc kè thì ăn khoảng 800g dế. Cách 3 ngày cho tắc kè ăn một lần. Con tắc kè có đặc tính là ăn suốt ngày nên rất mau lớn, riêng những con tắc kè lớn thường ngủ nhiều”. Để chủ động nguồn thức ăn cho tắc kè, ông Ba Dol kết hợp nuôi tắc kè cùng mô hình nuôi dế. Ông chia sẻ: “Ngoài thị trường khoảng 40.000 – 50.000 đồng/kg dế, nếu cứ mua thức ăn như vậy thì nuôi chẳng còn lời đồng nào nữa. Trong khi nuôi dế rất dễ, tốn ít chi phí mà sinh sản rất nhanh”. Để có dế giống, ông Dol mua trứng dế về rồi tự ấp trong đất ẩm, khi đủ độ ẩm thì dế nở. Thức ăn cho dế là cám, cây cỏ, các loại rau hoặc lá cây mì. Dế nuôi được 20 ngày có thể làm thức ăn cho tắc kè. Hiện ông Dol đầu tư nuôi 20 chuồng dế, mỗi chuồng thu hoạch được 4-5 kg dế/đợt nuôi.
Hiện trang trại nuôi tắc kè của ông Ba Dol trở thành nơi học tập của nhiều người dân đến từ các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Vũng Tàu…
Ông Phan Văn Bi, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Bàu Năng, H.Dương Minh Châu cho biết, trước đây các mô hình nuôi rắn, nuôi ba ba mang lại hiệu quả kinh tế cao thì giờ đây mô hình nuôi tắc kè của hội viên Ba Dol đang hứa hẹn nhiều tiềm năng kinh tế. Ông Bi hồ hởi: “Tắc kè được xem là nguồn dược liệu quý và có giá trị kinh tế cao nhưng hiện nay tắc kè trong thiên nhiên ngày càng hiếm dần nên việc phát triển nuôi tắc kè tại hộ gia đình mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Nếu mô hình đạt hiệu quả trong thời gian tới chúng tôi sẽ nhân rộng để bà con nông dân được tiếp cận nhằm tăng thu nhập và phát triển kinh tế hộ gia đình”.
Giang Phương
>> Tắc kè hoa chính hiệu
>> Tắc kè siêu nhỏ
>> Tắc kè giá bạc triệu
>> Cơn sốt... tắc kè
Bình luận (0)