Là một tác giả có danh tiếng không chỉ riêng tại quê nhà Nhật Bản mà còn trên cả toàn cầu, nên việc ra mắt cuốn tiểu thuyết mới đã khiến độc giả của Haruki Murakami đứng ngồi không yên. Bên cạnh việc chờ tác phẩm dày hơn nghìn trang này được chuyển ngữ, nhiều độc giả đã tìm đến những lời đánh giá. Và, một sự phân cực là có thể thấy.
Cuốn tiểu thuyết được chia ra làm 3 phần, phần đầu dựa trên truyện ngắn cùng tên đã được ra mắt vào năm 1980 của Murakami, mà ông từng coi là một tác phẩm thất bại và đã hy vọng một ngày nào đó sẽ viết trở lại. Trong đó, một người kể chuyện nam giới tìm kiếm người bạn gái từ thời niên thiếu của mình, đã di chuyển giữa thế giới thực và một thành phố giả tưởng - nơi được bao quanh bởi một bức tường rất cao.
Trong phần hai, nhân vật chính rời bỏ công việc của mình để đến làm trong thư viện của một thị trấn mới. Và trong phần ba, câu chuyện quay trở lại thành phố có tường bao quanh.
Theo bảng xếp hạng từ các nhà phân phối Nippan và Tohan, đây là tác phẩm bán chạy nhất mọi thể loại nếu xét trong nửa đầu năm 2023, đánh bại cuốn sách hướng dẫn cho trò chơi Pokemon mới nhất của Nintendo Switch.
Về mặt đánh giá, các nhà phê bình tỏ ra tích cực với tác phẩm này, khi chiếm “áp đảo” vẫn là những lời khen ngợi. Dù vậy một số nhận xét cũng khá mơ hồ như là cốt truyện của cuốn tiểu thuyết.
Viết cho thời báo Nikkei (Nhật Bản), nhà phê bình Yoshinori Shimizu nhìn nhận: “43 năm từ khi nguồn cảm hứng gốc ra đời, thế nhưng tác phẩm mới nhất của Murakami vẫn đi sâu vào khám phá những nỗi lo lắng cũng như cô đơn của những cá nhân hiện đại, của những người luôn giữ một cái tôi riêng biệt trong trái tim mình. Có cảm giác như cuốn sách này giúp cho chúng ta có sự can đảm để vượt qua những bức tường của trái tim độc giả”.
Trong khi đó nhà xã hội học Daisaburo Hashizume lại có cách nhìn tương đối lãng mạn trong một bài viết trên tờ Mainichi (Nhật Bản): “Mục tiêu cuối cùng của văn học không phải là việc tìm kiếm một thế giới khác ngoài thế giới này, mà là tìm ra khả năng cho bất kỳ ai đi lại tự do giữa những giấc mơ được dệt nên bởi văn học và thế giới này, đồng thời làm phong phú thêm cuộc sống của họ”.
Theo đó, thành phố có tường cao bao quanh cũng từng xuất hiện trong tác phẩm nổi tiếng Xứ sở kỳ diệu tàn bạo và chốn tận cùng thế giới của Murakami, ra mắt năm 1985. Khá nhiều độc giả trên diễn đàn đọc sách Bookmeter của Nhật chỉ ra điều này, vì phần lớn người hâm mộ đã quen với kiểu “oeuvre” (những chi tiết trở đi trở lại trong các tác phẩm) của Murakami. Có nhiều nghi vấn đã được đưa ra, khi nhiều người cho rằng cuốn tiểu thuyết này là một bản viết lại, hoặc một đoạn kết dùng thay thế cho cuốn tiểu thuyết trên.
Trong tác phẩm đó, có một vùng đất kỳ lạ được gọi là chốn tận cùng thế giới được bao quanh bởi bức tường thành cao đến 10 mét mà chỉ có chim mới bay qua được. Con người ở vùng đất này sống lặng lẽ, không khổ đau, không lo lắng, vì họ đã bỏ lại cái bóng của mình ở ngoài tường thành.
Tại đó, nhân vật “tôi” có nhiệm vụ là đọc các “giấc mơ xưa” tại thư viện, nhưng do mới tách ra khỏi cái bóng của mình chưa lâu, anh vẫn còn khả năng gợi lại ký ức, vẫn cảm thấy bất an trong xứ sở hoàn hảo này. Anh đứng trước hai lựa chọn, hoặc dấn thân vào những hiểm nguy vô hình để tìm đường thoát ra, hoặc ở lại và vĩnh viễn từ bỏ tâm hồn mình, một khi cái bóng đã chết hẳn...
Trong cuốn sách Haruki Murakami và âm nhạc của ngôn từ được viết bởi Jay Rubin, ông đã cho rằng nơi “tận cùng thế giới” dường như thuộc về một thị trấn có tường theo lối Trung cổ, nhưng về sau các dẫn dắt về nhà máy bỏ rơi, đèn điện, các sĩ quan quân đội lỗi thời và trại lính trống trơn… cho thấy một cái gì đó tương tự thế giới hậu nguyên tử (hay có lẽ là hậu chiến) với những gợi nhớ điêu tàn về quá khứ khó lòng có thể nhớ hết được.
Ngoài việc phát hiện ra điều kể trên, các độc giả yêu thích nhà văn Haruki Murakami cho thấy rằng tiểu thuyết mới này cũng theo mô típ của nhiều tác phẩm đã được ra đời từ cuốn đầu tay Lắng nghe gió hát.
Đó là hình mẫu các nam nhân vật thường hay bơ phờ cũng như bối rối về mặt thế hệ khi phải tồn tại trong một xã hội gần như xa lạ, đôi khi tuyệt vọng. Còn với những người phụ nữ, Murakami thường dành quá ít thời lượng cho họ, khiến họ gần như vô hình trong các tác phẩm.
Tuy nhiên sự đồng thuận chung đến từ đa số độc giả là họ vẫn còn mơ hồ. Nhận xét có nhiều lời bình luận nhất nói rằng: “Như mọi tác phẩm của Haruki Murakami, tôi không bao giờ hiểu chúng, nhưng tôi ưa thích đắm chìm trong bầu không khí và đọc đến cuối”, một độc giả viết.
Một độc giả khác lần đầu tiên đọc Murakami còn mâu thuẫn hơn khi đã viết rằng: “Cuốn sách này tương đối dài. Suy nghĩ thường trực của bản thân tôi khi đọc nó là ‘Nó đang nói về cái gì?’... Thật khó hiểu, nhưng dù sao thì tôi cũng đã đọc hết, và tôi nghĩ mình sẽ muốn thử thêm tác phẩm khác của Murakami”.
Bình luận (0)