Tái bản ‘Địa ngục’ trong ‘Thần khúc’ của Dante

23/10/2021 16:41 GMT+7

Bản dịch phần Địa ngục trong Thần khúc vừa ra mắt sáng 23.10 tại Đại sứ quán Italia (HàNội) nhân dịp kỷ niệm 700 năm ngày mất của đại thi hào Dante (1265 – 1321) .

Thần khúc là tác phẩm vĩ đại nhất của nhà thơ kiệt xuất Dante. Tác phẩm được đánh giá là bộ Bách khoa toàn thư về đời sống, một bảo tàng về vẻ đẹp của văn hóa và ngôn ngữ Italia, cũng là đại diện vĩ đại nhất của văn học trung cổ thế giới.

Sinh thời, PGS.Nguyễn Văn Hoàn – người dịch toàn bộ Thần khúc ra tiếng Việt từ nguyên bản tiếng Italia cho biết: Theo kết quả điều tra khảo sát từ khoảng 150 cơ sở nghiên cứu, đào tạo nổi tiếng và lâu đời nhất trên thế giới, thì Dante và Thần khúc vẫn là tác giả, tác phẩm được nghiên cứu nhiều nhất trong nền văn hóa, khoa học và lịch sử Italia. Chính điều này khiến ông quyết tâm dịch trọn vẹn Thần khúc mà phần Địa ngục được ông dịch đầu tiên.

Bản dịch Địa ngục trong Thần khúc (NXB Khoa học Xã hội, 2021)

K.M.S

PGS Nguyễn Văn Hoàn bắt đầu dịch Thần khúc của Dante từ năm 1980. Khi đó ông vừa là Phó Viện trưởng Viện Văn học đồng thời là giảng viên, phụ trách giáo trình Văn học Italia tại Khoa Văn học trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Chính từ nhu cầu của bài giảng phải đưa ra những dẫn chứng cần trích dẫn cho sinh viên, ông bắt đầu dịch từng đoạn của Thần khúc sang tiếng Việt. Sau đó, tiến lên một bước, ông dịch từng chương quan trọng. Và cuối cùng, toàn bộ Thần khúc từ nguyên bản tiếng Italia được PGS Nguyễn Văn Hoàn hoàn thành việc chuyển ngữ sang tiếng Việt: gồm 100 khổ thơ với 14.226 câu thơ trong cả ba phần Địa ngục, Tĩnh ngụcThiên đường.

Năm 2005, bản dịch Thần khúc phần thứ nhất Địa ngục đã ra mắt bạn đọc Việt Nam do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành. Thêm 4 năm dịch giả Nguyễn Văn Hoàn tiếp tục sửa chữa và bổ sung cho hai phần còn lại, để bản dịch toàn bộ ba phần được hoàn thiện.

Bà Nguyễn Đặng Lan Phương, con gái PGS Nguyễn Văn Hoàn kể lại: Sinh thời, cha bà chia sẻ, ông không dịch thành thơ và không thể nào theo vần luật của Dante. Ông chỉ cố để bạn đọc Việt Nam có cơ hội tiếp cận Thần khúc, để đọc được, hiểu được và cảm nhận được phần nào đó cái hay, cái đẹp trong tinh thần của nguyên tác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.