Tắc kè phơi khô - Ảnh Thiên Lộc
Rượu tắc kè bày bán ở vùng Bảy Núi - Ảnh Thiên Lộc |
Thuốc quý
Trong cuốn Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, GS-TS Đỗ Tất Lợi ghi tắc kè có tên khoa học là Gekko gekko L, thuộc họ tắc kè, bộ thằn lằn. Tắc kè là một vị thuốc nhân dân dùng chữa ho, làm thuốc bổ có tác dụng như nhân sâm. Theo tài liệu cổ, tắc kè có vị mặn, tính ôn, có tác dụng bổ phế thận, ích tinh, trợ dương, chữa hen suyễn…
Từ tác dụng dược lý như trên, cộng thêm lời đồn đại, thổi phồng của những tay chuyên mua bán động vật hoang dã khiến nhiều người tin theo và tìm mua bằng được tắc kè về làm thuốc. Đặc biệt, trong những chuyến tham quan chùa Hang (Kiên Giang)và vùng Bảy Núi (An Giang), du khách thường mua vài con tắc kè phơi khô, vài hũ rượu tắc kè đem về tẩm bổ hoặc làm quà biếu cho người thân, bạn bè. Tuy nhiên, theo lương y Đinh Công Bảy, Tổng thư ký Hội Đông y TP.HCM, người sử dụng tắc kè hoa phải tuân thủ theo nguyên tắc, quy định mới có tác dụng.
Như vậy, không phải ai cũng có thể dùng tắc kè làm thuốc đại bổ. Tuy nhiên, khi có nhiều người mua thì những người săn bắt lại hoạt động ráo riết để tìm đủ hàng phục vụ cho “thượng đế”. Mấy năm trước, khi tới chợ biên giới Tịnh Biên (An Giang), chỉ thấy vài ba người bán tắc kè bên góc phố. Còn bây giờ, họ bày bán khắp nơi, từ tắc kè sống, tắc kè phơi khô cho đến tắc kè ngâm rượu… Trên các tuyến đường thuộc Khu du lịch núi Cấm cũng có điểm bán tắc kè hoa, tắc kè bay, tắc kè phơi khô một cách vô tư, mặc dù họ vẫn biết đây là loại động vật cấm săn bắt và mua bán.
Viện Sinh học nhiệt đới TP.HCM cũng từng thông báo “Tắc kè thuộc nhóm động vật quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam. Mọi hoạt động liên quan đến săn bắt, mua bán là bất hợp pháp”. Thế nhưng, nhiều người vẫn làm trái quy định khiến cho loài động vật hoang dã này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Cần khuyến khích nuôi
Bên cạnh những đối tượng săn bắt tắc kè vô tội vạ thì vẫn còn một số nông dân miền núi chấp hành tốt quy định của ngành kiểm lâm. Họ không mua bán tắc kè hoang dã mà lại có sáng kiến nuôi tắc kè cho sinh sản để có đủ hàng cung cấp cho các cơ sở chế biến rượu thuốc và làm thuốc, nhưng hiệu quả kinh tế không cao vì đây là một loài động vật rất khó nuôi.
Do vậy ở một số nơi, ngày nào cũng có người đi săn bắt và mua bán tắc kè. Họ săn tìm trên núi, trong rừng, chùa, miễu… hễ nơi nào có tắc kè là họ có mặt. Với giá bán mỗi con từ 40.000 - 50.000 đồng như hiện nay, một người chỉ cần bắt được 5 con/ngày cũng đủ trang trải chi phí cho gia đình. Từ đó, việc kinh doanh tắc kè cũng đã chuyển từ nhỏ lẻ thành những điểm thu mua quy mô lớn, chuyên làm thịt, phơi khô để bán cho du khách hoặc cung cấp tắc kè sống cho các nhà hàng đặc sản. Chính những điểm thu mua này đã kích thích nhiều tay săn bắt lùng sục khắp nơi, khiến cho tắc kè trong tự nhiên ngày một giảm đi.
Nếu thật sự tắc kè là nguồn dược liệu quý, các ngành chức năng cần có phương án hỗ trợ người dân mở trại chăn nuôi, nhằm đảm bảo đủ nguồn cung ứng dược liệu cho thị trường và hạn chế việc săn bắt vô tội vạ. Còn như tình hình hiện nay, chắc chắn tương lai không xa, loài động vật quý hiếm này sẽ cạn kiệt và ảnh hưởng đến sự cân bằng sinh thái.
Thiên Lộc
Bình luận (0)