Bé P.L.T.K (19 tháng tuổi, ở Quảng Ngãi) được ba mẹ đưa đến Bệnh viện đa khoa Gia Đình thăm khám hồi đầu tháng 4.2022 về tình trạng ở mỗi bàn tay đều có 3 ngón tay giữa, áp út và út bị dính lại với nhau. Ba mẹ bé cho hay, gia đình đã đi thăm khám nhiều nơi và được biết sẽ phải phẫu thuật hơn 2 lần do mức độ dính của các ngón tay rất chặt.
Bàn tay của bé K. trước khi phẫu thuật |
BV Gia đình Cung cấp |
Sau khi thăm khám, kiểm tra, làm các cận lâm sàng cần thiết và hội chẩn, ê kíp bác sĩ quyết định sẽ phẫu thuật cho cháu trong một lần duy nhất.
Ca phẫu thuật đã diễn ra thành công sau 5 giờ đồng hồ với sự phối hợp của ThS.BS Nguyễn Đình Hòa (chuyên khoa cơ xương khớp), ThS.BS Phạm Ngọc Quang (phẫu thuật tạo hình), BS CKI Đoàn Thị Nguyệt Thủy (gây mê hồi sức) cùng các cộng sự.
Đây là một phẫu thuật tách dính ngón tay rất phức tạp, dễ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, chưa kể sau mổ có thể có những nguy cơ như hoại tử vạt da ghép, hoại tử ngón tay sau phẫu thuật, tổn thương thần kinh ngón, có thể khiến ngón tay của trẻ mất cảm giác.
Bé K. sau phẫu thuật được mang nẹp và xuất viện sau lần đầu thay băng, tái khám mỗi tuần. Sau lần thay băng thứ 3, ba mẹ của cháu bé vui mừng chia sẻ các ngón tay sau khi tách dính của 2 bàn tay cháu đã hồi phục rất tốt.
Sau phẫu thuật, các ngón tay trên 2 bàn tay của bé K. phục hồi rất tốt |
bv gia đình cung cấp |
Theo các bác sĩ, dị tật dính ngón tay bẩm sinh (Syndactyly) là dị tật đứng hàng thứ hai trong các dị tật của bàn tay (sau tật thừa ngón tay). Tần suất trẻ dính ngón tay bẩm sinh chiếm khoảng 1/2.000 trẻ sơ sinh với nhiều mức độ từ nhẹ tới nặng như: chỉ dính da, dính phức tạp cả xương, dính nhiều ngón tay.
Trẻ nên được phẫu thuật trước tuổi đến trường (2-4 tuổi). Nếu không điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến chức năng vận động của cơ thể, đặc biệt ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ và tâm lý của cha mẹ.
Bình luận (0)