Tách hay không tách?

12/11/2020 04:23 GMT+7

Nhiều đại biểu Quốc hội không hiểu tại sao lại phải tách luật Giao thông đường bộ sửa đổi thành 2 luật trong khi bản chất của vấn đề chỉ là việc chuyển sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.

“Không ổn tí nào” là tâm trạng của nhiều đại biểu khi thảo luận đề xuất tách luật Giao thông đường bộ sửa đổi thành 2 luật Giao thông đường bộ do Bộ GTVT chủ trì soạn thảo và luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì.
Nhiều đại biểu “không thấy thuyết phục” và cũng không hiểu tại sao lại phải tách thành 2 luật trong khi bản chất của vấn đề chỉ là việc chuyển nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.

Dẫn lại Chỉ thị 18 và Kết luận 45 của Ban Bí thư được Chính phủ dẫn ra như cơ sở pháp lý và chính trị để tách luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ thành luật riêng, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, 2 văn bản này chỉ yêu cầu “tiến hành rà soát, sửa đổi bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật về trật tự an toàn giao thông phù hợp với tình hình mới” chứ không hề yêu cầu phải xây dựng một luật riêng.
Ngay cả Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, cơ quan “gác cổng” về tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản pháp luật của Quốc hội cũng phải than phiền rằng, dù đã rất cố gắng để phân định phạm vi điều chỉnh của 2 luật này, song “vẫn không thể hiểu được”. Vì lẽ rằng, dù là giao thông tĩnh hay giao thông động; cơ sở hạ tầng hay phương tiện, con người thì các quy định đều hướng đến việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.
Trên thực tế, việc phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Do đó, nếu như Chính phủ đã “nhất trí cao” về vấn đề này thì việc tách thành 2 dự luật là hoàn toàn không cần thiết. Phương án khả thi và thuyết phục hơn rất nhiều là Chính phủ trình một dự án luật trong đó dành 1 chương, thậm chí là nhiều chương cho các quy định về bảo đảm an toàn giao thông mà không cần tách luật.
Khi nói về sự “không ổn” của việc tách luật, đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã có so sánh thú vị rằng, việc tách luật giống như con lợn có 4 chân thì bây giờ xẻ thành 2 con lợn có 2 cái chân thì nó không còn là lợn nữa. Thực tế, việc tách luật một cách khiên cưỡng không chỉ khiến con lợn không còn là con lợn; tệ hơn, từ một con lợn lành, ta nhận lại tới 2 con lợn bị què.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.