10 năm chưa nhận được cổ tức

26/12/2018 15:39 GMT+7

Cuối năm trong khi các công ty tăng tiền thưởng, chia cổ tức thì cũng có nhiều doanh nghiệp lại tiếp tục điệp khúc dời ngày chia lãi cho cổ đông.

Doanh nghiệp liên tục khất cổ tức

Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Cường Thuận Idico (CTI) sẽ điều chỉnh ngày thanh toán cổ tức năm 2017 theo tỷ lệ 8% từ 28.12.2018 sang ngày 28.3.2019 - tức lùi thời gian thêm 3 tháng. Nguyên nhân được đưa ra là do công ty đang tập trung nguồn tài chính cho dự án mới phát sinh.
Tương tự, Công ty cổ phần Sông Đà 9 (SD9) cũng lùi ngày thanh toán cổ tức thêm 3 tháng, từ ngày 26.12.2018 sẽ chuyển sang ngày 29.3.2019. Công ty cho biết do đang có nhu cầu vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh nên chưa thu xếp đủ tiền để thanh toán cổ tức năm 2017 cho cổ đông.
Các công ty lùi ngày cổ tức còn có thể kể đến như Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và công nghệ Tiến Trung (TTZ) lùi ngày chi trả cổ tức 2016 từ 31.12.2018 như thông báo trước đó đến ngày 31.12.2019. Lý do được thông báo là nguồn tiền chi trả cổ tức được công ty dự kiến từ thu hồi công nợ của khách hàng nhưng chưa thu được.
Hay Công ty cổ phần Giao thông Đồng Nai (DGT) lần thứ 5 lùi thời hạn trả cổ tức năm 2015 từ ngày 31.12.2018 đến ngày 28.6.2019 vì chưa chủ động được nguồn tiền theo kế hoạch.
Nhưng có lẽ lập kỷ lục về số lần hoãn và thời gian chi trả cổ tức kéo dài là Công ty cổ phần Sông Đà 9.06 (S96). Công ty này mới thông báo hoãn thời gian trả cổ tức bằng tiền năm 2010 thêm 3 năm nữa, từ ngày 31.12.2018 đến ngày 31.12.2021 do chưa thu xếp được nguồn tiền. Đây là lần thay đổi thứ 9 về thời hạn trả cổ tức trên. Trong khi dó, danh sách cổ đông nhận cổ tức đã được chốt vào ngày 1.7.2011 với tỷ lệ thanh toán 20% bằng tiền mặt. Như vậy cổ đông của S96 sẽ chờ ròng rã hơn 10 năm mà chưa biết có nhận được cổ tức hay không. Cổ phiếu S96 đã bị hủy niêm yết trên sàn Hà Nội và đang giao dịch trên UPCoM với giá 400 đồng/cổ phiếu nhưng hầu như không có thanh khoản.
Một cổ phiếu họ Sông Đà khác cũng có kỷ lục kéo dài thời gian chi trả cổ tức là Công ty cổ phần Simco Sông Đà (SDA) mới đây thông báo phải đến 3 năm nữa mới trả cổ tức năm 2011 và năm 2013. Cụ thể theo thông báo trước đó SDA sẽ trả cổ tức bằng tiền của năm 2011 và 2013 với tỷ lệ 13% vào ngày 14.12.2021 thay vì 14.12.2018 như thông báo mới đây. Đây là lần hoãn trả cổ tức thứ 4 của công ty này và như vậy cổ đông sẽ chờ đến tận 7 năm. Việc hoãn trả cổ tức của SDA là do công ty đã sử dụng nguồn tiền thanh toán cổ tức năm 2011 và 2013 để đầu tư vào dự án khai thác chế biến đá marble tại Myamar. Dự án đã đầu tư giai đoạn 1 nhưng gặp khó khăn về tiêu thụ hàng nên chưa thu hồi được vốn. Do vậy công ty chưa thu xếp được nguồn tiền để thanh toán cổ tức…

Chưa có chếtài?

Trước đây vào năm 2015, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt ông Hoàng Văn Dư - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Lilama 45.4 (L44) 60 triệu đồng do dời ngày trả cổ tức năm 2012 và 2013 đến tận cuối năm 2016 thay vì sẽ trả vào cuối tháng 7.2015 sau nhiều lần dời lại trước đó. Việc này đã nhận được sự đồng tình của nhiều nhà đầu tư nhưng việc xử phạt này cũng không nhiều.
Doanh nghiệp chiếm dụng cổ tức nhà đầu tư khiến niềm tin vào thị trường chứng khoán giảm sút Gia Khiêm
Trên thực tế, khi doanh nghiệp thông báo trả cổ tức và chốt danh sách cổ đông thì ngay lập tức, giá cổ phiếu trên sàn đã bị điều chỉnh giảm xuống tương ứng (ví dụ trả cổ tức 1.000 đồng/cổ phiếu thì giá cổ phiếu sẽ bị trừ xuống 1.000 đồng). Giá cổ phiếu giảm nhưng nhà đầu tư lại không nhận được tiền trong một thời gian quá dài là thiệt hại rất lớn cho cổ đông.  
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam - nhận định đây là sự yếu kém trong việc quản trị của các doanh nghiệp. Các nhà đầu tư có có thể khởi kiện khi công ty đã trì hoãn quá lâu việc chi trả cổ tức. Bởi theo luật nước ngoài, cổ tức là một khoản nợ của cổ đông. Cổ đông có thể thông cảm khi doanh nghiệp gặp khó khăn trong ngắn hạn và lùi ngày trả cổ tức 1 - 2 lần. Nhưng nếu cứ hứa quá nhiều lần từ năm này qua năm khác thì có thể cho rằng đó là hình thức lừa đảo. Vì cũng có những trường hợp doanh nghiệp thông báo chia cổ tức cao để đẩy giá cổ phiếu tăng lên nhằm thu lợi cá nhân. Cần thiết phải có sự chế tài từ cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này để tạo niềm tin vào thị trường chứng khoán.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.