Việc tách ra hay sáp nhập sở không phải là mấu chốt của hoạt động hiệu quả, mà ở yếu tố con người. Đây là câu chuyện muôn thuở của các cơ quan quản lý nhà nước tại VN.
Năm 2007, Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch (VH-TT-DL) được thành lập trên cơ sở sáp nhập ngành du lịch và thể thao vào cơ quan này. Các Sở Du lịch ở địa phương vì thế cũng được nhập chung vào với ngành văn hóa và thể thao, thành Sở VH-TT-DL.
Tuy nhiên, sau 8 năm hoạt động, những bất cập trong quá trình hoạt động chung với nhau dần lộ rõ, nên vào năm 2014, một số địa phương lại tách ngành du lịch ra, tái thành lập Sở Du lịch. Địa phương tái lập Sở Du lịch đầu tiên là TP.HCM, theo sau có Hà Nội…
Là người theo dõi lĩnh vực du lịch suốt một thời gian dài, tôi nhận thấy việc sáp nhập ngành du lịch vào các ngành khác là không ổn. Ngành du lịch có đặc thù riêng, bởi cơ bản nó là một ngành kinh tế dịch vụ, đem lại lợi nhuận cho nền kinh tế. Việc quản lý du lịch cũng khác, do liên quan đến nhiều yếu tố nhạy cảm cả việc du khách trong nước đi du lịch nước ngoài và khách quốc tế du lịch vào VN.
|
Báo chí vào cuộc đã phát hiện ra trên địa bàn TP.HCM có rất nhiều công ty du lịch kinh doanh lữ hành quốc tế khi chưa có giấy phép. Đây là lỗi vô cùng nghiêm trọng trong hoạt động du lịch, vì nếu không đảm bảo về tài chính, năng lực điều hành mà tổ chức đưa người Việt đi nước ngoài là rất nguy hiểm. Nếu xảy ra tình huống thiếu tiền như trên, hàng trăm người Việt đã không biết quay về VN bằng cách nào, buộc nhà nước phải vào cuộc.
Đổ lỗi cho việc vì sao có nhiều công ty du lịch hoạt động không giấy phép của cơ quan quản lý, một trong những lý do đầu tiên là thiếu lực lượng thanh kiểm tra. Khi sáp nhập, cán bộ thanh kiểm tra của ngành du lịch còn kiêm nhiệm cả công việc của ngành “anh em” nên không thể bao quát hết.
Tương tự, nạn du lịch “chui” cũng đang hoành hành ở TP.HCM khi nhiều công ty du lịch nước ngoài núp bóng đại diện pháp luật VN đưa khách Việt đi nước ngoài. Theo quy định, các công ty nước ngoài không được phép khai thác thị trường khách VN. Đó là nguyên tắc, cả thế giới đều cấm. Nhưng ở VN, tình trạng này kéo dài nhưng cơ quan quản lý không tìm cách khả thi để xóa bỏ, nhất là các công ty du lịch Hàn Quốc, Nhật Bản.
Ở chiều ngược lại, các công ty du lịch Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc đưa khách của họ vào VN nhưng không thông qua các công ty du lịch VN làm dịch vụ. Trong khi, các công ty VN đưa khách VN qua nước họ đều phải thuê lại các công ty bản địa. Điều này là bắt buộc, còn ở VN, có bắt buộc cũng như không. Chưa kể, lực lượng hướng dẫn viên du lịch “chui” có mặt ở hầu hết điểm tham quan phổ biến trong nước. Những hướng dẫn viên này có quốc tịch nước ngoài nhưng hoạt động ở thị trường VN. Luật Du lịch của VN cấm điều đó.
Không khó để bắt tận tay và xử phạt tình trạng hướng dẫn viên “chui”, công ty du lịch núp bóng, vì họ không thể ngồi ở nhà để điều khiển từ xa. Họ phải theo du khách đến điểm tham quan. Nhưng một trong những lý do chính để biện hộ cho tình trạng này của ngành du lịch vẫn là thiếu người thanh kiểm tra.
Ở tầm cao hơn, việc sáp nhập Tổng cục Du lịch vào chung ngành văn hóa – thể thao cũng mang lại những sự cố chấn động, gây bức xúc dư luận. Chẳng hạn năm 2013, tại Hội chợ Du lịch quốc tế ITB Berlin, trong gian hàng của ngành du lịch VN xuất hiện bức ảnh khổ lớn cảnh Lạc Sơn Đại Phật, một phong cảnh nổi tiếng của Trung Quốc. Sau đó, bức ảnh đã bị tháo bỏ nhưng vẫn được các doanh nghiệp VN tham gia hội chợ tố cáo với báo chí. Ngành du lịch phải thừa nhận lỗi.
