7 ngân hàng đầu tiên chính thức ra mắt thẻ chip

28/05/2019 19:40 GMT+7

Sản phẩm thẻ chip được kì vọng sẽ giúp các ngân hàng ngăn ngừa, hạn chế tình trạng tiền bốc hơi khỏi thẻ ATM bùng phát trong thời gian qua.

Chiều 28.5, Ngân hàng nhà nước, Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và 7 ngân hàng (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, Sacombank, TPBank, ABBank) chính thức công bố ra mắt sản phẩm thẻ chip nội địa của các ngân hàng.
Hết năm 2021 chuyển đổi toàn bộ 76 triệu thẻ sang thẻ chip
Hiện nay, theo báo cáo, Việt Nam có 48 ngân hàng phát hành thẻ nội địa với số lượng khoảng 76 triệu thẻ, hơn 261.000 máy POS và 18.600 máy ATM.
Trong đó, phần lớn POS đã tuân theo Tiêu chuẩn EMV nên việc triển khai thẻ chip nội địa trên các thiết bị chấp nhận thẻ sẽ không quá phức tạp.
Theo kế hoạch đặt ra, đến 31.12 tới, các ngân hàng thương mại thực hiện chuyển đổi ít nhất 30% số lượng thẻ từ nội địa, 35% số lượng ATM và 50% số lượng POS hiện có sang công nghệ chip tiếp xúc và không tiếp xúc. Toàn bộ máy ATM và POS trên thị trường đảm bảo tuân thủ Tiêu chuẩn VCCS (bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa) vào 31.12.2020.
Chậm nhất vào 31.12.2021, toàn bộ thẻ từ nội địa đang lưu hành của tổ chức phát hành thẻ tuân thủ tiêu chuẩn về thẻ chip nội.
Chuyển đổi thẻ thanh toán nội địa từ thẻ từ sang thẻ chip là một trong những giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng được Thủ tướng phê duyệt tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020 (Quyết định 2545/QĐ-TTg).
Lộ trình chuyển đổi được Ngân hàng nhà nước ban hành đối với tổ chức thanh toán thẻ đến ngày 31.12.2020 và đối với tổ chức phát hành thẻ là ngày 31.12.2021.
Về cơ bản, thẻ từ chỉ có 1 loại trong khi thẻ chip có 3 loại (thẻ chip tiếp xúc, thẻ chip phi tiếp xúc và thẻ chip giao diện kép). Cấu trúc bên ngoài, thẻ từ có băng từ ở mặt sau, còn thẻ chip tích hợp 1 con chip điện tử ở mặt trước thẻ. Thẻ từ có độ bền thấp, dễ trầy xước, trong khi thẻ chip có độ bền cao hơn, thông tin trên chip có thể được xoá và ghi lại nhiều lần…
Tuy nhiên, điều đặc biệt hơn cả là bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa là một nền tảng cơ bản để số hoá thông tin thẻ lên thiết bị di động, tiến đến cho phép người dùng sử dụng điện thoại thông minh để thanh toán.
Tương lai, thị trường sẽ đón nhận trào lưu thanh toán “chạm”, khách hàng chỉ cần chạm thẻ hoặc điện thoại vào thiết bị chấp nhận POS để hoàn thành giao dịch thanh toán. Các tính năng vượt trội của thẻ chip nội địa như tính an toàn và bảo mật do sử dụng vi mạch chip để lưu giữ thông tin thẻ thay vì lưu trên dải từ như các thẻ ATM trước kia, được kỳ vọng giảm thiểu các giao dịch giả mạo, gian lận.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, việc chuyển đổi thẻ chip nội địa là xu thế tất yếu của các nước trong khu vực và quốc tế, trước tình trạng tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng và tập trung vào các thị trường chưa thực hiện chuyển đổi công nghệ chip. Do vậy, các đơn vị cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi và cần đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khách hàng chủ thẻ trong quá trình thực hiện.
Đánh giá về việc thực hiện các mục tiêu trước mắt, bà Nguyễn Tú Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Napas, cho biết phía Napas đã sẵn sàng nguồn lực về nhân sự và công nghệ để hỗ trợ các ngân hàng còn lại thực hiện việc nâng cấp hệ thống phát hành, thanh toán thẻ chip nội địa.
Napas đang nghiên cứu việc hợp tác với các tổ chức thẻ quốc tế để cùng với các ngân hàng Việt Nam phát hành ra thị trường thẻ đồng thương hiệu (co-badge) giữa thẻ chip nội địa và thẻ chip quốc tế. Cơ quan này cũng đã triển khai chính sách giảm phí dịch vụ chuyển mạch lên đến 80% (tùy theo loại giao dịch) cho các ngân hàng hoàn thành các điều kiện kỹ thuật, để chuyển đổi thẻ từ sang theo tiêu chuẩn thẻ chip nội địa từ 1.5 vừa qua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.