Tái chế nhựa, dệt may... sẽ là tương lai của nền kinh tế

09/08/2024 18:52 GMT+7

Tương lai của nền kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ là các sản phẩm từ tái chế. Hiện Việt Nam đã có công nghệ tái chế nhựa khép kín từ "chai đến chai" (bottle to bottle), nhiều lĩnh vực quan trọng khác đặc biệt như dệt may cần đầu tư vào công nghệ khép kín từ "sợi sang sợi" (fiber to fiber).

Ngày 9.8, tại TP.HCM, Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam (VWRA) tổ chức tọa đàm với chủ đề "Cơ hội đầu tư, xúc tiến thương mại trong ngành tái chế, xử lý chất thải tại Việt Nam"; nhân kỷ niệm 3 năm thành lập VWRA.

Tái chế nhựa, dệt may... sẽ là tương lai của nền kinh tế
- Ảnh 1.

VWRA chào đón các hội viên mới

CHÍ NHÂN

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch VWRA, nhận định: Hiệp hội ra đời đúng vào thời điểm Việt Nam và thế giới bước vào giai đoạn kinh tế tuần hoàn và trong 3 năm qua đã có nhiều đóng góp thiết thực, ý nghĩa vào nền kinh tế cũng như công tác bảo vệ môi trường. Hội cũng tổ chức được hơn 80 hoạt động, sự kiện liên quan tới công tác tham vấn, phản biện chính sách, tham luận liên quan đến chủ đề tái chế và bảo vệ môi trường. "Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới hoạt động học đường với kỳ vọng sẽ xây dựng một thế hệ tương lai không tạo ra chất thải", ông Việt Anh tâm huyết.

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) đánh giá cao những đóng góp của VWRA trong thời gian qua và cho rằng tái chế chính là tương lai của nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam. Tại các nước phát triển như EU, hiện nay tái chế là yêu cầu bắt buộc đối với nhiều sản phẩm. Điều này cũng mở ra cơ hội cho lĩnh vực tái chế ở Việt Nam.

Đại diện Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam cho biết, Quỹ có ngân sách hơn 3.000 tỉ đồng để hỗ trợ các dự án liên quan đến lĩnh vực tái chế, thu gom, xử lý chất thải cũng như các dự án năng lượng xanh. Thời gian cho vay tối đa lên tới 10 năm và lãi suất chỉ có 2,6%/năm. Thời gian qua, quỹ đã hỗ trợ cho 79 dự án với tổng số vốn giải ngân trên 1.300 tỉ đồng. Đây là Quỹ của trung ương trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngoài ra còn có 47 quỹ cấp tỉnh thành với vốn tối thiểu đến 30 tỉ đồng. Đây là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực môi trường và tái chế.

Đại diện Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), bà Phan Tùng Chi, đặt vấn đề: Ở Việt Nam, lĩnh vực tái chế nhựa có thể tự hào đã đạt trình độ và công nghệ khép kín (bottle to bottle) "chai đến chai" của Công ty cổ phần Nhựa Tái chế Duy Tân. Đây là trình độ tái chế thượng nguồn của thế giới hiện nay. Trong khi đó, một lĩnh vực rất quan trọng với môi trường và nền kinh tế Việt Nam chính là dệt may thì mới chỉ tái chế rất ít và công nghệ tái chế hạ nguồn chưa đạt được trình độ khép kín tuần hoàn như ngành nhựa theo yêu cầu của thế giới. Đây không chỉ là vấn đề cạnh tranh giữa các doanh nghiệp với nhau mà còn là cạnh tranh giữa quốc gia với quốc gia. Trong lĩnh vực này, đối thủ lớn của chúng ta là Bangladesh. Điều này cũng cho thấy, chúng ta còn có nhiều dư địa để phát triển trong lĩnh vực này.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.