Khách du lịch Việt bị bỏ rơi nhốn nháo trong khách sạn ở Thái Lan - Ảnh do thành viên trong đoàn cung cấp
|
Việc nhập ngành du lịch vào ngành văn hóa – thể thao đã khiến Tổng cục Du lịch và Bộ VH-TT-DL dẫm chân lên nhau trong quá trình quảng bá, tiếp thị điểm đến VN. Ngân sách rót xuống được chia một ít cho Tổng cục Du lịch, còn phần lớn hơn đưa về Vụ Quan hệ quốc tế (thuộc Bộ VH-TT-DL) để cùng nhau làm quảng cáo. Có lẽ vì thế nên phần ai nấy làm, thành ra qua bao năm, chất lượng quảng bá điểm đến VN vẫn rất nghèo nàn. Thực tế chứng minh rất nhiều hội chợ quốc tế, gian hàng VN kém xa các nước trong khu vực. Thậm chí, tại Hội chợ du lịch quốc tế TP.HCM hàng năm, gian hàng của TP.HCM xấu tệ hại so với gian hàng Thái Lan, Campuchia…
Có một điều cần phải khẳng định là, những yếu kém như trên của ngành du lịch VN không phải không tồn tại ở thời kỳ trước khi sáp nhập. Nhưng kể từ lúc sáp nhập, những tồn tại đó bùng phát, thể hiện một cách rõ ràng hơn. Chính vì vậy, khi xảy ra những sự cố như 700 khách bị bỏ ở Thái Lan hay quảng bá nhầm cảnh Trung Quốc ở gian hàng của VN…, tôi đã công khai ủng hộ việc tách sở. Quan điểm của tôi là, tách sở sẽ chủ động hơn trong quá trình điều hành, hoạt động, qua đó thúc đẩy du lịch VN phát triển, siết chặt quản lý, mang lại nguồn thu lớn hơn cho nền kinh tế.
Đề xuất của tôi nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia và cả cơ quan quản lý. Cùng thời điểm, ngành du lịch TP.HCM làm đề án tái thành lập Sở Du lịch cũng đã nhận được sự chấp thuận của UBND TP.HCM… Đến năm 2014, đề án tái lập sở được thông qua và TP.HCM là địa phương đầu tiên có Sở Du lịch sau 8 năm.
Tính từ đó cho đến nay, Sở Du lịch TP.HCM đã hoạt động được gần 2 năm. Tuy nhiên, điều bất ngờ là những dấu ấn để lại sau khi tái lập sở vô cùng mờ nhạt. Những tồn tại yếu kém của du lịch TP.HCM vẫn còn đó với nạn hàng rong chèo kéo, đeo bám du khách nhưng sở không có phương án đề xuất phối hợp nào; vấn nạn du lịch “chui”, hướng dẫn viên “chui” vẫn còn y nguyên; quảng bá nghèo nàn… Thậm chí, Sở Du lịch TP.HCM còn không thiết kế nổi một trang web riêng, tồn tại độc lập mà phải “ăn nhờ, ở đậu” trong trang web chung của UBND TP.HCM. Ở nhiều mục, trang web không cập nhật thông tin, tin mới nhất có từ giữa năm ngoái. Trong khi, trang web du lịch của các thành phố trong khu vực có tới 5 – 7 thứ tiếng, tận dụng mạng xã hội để quảng bá… thì du lịch TP.HCM đơn sơ như nhà tranh vách lá với 2 thứ tiếng Anh – Việt, lèo tèo mấy điểm tham quan.
Tôi từng bày tỏ trên mạng xã hội của mình rằng, một trong những điều khiến tôi cảm thấy hối hận nhất trong vài ba năm gần đây trong nghề viết báo là từng công khai ủng hộ việc tách sở. Tách ra để làm gì khi hiệu quả không tích cực hơn, mà còn khiến cho ngân sách thâm thủng thêm khi bộ máy nhân sự ngày càng đông để đầy đủ ban bệ trong một sở?
Tóm lại, vấn đề tôi muốn nói ở đây là, việc tách ra hay sáp nhập sở không phải là mấu chốt của hoạt động hiệu quả, mà ở yếu tố con người. Đây là câu chuyện muôn thuở của các cơ quan quản lý nhà nước tại VN. Với đội ngũ cán bộ trì trệ trong tư duy, chẳng hạn cứ xem việc cướp giật hay hàng rong chèo kéo du khách là việc chung của xã hội, chung của các ban ngành, nên không tìm phương án đề xuất xử lý, thì còn lâu du lịch VN mới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Vậy nên, tách sở thực ra cũng là bình cũ rượu cũ, chứ không phải bình mới rượu cũ.
Bình luận (0)