Tác phẩm ‘Demon Copperhead’ của Barbara Kingsolver đoạt giải Pulitzer

09/05/2023 11:06 GMT+7

Lễ trao giải thưởng Pulitzer vừa diễn ra tại Đại học Columbia, Mỹ vào rạng sáng ngày 9.5 (giờ VN). Các cuốn sách được chia làm sáu hạng mục khác nhau để tranh giải gồm: hư cấu, lịch sử, tiểu sử, hồi ký hoặc tự truyện, thơ và phi hư cấu.

Ở hạng mục hư cấu, tác phẩm Demon Copperhead của Barbara Kingsolver đoạt giải. Trang Pulitzer.org nhận định: "Một bản mô phỏng tuyệt vời hình tượng David Copperfield được cậu bé Demon thuật lại với giọng khôn ngoan, kiên định về những lần cậu gặp phải nghèo đói, nghiện ngập, thất bại và sự suy sụp đạo đức cùng những nỗ lực của cậu để chinh phục mọi thứ".

Demon Copperhead là tiếng nói của mọi thời đại, tương tự như Adventures of Huckleberry Finn hay Holden Caulfield, thậm chí còn kiên cường hơn", nhà văn, nhà báo Beth Macy, tác giả của cuốn Dope Sick nhận định.

"Có thể là cuốn tiểu thuyết hay nhất năm 2022. Vừa hài hước vừa đau lòng, đây là câu chuyện về một cậu bé bất cần đời, không ai muốn nhưng độc giả sẽ yêu thích", Ron Charles tờ Washington Post viết.

Tác phẩm ‘Demon Copperhead’ của Barbara Kingsolver đoạt giải Pulitzer - Ảnh 1.

Nhà văn Barbara Kingsolver và tác phẩm Demon Copperhead

USA TODAY

Là tác giả nổi tiếng của The Poisonwood Bible The Bean Trees, nhà văn Barbara Kingsolver đã viết một cuốn tiểu thuyết tuyệt vời làm say mê, thôi thúc và chiếm lấy trái tim độc giả vì gợi lên hành trình trưởng thành khó quên của một người hùng trẻ tuổi.

Lấy bối cảnh ở vùng núi phía nam Appalachia, Demon Copperhead là câu chuyện về một cậu bé được sinh ra bởi người mẹ đơn thân vào tuổi thiếu niên trong một chiếc xe rơ-moóc, không có tài sản gì ngoài ngoại hình điển trai và mái tóc màu đồng của người cha đã khuất, một trí thông minh cay độc và một tài năng thiên bẩm để tồn tại.

Được tiếp nối bằng giọng nói không khoan nhượng, Demon dũng cảm đối mặt với những hiểm họa thời hiện đại như việc chăm sóc, nuôi dưỡng, lao động trẻ em, trường học bỏ hoang, áp lực thành công trong thể thao, nghiện ngập, tình yêu tai hại và những mất mát tan nát. Thông qua tất cả những điều đó, Demon nghĩ đến khả năng tàng hình của chính mình trong một nền văn hóa đại chúng, nơi ngay cả những siêu anh hùng cũng bỏ rơi người dân nông thôn để đến với các thành phố lớn.

Thế kỷ 19, Charles Dickens đã viết tác phẩm David Copperfield từ kinh nghiệm của mình với tư cách là người sống sót sau cảnh nghèo đói do thể chế và những thiệt hại của nó đối với trẻ em trong xã hội của ông.

Tác phẩm ‘Demon Copperhead’ của Barbara Kingsolver đoạt giải Pulitzer - Ảnh 2.

Tiểu thuyết gia Barbara Kingsolver

E.W

Những vấn đề đó vẫn chưa được giải quyết trong thời hiện đại. Dickens là sự gợi mở với độc giả qua cuốn tiểu thuyết Demon Copperhead, cung cấp nguồn cảm hứng để Barbara Kingsolver viết.

Khi chuyển một cuốn tiểu thuyết sử thi thời Victoria sang miền Nam nước Mỹ đương đại, Barbara Kingsolver khơi dậy sự tức giận và lòng trắc ẩn của Dickens. Nhưng trên hết là niềm tin vào sức mạnh biến đổi mọi thứ của một câu chuyện hay.

Demon Copperhead đại diện cho một thế hệ mới của những cậu bé lạc lối - những người được sinh ra ở những nơi được cho là giàu có, xinh đẹp lại bị nguyền rủa và họ không thể tưởng tượng được việc bị bỏ lại phía sau.

Barbara Kingsolver là tác giả của 10 tác phẩm hư cấu bán chạy nhất, bao gồm các tiểu thuyết: Unsheltered, Flight Behavior, The Lacuna, The Poisonwood Bible, Animal Dreams, The Bean Trees… cũng như các tập thơ, tiểu luận.

Các tác phẩm của Kingsolver đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng, giành được nhiều giải thưởng văn học cũng như cảm tình của độc giả trong và ngoài nước Mỹ. Bà được trao tặng Huân chương Nhân văn Quốc gia, vinh dự cao nhất của nước Mỹ cho sự phục vụ thông qua nghệ thuật, cũng như Giải thưởng Hòa bình Văn học Dayton cho các tác phẩm của bà. Kingsolver sống cùng gia đình tại một trang trại ở miền nam Appalachia.

Năm tác phẩm khác thắng giải Pulitzer gồm Freedom's Dominion: A Saga of White Resistance to Federal Power của Jefferson Cowie (hạng mục lịch sử); His Name Is George Floyd của Robert Samuels và Toluse Olorunnipa (phi hư cấu); G-Man của Beverly Gage (tiểu sử); Then the War của Carl Phillips (thơ) và Stay True của Hua Hsu (hồi ký hoặc tự truyện).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.